Thứ hai 16/09/2024 10:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Trị: Nước máy Cam Lộ có nguy cơ nhiễm thuốc diệt cỏ

08:54 | 29/06/2016

(Xây dựng) – Xí nghiệp cấp nước Cam Lộ (Quảng Trị) lấy nước trực tiếp từ sông Hiếu - nơi có nguy cơ nhiễm độc do người dân dùng thuốc diệt cỏ phun lúa rồi vứt chai lọ bừa bãi dọc hai bên bờ song, đoạn tiếp giáp với khu vực nhà máy vận hành cấp nước – xử lý để cấp nước sạch cho người dân sử dụng. “Nguồn nước sạch” này liệu có đảm bảo an toàn?


Vỏ chai thuốc diệt cỏ vứt bừa bãi bên bờ sông Hiếu.

Một bên là An Hưng của Cam Lộ, một bên là Cam Tuyền, đoạn sông Hiếu chảy qua có lẽ là đoạn thơ mộng nhất. Giữa dòng lô nhô đá mọc, nước chảy chỗ lờ lững chỗ ào ạt, trong vắt thấy cả rêu, cả sỏi đáy sông. Hai bên bờ là những vạt cỏ xanh, vài cây cổ thụ đổ tán mát rượi. Vài mươi năm trước, đây là đoạn sông mà người dân trong vùng vẫn dùng để tắm giặt, gánh nước về dùng. Cứ chiều mùa hè là tấp nập trẻ con tắm, người lớn giặt giũ, bắt ốc…

Thế rồi những năm trở lại đây, đường xuống sông phủ cây, lối đi um tùm. Không hẳn vì nước máy đã về với vùng quê khiến người ta có thể ngồi nhà mà vẫn có nước dùng thoải mái, mà vì người dân sống dọc hai bên bờ sông trở nên e ngại mỗi khi xuống sông tắm.

Mặc dù vẫn muốn con em mình được như mình, được vui chơi trên đoạn sông rất đẹp vốn được gắn liền với tuổi thơ và ký ức của các thế hệ, nhưng với người dân hai bên bờ, dòng sông này không còn sạch nữa. Chiều chiều chỉ còn lác đác trẻ con xuống (thường là trẻ con ở thành phố về chơi, thích quá nên bất chấp, cứ thế mà nhảy xuống), hoặc vài con trâu đầm mình. Dòng sông bị “chê” là đang ô nhiễm ngày một nhiều. Và chất ô nhiễm này không chỉ bẩn, mà còn độc.

Đó là vì đoạn sông Hiếu nói trên chạy qua khu vực chạy sát một khu đất nông nghiệp rộng 22ha, có tên là Trằm Ba Nê của người dân khu phố An Hưng và thôn Tân Định (Cam Lộ). Mỗi năm ở đây có một vụ mùa và một vụ trái. Như đa phần nông dân hiện nay, vào mỗi đầu vụ, người ta bơm thuốc diệt cỏ. Cứ một sào (500m2) là bơm 50ml thuốc diệt cỏ. Bơm xong, họ vứt luôn chai lọ bên sông, và xúc rửa bình xịt thuốc trên dòng nước sông Hiếu.

Nhưng điều đáng nguy nhất là mọi việc nêu trên chỉ cách khu vực nhà máy vận hành cấp nước Cam Lộ có khoảng 100m, là đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn nước này để cấp nước sạch cho dân!

Xí nghiệp cấp nước Cam Lộ lấy nước trực tiếp từ một nơi có nguy cơ nhiễm độc do người dân sử dụng thuốc diệt cỏ rồi vứt chai lọ bừa bãi dọc hai bên bờ sông đoạn tiếp giáp với khu vực nhà máy vận hành cấp nước.


Vỏ chai thuốc vứt bừa bãi bên sông gây ô nhiễm nguồn nước, chưa kể việc người dân xúc rửa bình xịt thuốc ngay trên dòng sông.

Trước tình hình “trớ trêu” ấy, chúng tôi đã xin gặp lãnh đạo xí nghiệp cấp nước Cam Lộ là ông Trần Trung Nghị. Ông Nghị thừa nhận đây là thực trạng nhức nhối mà xí nghiệp đã rất lo lắng từ bấy lâu nay. Tuy nhiên đây là một việc thuộc về ý thức của người dân, thực sự là nằm ngoài tầm kiểm soát của một xí nghiệp. “Là đơn vị trực tiếp sử dụng nguồn nước, chúng tôi cũng mong muốn làm sao người dân có ý thức hơn để giảm mối nguy cơ trước tình trạng vứt chai lọ thuốc diệt cỏ bừa bãi dọc đoạn sông Hiếu tại khu vực Trằm Ba Nê” - ông Nghị nói.

Chúng tôi tiếp tục gặp một cơ quan khác có liên quan là Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Cam Lộ. Ông Lê Quang Lực, Trưởng phòng, ngạc nhiên cho biết: “Đây là lần đầu tôi nghe và biết đến thực trạng này. Tại sao xảy ra tình trạng này nhưng đơn vị chúng tôi chưa từng tiếp nhận bất kỳ ý kiến nào từ phía xí nghiệp cấp nước Cam Lộ?”. Và ông Lực khẳng định: “Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thực địa để nắm rõ tình hình theo như phản ánh từ phóng viên”.

Trước tình trạng đáng lo ngại nêu trên, có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước và sức khỏe của người dân trên địa bàn toàn huyện – những người đang sử dụng nước từ xí nghiệp cấp nước Cam Lộ, chúng tôi mong cơ quan chức năng sẽ sớm có những đợt kiểm tra kịp thời, qua đó có được sự phối hợp từ các ban ngành liên quan, đặc biệt là có sự tham gia của toàn thể các hộ dân đang làm nông nghiệp ở khu vực trên để cùng tìm ra một giải pháp tích cực.

Không phải vùng nào của Quảng Trị nói riêng và nước ta cũng có một cảnh đẹp như đoạn sông Hiếu chảy qua Cam Lộ, Cam Hiếu. Nơi đây thực sự là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng con người. Giờ đây, khi chưa khai thác tới du lịch thì chí ít nguồn nước trong lành của con sông cũng nên được bảo tồn, để con sông không bị bỏ bê, chuyển từ một niềm tự hào và thân thiết của người dân thành một mối e ngại.

Chúng tôi tin rằng, với sự đồng lòng bảo vệ con sông, với những biện pháp vừa mềm mỏng (thuyết phục, giải thích) vừa cứng rắn (chế tài), những hành vi thiếu ý thức của người trồng trọt sẽ được hạn chế, thậm chí chấm dứt hẳn. Người dân khi đi phun thuốc thì mang theo bao nilon để thu gom vỏ chai về, đồng thời không xúc rửa bình xịt trên sông. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những biện pháp phát hiện và thu gom rác thải độc hại cho sông… Khi Nhà nước và nhân dân cùng là thì con sông Hiếu và người dân hai bên bờ sử dụng nước lọc từ sông đều sẽ được bảo vệ. 

Phan Bảo Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load