(Xây dựng) - Tổng nhu cầu vốn để phát triển nhà ở xã hội tại tỉnh Quảng Trị đến năm 2030 là 13,5 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư không “mặn mà” với lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Khu công nghiệp Quán Ngang một trong những khu công nghiệp thu hút nhiều lao động nhất. |
Trong Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045 vừa được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt, xác định mục tiêu ưu tiên là phát triển nhà ở có giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp và các đối tượng thụ hưởng chính sách. Theo đó, nhà ở xã hội đến năm 2025, mục tiêu 894,82 đến 1.114,82 nghìn m2 với 14.854 đến 19.414 căn. Dự kiến đến năm 2030, nhà ở xã hội tiếp tục được ưu tiên với 1,686 đến 2,184 triệu m2, với 23.020 đến 29.580 căn.
Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị đã ban hành các chủ trương, chính sách khá cụ thể về việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Song trên thực tế, do còn gặp nhiều vướng mắc từ nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan mà các dự án phát triển nhà ở xã hội đang còn cầm chừng, cân nhắc, chưa có động thái tích cực về đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Cụ thể, theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 thì chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội để được miễn tiền sử dụng đất vẫn yêu cầu phải xác định tiền sử dụng đất theo pháp luật về đất đai, rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, để thực hiện thủ tục này mất thời gian 1-2 năm. Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang lấy ý kiến hiện nay, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang quy định song song hai chính sách về đất xây dựng nhà ở xã hội là: Giao đất không thu tiền sử dụng đất và miễn, giảm tiền sử dụng đất. Hơn nữa, đối với tổ chức trong nước được Nhà nước giao đất, không thu tiền sử dụng đất (trong đó có chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội) theo phương thức này, thì không phát sinh thủ tục tính tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, tổ chức được giao đất bị hạn chế về quyền: Không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, chủ đầu tư sau khi hoàn thành dự án xây dựng nhà ở xã hội được giao đất không thu tiền, sẽ không có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng nghĩa với việc không được bán nhà ở. Với phương án của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội chỉ có thể xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mà không được cho thuê mua hay bán sản phẩm. Điều này sẽ hạn chế tiếp cận để sở hữu nhà ở xã hội cho các đối tượng có nhu cầu.
Ngoài ra, hiện nay một số dự án xây dựng nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn hỗn hợp gồm một phần vốn ngân sách và phần còn lại vốn huy động của các tổ chức, cá nhân nhưng chưa được quy định rõ ràng về việc lựa chọn chủ đầu tư sử dụng loại nguồn vốn hỗn hợp này trong Luật Nhà ở hiện hành, dẫn tới ách tắc trong triển khai thực hiện, làm giảm hiệu quả thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là tại các địa phương có nguồn ngân sách tương đối nhiều có thể dành một phần ngân sách ra để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Cùng với những khó khăn chung về phát triển dự án nhà ở xã hội như đã nêu trên, tại địa bàn Quảng Trị có một nguyên nhân khách quan khác làm chậm tiến trình phát triển nhà ở xã hội là nhu cầu thực tế từ thị trường nhà ở xã hội.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Hải – Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Trị lý giải: Về vấn đề nhà ở xã hội, tại các khu đô thị, do người lao động tại các khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Trị có nguồn lao động còn hạn chế, điều đáng quan tâm là tại các khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Nam Đông Hà (thành phố Đông Hà) hay Khu công nghiệp Quán Ngang (huyện Gio Linh), phần lớn người lao động là người của địa phương, có nhà riêng gần, chỉ đi về nên nhu cầu ở nhà xã hội chưa phải là vấn đề quan tâm…
Hiện nay, tại Quảng Trị duy nhất có Dự án nhà ở xã hội Happy Home nằm trong Dự án khu đô thị thương mại - dịch vụ Nam Đông Hà hiện đang trong quá trình thi công, do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Trong đó, khu vực 1 có diện tích 9,17ha với 314 nhà liền kề, 1 biệt thự đơn lập và 14 biệt thự song lập, 1 trung tâm thương mại; khu vực 2 có diện tích khoảng 2,48ha xây dựng 186 nhà liền kề, 1 trung tâm thương mại; khu vực 3 xây dựng 142 căn nhà ở xã hội.
Quảng Trị là một trong những tỉnh còn khó khăn, tỷ lệ đô thị hóa, hay sự phát triển của các khu kinh tế, khu công nghiệp còn hạn chế. Do vậy, khi phát triển xây dựng nhà ở xã hội, ngoài những quy chế, quy định chung thì cần có các chính sách, giải pháp mang tính đặc thù riêng, với mục tiêu hướng đến sự bảo đảm tính phù hợp và tính khả thi cao.
Hữu Tiến
Theo