Thứ bảy 20/04/2024 20:24 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Trị: Giảm nghèo từ Nghị quyết 80

21:21 | 20/08/2020

(Xây dựng) - Sau gần một thập niên triển khai thực hiện Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011-2020, trên địa bàn Quảng Trị có hàng nghìn hộ thoát nghèo. Bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển mang một diện mạo mới đáp ứng phần nào sự mong đợi của người dân.

quang tri giam ngheo tu nghi quyet 80
Trồng hoa – một mô hình cải thiện, nâng cao đời sống hiệu quả ở Quảng Trị.

Để đưa Nghị quyết 80 đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều văn ban chỉ đạo, điều hành. Trên cơ sở đó, các đề án, kế hoạch, chương trình, chính sách và giải pháp về giảm nghèo đã được các cấp, các ngành chức năng ở địa phương tham mưu xây dựng, ban hành đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý để người nghèo, người cận nghèo tiếp cận, thụ hưởng các chính sách giảm nghèo. Cụ thể có 2 nhóm chính sách tác động trực quan đến công tác giảm nghèo, đó là: Nhóm chính sách giảm nghèo chung và Nhóm chính sách giảm nghèo đặc thù.

Nhóm chính sách giảm nghèo chung được áp dụng thực hiện đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Trong10 năm qua (2011-2020) tổng kinh phí huy động trên 7.269 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương: 1.176,6 tỷ đồng, vốn huy động khác 89,6 tỷ và vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội trên 6.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn này được phân bổ nhằm thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo như: Chính sách hỗ trợ giáo dục đào tạo; Chính sách hỗ trợ y tế; Chính sách hỗ trợ tín dụng; Chính sách hỗ trợ về dạy nghề, việc làm; Chính sách hỗ trợ về pháp lý; Chính sách hỗ trợ về văn hóa thông tin; Chính sách hỗ trợ hộ nghèo về tiền điện. Mỗi chính sách đều thuộc một lĩnh vực và mang ý nghĩa riêng, nhưng đều có mục đích chung là nâng cao, cải thiện đời sống cho hộ nghèo.

Những chính sách có tính lan tỏa trực tiếp phải kể đến như: Chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, tạo sự chuyển biến ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chính sách này đã giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.

Chính sách hỗ trợ dạy nghề, việc làm đã giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nói chung và lao động nghèo, cận nghèo nói riêng trên địa bàn tỉnh đang được triển khai và có chiều hướng chuyển biến tích cực, lao động sau khi học nghề có khoảng 80% tự tạo việc làm mới hoặc tăng năng suất lao động góp phần tăng thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động; lao động thuộc hộ nghèo tham gia xuất khẩu lao động đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Nhóm chính sách giảm nghèo đặc thù được áp dụng thực hiện đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa bàn vùng nghèo, xã nghèo, với tổng kinh phí huy động trong giai đoạn 2011-2020 trên 1.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đưa vào các chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; Hỗ trợ phát triển sản xuất; Hỗ trợ cho lao động hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn nước ngoài; Hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số…

Trong đó, chính sách phát triển cơ sở hạ tầng để lại nhiều dấu ấn, thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa, mà cụ thể, đến nay có 100% số xã đã có đường giao thông về đến trung tâm; 100% xã có trạm y tế; phần lớn các thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có điện lưới quốc gia, các trường học đều được xây dựng kiên cố và 100% các xã có trường tiểu học, hệ thống trường trung học cơ sở đảm bảo đủ cho con em đến trường.

Kết quả thực hiện các chính sách giảm nghèo từ Nghị quyết 80 của Chính phủ đã góp phần cải thiện đời sống người dân, ổn định xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là đối với địa bàn vùng dân tộc và miền núi, đạt được mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo của tỉnh đề ra.

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giai đoạn 2011-2015 giảm bình quân hàng năm là 2,57%/năm, đạt mục tiêu đề ra giảm bình quân 2,5-3,0%/năm (theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015). Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 19,70% (29.635 hộ nghèo) đầu năm 2011 xuống còn 6,92% (11.781 hộ nghèo) cuối năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 1,77%/năm (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra giảm từ 1,5-2,0%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 15,43% (24.579 hộ nghèo) đầu năm 2016 xuống còn 8,08% (14.101 hộ nghèo) cuối năm 2019 và ước còn 6,58% (11.633 hộ nghèo) vào cuối năm 2020.

Hữu Tiến

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load