(Xây dựng) - Ngày 29/5, tỉnh Quảng Ninh sẽ triệu tập các ngành và một số đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham vấn: Nên hay không nên cải tạo hồ chứa nước Yên Lập (TP Hạ Long) ? Nếu đồng ý cải tạo thì cho ý kiến cách làm cụ thể.
Đây là một phương pháp làm việc hay, trưng cầu ý kiến tập thể và các nhà khoa học chuyên ngành trước khi động thổ một dự án lớn của tỉnh Quảng Ninh.
Nhưng Hội nghị chưa họp, trong ngoài đối tượng được mời họp đã sôi lên luận bàn với nhiều ý kiến khác nhau. Người tán thành việc cải tạo lòng hồ Yên Lập, kẻ ngãng ra. Chắc chẳng ai bạo mồm nói ra trong nghị trường về những trăn trở của mình đằng sau việc làm tích cực của tỉnh khi cải tạo, nâng cấp, thanh lọc nguồn nước ở công trình thủy lợi lớn này.
Quảng Ninh từ thành thị đến các huyện rẻo cao có hàng trăm đập chắn, hồ chứa nước lớn, nhỏ. Việc duy tu, bảo dưỡng, nạo vét hồ đập, khe suối là việc làm thường xuyên. Nhưng lấy làm lạ là các công trình thủy lợi ở sơn khu, hải đảo, nơi khó khăn lại ít người quan tâm hơn là ở đô thị. Ví dụ như hồ Khe Cuốn chứa nước nông nghiệp ở xã Hồng Thái, thị xã Đông Triều chưa đến mức phải “đại tu” lòng hồ, nhưng một doanh nghiệp “tình nguyện” ghé vai vào nạo vét không công. Thoạt nghe bao người cảm động. Sau, doanh nghiệp này moi lên ngàn vạn tấn than, mới hay họ chả làm không công. Hồ Khe Cuốn hạ lòng, nguồn nước tưới cây không còn được tươi tốt như trước, có thể bị nhiễm axit hệ lụy từ khai trường “tận thu” than.Hồ Yên Lập vừa manh nhai chủ trương nạo vét, ngõ nhà ông Giám đốc Cty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập (Quảng Ninh) - người quản lý lòng hồ - đã dày dấu chân các nhà thầu thiện nghệ sàng đãi cát, khai thác than. Còn máy điện thoại của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh có nóng ran các cuộc đàm thoại xin ghé vai tình nguyện gánh vác việc công ích này không thì chưa rõ.
Hồ Yên Lập khởi công xây dựng năm 1978, đập chính cao 37m ở phường Đại Yên, thành phố Hạ Long. Lưu vực rừng phòng hộ 13.812,4ha, ở 7 phường, xã thuộc các huyện/thị/thành phố: Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên, Hoành Bồ. Hồ Yên Lập có sức chứa 130triệu m3 nước, duy trì thường xuyên ở mức 127triệu m3 nước. Hồ chứa nước ngọt được xác định lớn nhất Việt Nam thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Hồ cấp nước ăn, nước nuôi trồng thủy sản và nước tưới cho 11.000ha đất sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh; mỗi năm còn chi viện 1,05triệu m3 nước cho huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng.
Hồ Yên Lập nằm trên vỉa than lớn vùng Đông Bắc bộ, xây dựng trên 35 năm nay, dưới đáy nước điểm trũng có chỗ cát sỏi ụ lên tới 2,5m. Khi xây hồ, rừng cây thì để nguyên không khai thác, một kho gỗ quí chìm sâu trong lòng hồ. Một vựa than, vựa cát sỏi, hàng ngàn hecta rừng cây đại thụ ngâm trong nước 1/3 thế kỷ, hẳn hồ Yên Lập là một kho “vàng” lớn ở vùng Đông Bắc, đang vô cùng hấp dẫn các nhà đầu tư và lòng tham của vô số người.
Bình đẳng mà nói, chúng ta không thể “ăn đói nằm co” trên đống vàng được, phải khai thác nó, phục vụ con người, Quảng Ninh là tỉnh giầu nhưng không thể lãng phí tài nguyên được. Việc nạo vét lòng hồ Yên Lập là nhất cử lưỡng tiện, vừa cải tạo, nâng cấp được vò nước quí phục vụ nhân dân, vừa tận thu được tài nguyên khoáng sản, lâm thổ sản cho mục tiêu phát triển.
Nhưng tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả là một bài toán lớn đặt ra cho Quảng Ninh trước khi hạ bút “chuẩn tấu”. Dư luận vụng nghĩ, thời điểm mùa mưa chưa nên vội động thổ tháo cạn hồ Yên Lập để nạo vét, sửa chữa, cải tạo lòng hồ. Phải tính toán kỹ việc khai thác kho báu ẩn chứa trong lòng hồ 35 năm nay. Cần có một đơn vị có đủ năng lực chạm vào “vật thiêng” này và phải công khai, minh bạch, đánh giá hết tác động môi trường trong việc tận thu phụ phẩm mà là chính phẩm từ việc nạo vét lòng hồ Yên Lập. Dứt khoát không thể lợi dụng cụm từ “Dự án phát lộ than” phải tận thu, vì lợi nhuận hòn than mà khoét sâu thêm lòng hồ, để nguồn nước ăn của nửa triệu người dân Quảng Ninh và Hải Phòng bị nhiễm hóa chất độc hại do hệ lụy của khai thác than sinh ra.
Vũ Phong Cầm
Theo