(Xây dựng) - Tính đến tháng 10/2022, tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trên 1.700 tỷ đồng, đạt 48,5% kế hoạch tỉnh giao và 56,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó có 23 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của tỉnh.
![]() |
Cầu dây văng bắc qua sông Hiếu – đường kết nối hai đầu cầu đang thi công chậm so với tiến độ. |
Được biết, năm 2022, kế hoạch đầu tư công do tỉnh quản lý được Thủ tướng Chính phủ giao đến nay trên 3.642 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch được giao từ đầu năm gần 2.799 tỷ đồng; kế hoạch thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được giao bổ sung là 415,492 tỷ đồng. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2022 được giao bổ sung là 247,8 tỷ đồng.
Một số dự án giao thông có tổng mức đầu tư lớn, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp hơn mục tiêu đề ra đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của Quảng Trị. Xin được đơn cử như Dự án đường kết nối 2 đầu cầu dây văng sông Hiếu - giai đoạn I; Dự án Mở rộng đường Bà Triệu thành phố Đông Hà, đoạn từ cầu đường sắt Bắc Nam lên phía đập ngăn mặn sông Hiếu; công trình đường Lê Thánh Tông đoạn Lê Lợi - Hùng Vương thuộc Dự án phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê - kông...
Riêng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị được UBND tỉnh này giao thực hiện 80 dự án, tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, nhưng đến nay, mới thực hiện giải ngân vốn được trên 20% tổng giá trị.
Xin nói thêm rằng, ngay từ đầu năm 2022 các chủ đầu tư và tổ chức cam kết thực hiện hoàn thành công tác đấu thầu, trao thầu một số dự án có tổng mức đầu tư lớn. Song, theo kết quả cập nhật của các đơn vị gửi báo cáo, dự kiến có một số dự án không thể giải ngân hết kế hoạch 2022 theo như cam kết trước đây, với kế hoạch vốn khoảng 155 tỷ đồng như: Giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn từ Quốc lộ 1A đến cảng Cửa Việt; đường ven biển kết nối với hành lang kinh tế Đông Tây; cải tạo, sửa chữa trụ sở UBND tỉnh Quảng Trị; đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế tuyến tỉnh - Hợp phần thiết bị; đường biên giới Khe Sanh Sa Trầm; Xóa phòng học tạm, phòng học mượn, cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh và xây dựng trường THPT Hướng Hóa…
Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư công chậm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đó là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 cũng như các đợt mưa lũ bất thường những tháng đầu năm; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thị trường giá một số vật liệu xây dựng tăng cao nên các nhà thầu thi công cầm chừng hoặc phải dừng thi công trong một khoảng thời gian.
Cùng với đó, có một số nguyên nhân từ chủ quan, đó là có không ít nhà thầu còn hạn chế về năng lực trong công tác thực hiện thi công; nguồn cung vật liệu đất đắp công trình khan hiếm trầm trọng, đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn rất lớn. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 16 mỏ đã được UBND tỉnh này ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác (tháng 8/2022). Tuy nhiên, đến nay chỉ có 8/16 mỏ nộp hồ sơ để thực hiện các thủ tục tiếp theo. Để các mỏ trên được cấp giấy phép khai thác đi vào hoạt động cần nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục liên quan (khoảng 10 tháng, dự kiến nhanh nhất là đến tháng 8/2023 mới có thể đủ điều kiện để khai thác), do đó các mỏ trên chưa thể đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp trong thời điểm hiện tại.
Tỉnh Quảng Trị phấn đấu hết năm 2022 giải ngân vốn đầu tư công đạt 78,3% kế hoạch của địa phương và đạt 90,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị khẳng định: Cuối năm, công tác giải ngân buộc phải đạt kế hoạch đã đề ra. Vì vậy đây được coi là nhiệm vụ cấp bách, buộc phải có giải pháp để hoàn thành mục tiêu đã đề ra, theo đó cơ quan nào, đơn vị nào không hoàn thành nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Hi Hữu
Theo