(Xây dựng) - Cứ vào thứ ba hay thứ sáu hàng tuần, tại trụ sở xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, có một chiếc xe ô tô khoảng 12 chỗ, đón hàng chục lượt khách hàng đến giao dịch, và rồi nhiều người đã ví von, chiếc xe ấy là “Agribank ở nơi mây ngàn”.
Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng ở nơi mây ngàn.
Vào một đầu xuân Kỷ Hợi, chúng tôi đã có chuyến “vi hành” đến với “Agribank ở nơi mây ngàn”. Núi rừng trùng trùng, điệp điệp, những làn mây trắng treo lơ lửng trên mỗi đỉnh đồi. Bắt đầu từ múi cầu Đakrông hướng về phía Nam theo con đường lọt thỏm chạy ngoằn ngoèo dưới chân đồi, đây là Quốc lộ 14, thuộc đường mòn Hồ Chí Minh. Đi chừng khoảng 50 cây số rồi rẽ lên hướng Tây vài trăm mét là đến trụ sở xã Tà Rụt, huyện Đakrông. Mới hơn 8h sáng, xe máy đã dựng kín trước trụ sở của xã, hàng chục người dân ngồi đợi đến phiên để giao dịch với “Agribank ở nơi ngàn mây” này. Chỉ thoáng qua, chúng tôi nhận thấy niềm phấn khởi của bà con lộ rõ trên từng khuôn mặt dạn dày nắng gió miền sơn cước. Chị Hồ Cù Xảo, ở thôn A Đăng, xã Tà Rụt - một khách hàng đang đợi giao dịch với ngân hàng vui mừng cho chúng tôi biết: “Tháng 9/2018, gia đình chị có vay vốn của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đakrông với tổng giá trị là 70 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, mỗi lần đi làm thủ tục vay hay trả gốc và lãi cho ngân hàng đều rất vất vả, phải đi gần 70 cây số, không những thế mà miềng (mình - pv) còn lo lắng trong cái bụng, vì sợ đi dọc đường gặp kẻ xấu thì rất nguy hiểm không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Nhưng từ ngày có “Agribank ở nơi mây ngàn” này thì miềng yên tâm lắm”. Chị Xảo cũng cho biết thêm, nhờ vay được vốn ngân hàng, gia đình chị đã trồng thêm sắn, thêm cây tràm... giờ đây gia đình chị đã đủ ăn, đủ mặc, không còn đói nghèo như trước nữa và chị đã trả ngân hàng được hơn 40 triệu đồng.
Cùng trong tâm trạng ấy, anh Nguyễn Hữu Sơn, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Ngo bộc bạch: “Trường mình có gần 60 cán bộ - giáo viên, trường nằm cách xa thị trấn Đakrông gần 80km, lương thì mọi người nhận bằng thẻ ATM nhưng mỗi lần có việc gì cần giao dịch với ngân hàng thì việc đi lại rất khó khăn, vất vả nhất là những lúc trời mưa rét. Nhưng từ ngày điểm giao dịch lưu động của Agribank Đakrông đi vào hoạt động, mọi người trong trường đi lại không những đỡ vất vả hơn mà còn tiết kiệm được thời gian”.
Còn chị Lê Thị Thoài, ở xã A Ngo có một câu chuyện khác. Sáng hôm đó chị cũng có mặt tại đây để chuyển tiền cho đứa con của chị đang học ở Đà Nẵng. Chị ngồi cách chỗ chúng tôi chừng hơn vài chục mét, thấy mọi người đang hồ hởi trò chuyện với nhà báo, chị đến gần bên tôi cùng góp chuyện. Chị kể rằng, trước đây khi chưa có điểm giao dịch lưu động này có lần chị đến Ngân hàng Agribank Đakrông để chuyển tiền, vừa về đến nhà cán bộ ngân hàng điện thoại thông báo món tiền của chị không thể chuyển đi được, do chị viết sai số chứng mình nhân dân, trong lúc đang bận rộn công việc buôn bán, đồng áng chị lại phải tất tả chạy về ngân hàng để viết lại chứng từ chuyển tiền.
Như một lời tri ân, ông Hồ Văn Nhiếp – Chủ tịch UBND xã Tà Rụt nói trong vui mừng và bằng sự tự tin: “Thay mặt chính quyền địa phương và bà con thôn bản của xã Tà Rụt xin được cảm ơn Aribank Quảng Trị đã chọn khu vực phía Tây Nam Đakrông đặt điểm giao dịch lưu động, trong đó có địa bàn xã chúng tôi. Với tiềm năng về đất đai hội đủ điều kiện để phát triển các loại cây trồng như: Sắn, cây ăn quả, rừng kinh tế... cùng với việc tiếp cận thuận tiện với tín dụng ngân hàng, tin chắc rằng thời gian tới Tà Rụt sẽ có những khởi sắc mới”.
Ông Trần Lương Thanh - Phó Giám đốc Agribank Đakrông cho biết: “Điểm giao dịch lưu động bằng ôtô tại xã Tà Rụt được khai trương vào tháng 11/2018. Đây là mô hình giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị và được xem như một ngân hàng thu nhỏ có đầy đủ hệ thống máy tính được kết nối trực tiếp với hệ thống giao dịch của Hội sở chính Agribank. Theo đó, người dân có thể sử dụng hầu hết các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng hiện đại như giao dịch tại các phòng giao dịch, chi nhánh thông thường của Agribank. Điểm giao dịch lưu động này sẽ phục vụ nhân dân khu vực của 5 xã: Tà Rụt, Húc Nghì, A Go, A Vao, A Bung”.
Theo ông Thanh: “Khách hàng tại khu vực này chiếm từ 30 - 40% lượng khách hàng của Agribank Đakrông với hơn 1.000 khách hàng. Chính vì vậy, từ sau khi điểm giao dịch lưu động khai trương, tại đây luôn đón tiếp một lượng khách rất đông, nên anh chị em cán bộ điểm giao dịch lưu động phải phát huy tối đa năng lực làm việc, làm liên tục, thông tầm, chỉ nghỉ ăn trưa khoảng 15 - 20 phút”.
Ông Hoàng Minh Thông - Giám đốc Agribank Quảng Trị cho hay: “Việc triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dụng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục đích là phục vụ thuận lợi một cách tối ưu nhất đối với khách hàng mà đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, phát triển thêm công cụ đầu tư để giảm thiểu nạn tín dụng đen, chung tay làm tốt công tác an sinh xã hội”.
Trời đã về chiều, trên các đỉnh núi những làn mây trắng vẫn lơ lửng trôi, trong tôi bỗng nhớ đến bài hát “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn – Từ Linh: “...Gửi gió cho mây ngàn bay/ Gửi phím tơ đồng tình duyên/ Gửi thêm lá thư màu xanh ái ân/ Về đôi mắt như hồ thu...”. Quả đúng vậy, mặt hồ đẹp nhất là về mùa thu, phẳng lặng, trong xanh đến lạ thường... Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn có cảm xúc liên hệ thật tinh tế giữa không gian và cảnh vật khác nhau. Còn với chúng tôi, có một dự cảm rằng, vùng sơn cước phía Tây Nam Đakrông rồi đây sẽ đong đầy cảm xúc hơn bởi sự thay da đổi thịt, làm cho bức tranh núi đồi nơi đây càng thêm đẹp, trong đó có sự góp sức không nhỏ của “Agribank ở nơi mây ngàn” này.
Hữu Tiến
Theo