(Xây dựng) – Trong năm mới 2019, tỉnh Quảng Ninh vui mừng cho biết, địa phương tiếp tục khởi công các công trình trọng điểm mang tính chiến lược, gồm: Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả, tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 900 tỷ đồng; Đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, TMĐT khoảng 12.000 tỷ đồng; Hầm qua vịnh Cửa Lục, TMĐT khoảng 8.000 tỷ đồng. Quảng Ninh đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các Trung tâm y tế các địa phương: Cẩm Phả, Cô Tô, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, và mở rộng các Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện y dược cổ truyền…
Các vị cán bộ chủ chốt ở địa phương đã hưu trí, còn gì vui hơn thăm sân bay Vân Đồn thành quả lao động của mình đã thành hiện thực.
Triển vọng trong năm mới với những công trình mới siêu lớn, tỉnh Quảng Ninh tự hào với những thành tựu đã đạt được trong năm cũ. Và kỷ niệm xưa luôn là bài học quý cho ngày nay.
Lật lại thời gian, trước năm 2012, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn, đủ mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển. Hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là hệ thống đường cao tốc kết nối vùng chưa được đầu tư, tuyến đường huyết mạch kết nối với hệ thống cầu cảng, các khu công nghiệp và các khu kinh tế chưa được triển khai xây dựng theo đúng quy hoạch và kế hoạch. Hạ tầng điện chưa thể hiện rõ là trung tâm nhiệt điện của cả nước, hạ tầng lưới điện nông thôn đã được đầu tư nhưng chưa toàn diện, chưa có điện lưới quốc gia ra huyện Cô Tô và các xã đảo Vân Đồn... Hạ tầng thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu còn chưa đáp ứng được với thay đổi do mưa bão, thủy triều dâng. Hệ thống đê biển còn chưa được đầu tư đồng bộ.
Nhiều đô thị lớn đã được hình thành, song chưa thực sự đạt được các tiêu chí đô thị, việc nâng cấp đô thị đã có lộ trình nhưng chưa được quan tâm. Hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế được tỉnh quan tâm đầu tư, song còn thiếu cơ chế chính sách để phát triển, nguồn lực trung ương đầu tư còn hạn chế. Hạ tầng thương mại, du lịch còn manh mún, thiếu các công trình phục vụ cho phát triển dịch vụ, nhất là sản phẩm du lịch, trung tâm thương mại, nguồn thu từ du lịch còn hạn chế. Hạ tầng văn hóa, thông tin, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu đầu tư và nguồn lực còn rất lớn, các dự án công trình liên tục được điều chỉnh do trượt giá (trong năm 2011 biến động giá vật liệu liên tục tăng), nên vẫn để xảy ra tình trạng một số dự án bị kéo dài...
Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/ 01/ 2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế, xã hội. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có bước phát triển đột phá, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền và từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng điện, thương mại, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Phương thức đầu tư, hình thức đầu tư, xây dựng, quản trị, vận hành, kinh doanh được đa dạng hoá, mở rộng. Kết quả đạt được như sau: Trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2018, sơ bộ tổng nguồn vốn đầu tư một số dự án, công trình trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh tương đối lớn, khoảng 227.366.443 triệu đồng, cụ thể: Vốn ngân sách Trung ương là 14.122.643 triệu đồng, ngân sách tỉnh (bao gồm cả vốn đối ứng ODA) 37.438.311 triệu đồng, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, 81.428.495 triệu đồng, vốn ODA 1.289.562 triệu đồng, vốn ngoài ngân sách (các dự án đầu tư theo hình thức PPP) 90.992.865 triệu đồng.
Các lĩnh vực đầu tư: Giao thông vận tải 61.934.041 triệu đồng; văn hóa thể thao và du lịch 26.283.314 triệu đồng; y tế: 3.844.968 triệu đồng; khoa học công nghệ: 688.054 triệu đồng; giáo dục và đào tạo, đào tạo nghề 1.030.071 triệu đồng; công nghệ thông tin, truyền thông 2.776.529 triệu đồng; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu 5.026.575 triệu đồng; nông nghiệp, thủy lợi 1.909.156 triệu đồng; trụ sở 1.086.833 triệu đồng; hạ tầng cung cấp điện 119.622.894 triệu đồng; cấp thoát nước, môi trường 3.164.008 triệu đồng.
Việc thu hút đầu tư các nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua hình thức PPP trong 5 năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành quả to lớn, tỷ trọng vốn ngoài ngân sách trên tổng vốn đầu tư đạt 40% (trong khi vốn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 16% trên tổng vốn đầu tư).
Riêng đối với các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh có tổng mức vốn đầu tư là: 47.174.930 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 4.717.983 triệu đồng, vốn ngoài ngân sách là 42.459.188 triệu đồng. Như vậy, sơ bộ cứ 1 đồng ngân sách Nhà nước đầu tư cho các công trình hạ tầng kỹ thuật đã thu hút được ≈ 8,9 đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước.
Điểm nổi bật và khác biệt của Quảng Ninh là thay đổi căn bản cách làm và đã huy động được nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Mạnh dạn áp dụng đầu tư theo hình thức PPP với đa phương pháp, đa hình thức để lựa chọn hình thức đầu tư cho phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng dự án để chọn hình thức đầu tư, quản trị cho phù hợp với thực tiễn và phát huy được hiệu quả sau đầu tư. Từ đó đã xóa bỏ tư duy đầu tư dàn trải, manh mún thay bằng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm và hiệu quả. Ưu tiên đầu tư các dự án có tính động lực cao, là tỉnh đi đầu trong triển khai thực hiện hình thức đối tác “Công - Tư”. Quảng Ninh đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ. Trong đó đã đột phá mạnh trong việc huy động các nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông động lực.
Đến nay, Quảng Ninh đã có nhiều công trình đầu tư theo hình thức PPP, trong đó các công trình trọng điểm hoàn thành trong năm 2018 như: Cầu Bạch Đằng đường dẫn và nút giao cuối tuyến TMĐT 7.200 tỷ đồng, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn TMĐT 14.000 tỷ đồng, Cảng Hàng không Quảng Ninh TMĐT 7.400 tỷ đồng, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai TMĐT 900 tỷ đồng; Trụ sở khu liên cơ quan số 3 TMĐT 500 tỷ đồng; Trụ sở làm việc của các ban xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể, và các sở, ngành của tỉnh 400 tỷ đồng; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ TMĐT 1.150 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách Nhà nước chỉ để tập trung cho các công trình văn hóa, an sinh xã hội, y tế như Bệnh viện Sản – Nhi TMĐT 300 tỷ đồng; Cung Quy hoạch Hội chợ và Triển lãm TMĐT 1.250 tỷ đồng; Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Quảng Ninh TMĐT 450 tỷ đồng; Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh đầu tư 460 tỷ đồng; Bảo tàng - Thư viện Quảng Ninh TMĐT 760 tỷ đồng; Dự án chính quyền điện tử và các dự án về trường học, các dự án về khoa học công nghệ...
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 của tỉnh (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng 11,1%, vượt 0,9% so với kế hoạch (KH tăng 10,2%), tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 9,3%, quý II tăng 10,9%, quý III tăng 11,7%, quý IV ước tăng 12,3%), cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây, cao hơn kịch bản tăng trưởng tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (tăng 10,3%); đạt mức cao so với các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và so với mặt bằng chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế (giá hiện hành) ước đạt 145.946 tỷ đồng, tăng 12,6%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP, giá hiện hành) ước đạt 5.110 USD/người/năm, tăng 11,2% so với cùng kỳ (CK 4.593 USD). Năng suất lao động bình quân ước đạt 199,5 triệu đồng/người/năm, tăng 10,8% cùng kỳ (CK đạt 180 triệu đồng/người/năm).
Giá trị tăng thêm của 3 khu vực kinh tế: Khu vực I: Nông, lâm, thủy sản tăng 3,5% (CK tăng 4,5%), đóng góp 0,2 điểm %; khu vực II: Công nghiệp - Xây dựng tăng 9,8% (CK tăng 8,2%), đóng góp 4,7 điểm %; khu vực III: Dịch vụ tăng 14,2% (CK tăng 13,6%), đóng góp 4,9 điểm %; thuế sản phẩm tăng 11,8% (CK tăng 11,6%), đóng góp 1,3 điểm % trong tổng mức tăng chung.
Khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng khá, tăng cao nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp 1,5 điểm %; công nghiệp khai khoáng trên đà phục hồi, đóng góp 1,2 điểm % trong tổng mức tăng GRDP. Các dự án, công trình động lực, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, dịch vụ được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm hoàn thành đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả sau đầu tư. Khu vực dịch vụ sôi động, nhiều cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú, sản phẩm du lịch mới được đầu tư, đưa vào sử dụng, cùng với nhiều sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia đã thu hút đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản được duy trì và ổn định.
Hành trang bước vào xuân mới đầy ắp thành tựu và bài học kinh nghiệm quý, là điểm tựa “ngàn vàng”, chắp cánh cho Quảng Ninh vào Xuân Kỷ Hợi, năm mới thắng lợi mới.
Một số hình ảnh năm mới niềm vui mới tại Quảng Ninh:
Cháu Nguyễn Thị Ánh Tuyết 2 tuổi, ở phường Cao Xanh, TP Hạ Long là hành khách nhỏ tuổi nhất trong chuyến máy bay đầu tiên cất cánh từ sân bay Vân Đồn đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Niềm vui của lão bà Phạm Thị K, người khuyết tật ở TP Cẩm Phả xuân này được đi tàu bay từ sân bay Vân Đồn đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất để thăm thân ở TP Hồ Chí Minh.
Niềm vui của ông Nguyễn Ngọc Đàm - nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chạm tuổi bách niên đến thăm cây cầu Bạch Đằng hôm khách thành cầu đưa vào sử dụng.
Vũ Phong Cầm
Theo