Thứ sáu 26/04/2024 04:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Thênh thang đường tới thị xã

10:12 | 26/01/2023

(Xây dựng) - Sau 32 năm kiến thiết, xây dựng, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) hôm nay có nhiều khởi sắc: Chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố, giữ vững; đời sống của người dân không ngừng được nâng lên.

Quảng Ninh: Thênh thang đường tới thị xã
Huyện Quảng Ninh đang tập trung nhiệm vụ lập và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch chung tại nông thôn và đô thị.

Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Ngày 01/6/1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Quyết định số 190/QĐ-HĐBT chia tách huyện Lệ Ninh thành hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đến ngày 01/7/1990, huyện Quảng Ninh được tái lập.

Xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Huyện chú trọng thực hiện đề án cải tạo bộ giống mới có năng suất, chất lượng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất, nhờ đó tổng sản lượng lương thực năm 2022 lên 53.000 tấn. Trong năm, toàn huyện đã chuyển đổi được 40 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, ngô, đậu xanh, mướp đắng…, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế. Chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng tập trung, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 143 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, UBND huyện Quảng Ninh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế rừng, chú trọng công tác trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng. Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn huyện trồng mới 334 ha rừng tập trung; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng khoảng 25.300 m3, tăng độ che phủ rừng đạt 71,6%.

Hoạt động khai thác hải sản xa bờ được tăng cường, nuôi trồng thủy sản tăng về quy mô, diện tích. Hiện nay, toàn huyện có 1.640 tàu, thuyền khai thác thủy hải sản; tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 1.190 ha, đưa tổng sản lượng khai thác nuôi trồng năm 2022 đạt 3.000 tấn, trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 21%/năm và đến năm 2021 đạt 533 tỷ đồng; năm 2022 đạt gần 550 tỷ đồng, đạt 90,7% dự toán tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước và đến cuối năm 2021 đạt 48,1 triệu đ/người/năm.

Xây dựng cụm công nghiệp, làng nghề

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tích cực tham gia hưởng ứng của người dân. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Quảng Ninh có 12/14 xã về đích NTM; tổng số tiêu chí của 14 xã là 252 tiêu chí, trung bình mỗi xã đạt 18 tiêu chí; 10 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 2 thôn ở xã khó khăn đạt chuẩn NTM.

Nổi bật trong phát triển kinh tế của Quảng Ninh trong hơn 3 thập kỷ qua là cùng với việc duy trì ổn định giá trị sản xuất nông - lâm - ngư - nghiệp, huyện đã xây dựng, duy trình hoạt động các cụm công nghiệp, cụm làng nghề cùng với hàng trăm DN hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, may mặc, kinh doanh dịch vụ tổng hợp… Giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, với mức thu nhập ổn định, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 1.000 tỷ đ/năm và trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 569 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được quan tâm. Giáo dục và đào tạo phát triển toàn diện cả về mạng lưới trường lớp, số lượng và chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm và có nhiều tiến bộ.

Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có sự chuyển biến tích cực, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng thời, Đảng bộ huyện Quảng Ninh đã triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Quy định số 02-QĐ/HU của Huyện ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…

Được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý

Ghi nhận những thành tựu đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Quảng Ninh vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh nêu rõ: Để tiếp tục hoàn thiện, củng cố các tiêu chí, tiêu chuẩn của đô thị loại V, thị trấn Quán Hàu - đô thị huyện lỵ Quảng Ninh và đô thị Dinh Mười (dự kiến thành lập trong giai đoạn 2025 - 2030), các cơ quan chuyên môn rà soát, tổ chức lập mới, điều chỉnh quy hoạch đô thị cho phù hợp thực tiễn.

Trên cơ sở quy hoạch đô thị được phê duyệt, sẽ tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng cụm công nghiệp, bổ sung nhà tang lễ. Để từng bước, vươn mình lên thị tứ, thị xã trong tương lai.

Linh Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
  • Quảng Ninh: Người dân 2 xã biển đảo Quan Lạn và Minh Châu mong mỏi được dùng nước sạch

    (Xây dựng) – Mặc dù dự án cấp nước sạch cho đảo Quan Lạn, Minh Châu (huyện Vân Đồn) triển khai đã nhiều năm, đến nay hàng trăm hộ dân ở 2 xã biển đảo này vẫn chưa có nước sạch sử dụng.

  • Hà Nội: Đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè cho người dân

    (Xây dựng) – UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch về việc bảo đảm cung cấp nước sạch mùa hè năm 2024 cho người dân trên địa bàn Thành phố.

  • Vùng đất “gian lao mà anh dũng”

    (Xây dựng) - Những ngày tháng 4 lịch sử, trở lại BR-VT, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay và nhịp sống căng tràn của vùng đất ven biển trù phú này.

  • Đắk Lắk: Mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế xanh

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, với tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện qua sự ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên.

  • Hà Nội: Phát triển đô thị xanh, bền vững

    (Xây dựng) - Chương trình 03-CTr/TU về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025 của Thành ủy Hà Nội thực hiện đến nay đã cơ bản hoàn thành 4/19 chỉ tiêu. 11/19 chỉ tiêu đang hoàn thiện và có khả năng hoàn thành vào năm 2025; đối với 4/19 chỉ tiêu còn vướng mắc cũng được các sở, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ, đôn đốc thường xuyên vì mục tiêu phát triển đô thị Hà Nội theo hướng xanh, thông minh, bền vững.

  • Lợi ích cho đoàn viên, người lao động

    (Xây dựng) - Bên cạnh việc bảo đảm quyền lợi người lao động, chăm lo đời sống vật chất, để đoàn viên công đoàn yên tâm lao động, sản xuất, Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Đặc biệt thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) về nâng cao lợi ích cho đoàn viên, với mong muốn đem lại nhiều lợi ích hơn nữa cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng, Công đoàn Xây dựng Việt Nam (CĐXDVN) đã thỏa thuận hợp tác về cung cấp dịch vụ, sản phẩm với một số đơn vị để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ với giá ưu đãi cho đoàn viên và người lao động ngành Xây dựng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load