Thứ sáu 19/04/2024 12:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Tiếng kêu cứu của người dân liệu có được xem xét?

20:49 | 17/12/2020

(Xây dựng) - Trở lại bài viết “Hạ Long (Quảng Ninh): Việc bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng liệu có đúng pháp luật” đăng trên Báo điện tử Xây dựng ngày 07/12/2020. Sau bài viết này, chúng tôi tiếp tục nhận được một số đơn thư của các hộ dân trong diện phải giải phóng mặt bằng tại dự án đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. Nghiên cứu các tài liệu có được và phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án do Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hạ Long đang thực hiện, chúng tôi có thể nói rằng: Phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng do Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hạ Long đang tổ chức thực hiện là thiếu căn cứ pháp luật.

quang ninh tieng keu cuu cua nguoi dan lieu co duoc xem xet
Đoạn đường đang thi công thuộc dự án đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn.

Việc bồi thường theo phương án, người ta có cảm giác phương án đó là do ấn định của một số người trực tiếp thực hiện và người có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, tiếng kêu cứu của những người dân rằng: Đơn giá đền bù quá thấp (trên dưới 1 triệu đồng/m2 đất ở tại phường Giếng Đáy; Đơn giá trên dưới 2 triệu đồng/m2 khu vực phường Việt Hưng); Cây cối trồng lâu năm chưa được bồi thường… là có cơ sở pháp luật. Chưa hết, khi người dân thắc mắc với những cán bộ trực tiếp đền bù giải phóng mặt bằng thì có trường hợp trả lời với dân rằng, đây là đơn giá đền bù tạm?

Căn cứ pháp luật về giá bồi thường giải phóng mặt bằng, theo quy định tại Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 thì giá bồi thường giải phóng mặt bằng là giá đất cụ thể.

Tại khoản 3 của Điều 114 quy định: “UBND cấp tỉnh Quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quản quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể, dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở giữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm: Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất”.

Như vậy, phương án bồi thường mà Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hạ Long đang áp dụng thực hiện liệu có đúng quy định trong Điều 114, Luật Đất đai nêu trên hay chưa? Tổ chức tư vấn nào đã tư vấn cho hội đồng và người có thẩm quyền để duyệt giá đất bồi thường như trong phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư thành phố Hạ Long đang thực hiện? Nếu lược đi một số cơ sở xác định giá đất theo quy định thì giá đất giao dịch tại khu vực giải tỏa hiện nay theo người dân phản ánh là trên dưới 10 triệu đồng/m2. Với giá bồi thường chưa phù hợp theo pháp luật hiện nay sẽ có nguy cơ đẩy hàng trăm hộ dân tới chỗ không có nơi ở, thất nghiệp và lâm vào tình trạng tái nghèo. Một câu hỏi lớn đặt ra là không chỉ trách nhiệm này không chỉ thuộc về Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Hạ Long mà UBND thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh cần sớm vào cuộc để trả lại công bằng cho người dân và phải tuân thủ theo pháp luật quy định.

Cũng cần nói thêm rằng: Qua vụ việc nêu trên, chúng tôi e ngại đây là “căn bệnh” vô cảm trước đời sống và tiếng kêu của những người lao động của một số cán bộ công chức ở thành phố Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Nhớ về câu chuyện cách đây 10 năm, liên quan đến việc bồi thường 31,9ha đất cho Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh nuôi trồng thủy sản, nằm trong diện giải phóng mặt bằng để xây dựng trung tâm thể thao vùng Đông Bắc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long. Hàng chục năm, đơn vị này đã gửi hàng không biết bao nhiêu đơn thư khiếu kiện/khiếu nại đến UBND tỉnh, UBND thành phố và các ban ngành liên quan nhưng tất cả vẫn rơi vào im lặng.

Câu chuyện này được giải mã khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có ít nhất 02 lần ban hành Văn bản trả lời UBND tỉnh Quảng Ninh với nội dung: 31,9ha ao hồ do Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh nuôi trồng thủy sản phải được bồi thường theo quy định của pháp luật. Không những thế Bộ Tài nguyên và Môi trường còn hướng dẫn UBND tỉnh Quảng Ninh xác định giá đất cụ thể để bồi thường theo quy định. Nhưng khi tư vấn xác định giá đất một đằng thì UBND tỉnh Quảng Ninh lại quyết định một nẻo. Và câu chuyện này tiếp tục hơn 3 năm nữa, làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần, lòng tin của hàng trăm thương binh ở đơn vị này - những người đã từng chiến đấu hy sinh xương máu trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Hiện nay, họ vẫn đang chờ đợi một ngày 27/7 tiếp theo để nhận được món quà tri ân mà UBND tỉnh Quảng Ninh còn nợ họ!

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về những vấn đề nêu trên.

Kim Oanh - Duy Nguyên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load