(Xây dựng) - Để tăng trưởng đảm bảo yếu tố phát triển bền vững, Quảng Ninh đã đặc biệt chú trọng đến việc kiến tạo và phát huy các giá trị, lợi thế nổi trội. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư và kêu gọi, hỗ trợ các nhà đầu tư tạo nên sự đột phá trong phát triển dịch vụ, du lịch, hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh.
Trong những năm gần đây, tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, tích cực kết nối, mời gọi các nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh, như: Tập đoàn Toray (Nhật Bản), Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Serra Sunger ve Petrol Urunleri San.Tic.A.S (Thổ Nhĩ Kỳ), Công ty TNHH VINA - CPK (Anh Quốc); Tập đoàn C.E.O (Việt Nam); Tập đoàn Sozitz (Nhật Bản); Tập đoàn Vinci Group (Pháp)…
Khởi công Dự án Sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh và sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản tại huyện Đầm Hà
Chỉ tính trong 9 tháng vừa qua, tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án, tổng mức đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm là 18.529,65 tỷ đồng, bằng 69,5% cùng kỳ năm 2016. Tỉnh cũng tiếp nhận và giải quyết 43 hồ sơ liên quan đến thủ tục chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch (tăng 40% so với năm 2016), 43 hồ sơ dự án liên quan đến chủ trương đầu tư. Một số dự án lớn đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong 3 tháng cuối năm, như: Dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên (vốn đầu tư 155,68 triệu USD); Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn (vốn đầu tư 46.595 tỷ đồng); Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi Bạch Đằng, khu vực Đầm Nhà Mạc, TX Quảng Yên (vốn đầu tư 994,29 tỷ đồng); Dự án đầu tư Cảng tổng hợp và Khu liên hiệp thu mua, chế biến bảo quản tiêu thụ nông thủy sản tại khu vực Đầm Nhà Mạc (vốn đầu tư 1.431,63 tỷ đồng).
Thu hút đầu tư đạt hiệu quả đã tạo nên sức đột phá trong đầu tư phát triển. Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 9 tháng năm nay đạt 36,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cơ cấu nguồn vốn đầu tư phát triển đã có sự chuyển dịch rõ ràng theo hướng tăng tỷ trọng nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế ngoài nhà nước. Vốn đầu tư nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 14,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8% trong khi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8%. Tăng trưởng mạnh là vốn ngoài nhà nước đạt 16,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% với hàng loạt các dự án lớn được triển khai đầu tư. Điển hình như Dự án sản xuất giống, nuôi tôm công nghệ cao siêu thâm canh và sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản tại huyện Đầm Hà có tổng vốn đăng ký đầu tư 500 tỷ đồng; quy mô 8 tỷ con/năm, năng suất nuôi tôm thương phẩm đạt khoảng 5.800 - 17.400 tấn/năm ... Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm của Tập đoàn Sungroup và Tập đoàn Vingoup, FLC, Texhong,... đang tích cực triển khai đầu tư - đây là những dự án có quy mô lớn, trọng điểm khi hoàn thành, đi vào hoạt động sẽ có ảnh hưởng, tác động tích cực đến hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tỉnh.
Cầu Bắc Luân 2 đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác kinh tế biên giới Đông Hưng - Quảng Ninh.
Để không ngừng tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Quảng Ninh luôn chú trọng và tập trung cải thiện môi trường đầu tư theo hướng có lợi cho nhà đầu tư nhưng phù hợp với quy định hiện hành của luật pháp Việt Nam.
Với quan điểm, không hạn chế về quy mô, ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn, trên cơ sở Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, tỉnh đã rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng ưu đãi và tạo thuận lợi nhất đối với các nhà đầu tư. Ngoài cơ chế, chính sách ưu đãi chung của Nhà nước, Quảng Ninh đã có một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề, khuyến khích phát triển xuất khẩu, chăn nuôi, sản xuất giống thủy sản, phát triển vùng nguyên liệu…
Đối với những quy định chung (các chính sách về thuế, đất đai), tỉnh áp dụng theo quan điểm nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định. Đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tỉnh, như: Đền bù, GPMB, hỗ trợ tuyển dụng lao động, cải cách hành chính… tỉnh lại có những cơ chế riêng trên quan điểm luôn coi lợi ích nhà đầu tư gắn với lợi ích chung của tỉnh, vì vậy tỉnh đã cam kết cùng các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện đầu tư.
Theo đó, nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được các sở, ngành, địa phương triển khai tích cực, theo đúng nhiệm vụ được giao. Chỉ tính riêng 9 tháng năm nay, tỉnh đã có 6/9 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết 19-2017/NQ-CP, gồm: Chỉ số cải thiện thứ hạng khởi sự kinh doanh; Thành lập doanh nghiệp thời gian 2 ngày, ít hơn 1 ngày so với quy định; Chỉ số đơn giản hóa, điện tử hóa thủ tục, rút ngắn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội; Chỉ số đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan; Chỉ số đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian và cải thiện thứ hạng tiếp cận điện năng; Chỉ số nâng cao hiệu quả và rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng dưới 90 ngày (theo Nghị quyết 19-2017/NQ-CP là tối đa 300 ngày).
Đặc biệt, về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, tỉnh được xếp vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh thành cả nước, là vị trí cao nhất từ trước đến nay.
Chính từ kết quả trong thu hút đầu tư, Quảng Ninh đã gặt hái được những thành quả quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội nhất là mục tiêu tăng trưởng xanh. Theo đó, Quảng Ninh luôn là một trong 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách cao trong cả nước. Tính riêng 9 tháng năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,7%, đạt mức tăng cao nhất từ năm 2012 đến nay, đứng trong nhóm đầu các tỉnh, thành phố vùng trọng điểm Bắc Bộ và các địa phương lớn của cả nước. Hiện nay, Quảng Ninh được đánh giá là điểm đến tin cậy của các Tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước.
PV
Theo