Trong 25 năm làm việc tại châu Á - Thái Bình Dương và từng tham gia cố vấn cho nhiều dự án tài chính cơ sở hạ tầng của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, tôi luôn mong có một ngày Việt Nam sẽ đẹp và quy củ như Singapore, Nhật Bản, năng động như Thái Lan, Hàn Quốc…
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Đầu năm 2012, xuất hiện một cơ hội để tôi có thể đóng góp cho mong ước chung đó, khi ông Sheldon Adelson, một tỷ phú Hoa Kỳ, Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands (LVS), đến Việt Nam với lời đề nghị sẽ đầu tư 4-6 tỷ USD vào hai khu phức hợp tại TPHCM và Hà Nội, cả hai khu phức hợp này dự kiến đều có trung tâm hội nghị quốc tế, cung triển lãm, văn hóa, có các trò chơi giải trí có thưởng như casino ở Singapore.
Thủ tướng Chính phủ sau đó đã giao cho Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, lúc đó là ông Phạm Minh Chính, nghiên cứu đề nghị của tỷ phú Adelson. Ít lâu sau, tôi được ông Bí thư mời đến Quảng Ninh họp bàn dự án này. Bí thư Phạm Minh Chính đã mời toàn bộ lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến cùng tham dự buổi họp, gồm Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND - Trưởng Ban Quản lý các Khu kinh tế của tỉnh.
Cảm tưởng đầu tiên của tôi là lãnh đạo tỉnh làm việc phối hợp rất chặt chẽ với nhau, có quyết tâm cao và trân trọng ý kiến cũng như sự đóng góp của các chuyên gia như tôi. Vị Bí thư này, trong thư tháng 7/2012, đã đề nghị tôi tích cực thúc đẩy ông Chủ tịch Tập đoàn LVS sang thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh để tỉnh có thể hoàn thành trách nhiệm được giao phó.
Đầu năm 2013, lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn LVS đi chuyên cơ đến Việt Nam làm việc với lãnh đạo tỉnh. Họ đưa ra những đề nghị, yêu cầu và đòi hỏi mà lúc đó tôi cho là quá đáng và ngoài tầm giải quyết của tỉnh. Tôi đã lầm. Trong nhiều lần làm việc ở tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng, nỗ lực hơn và cam kết sẽ đưa tỉnh Quảng Ninh đến mục tiêu phát triển toàn diện, trở thành đầu tầu cho tam giác kinh tế Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương/Hưng Yên.
Vì nhiều lý do khác nhau, ý định đầu tư của LVS tại Quảng Ninh chưa thành hiện thực, nhưng từ những cuộc làm việc này, tôi trở thành người hành khách may mắn trên “chuyến tàu tốc hành Quảng Ninh”, đã nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh từ ngày đó. Bởi tầm nhìn và quyết tâm đó của đội ngũ lãnh đạo tỉnh không chỉ thể hiện khi xử lý ý định đầu tư của LVS, mà còn trong tất cả các cơ hội phát triển mà tỉnh có được.
Sự thành công ngoạn mục của tỉnh Quảng Ninh, nếu không vì đại dịch COVID-19, chắc chắn sẽ là một “ngọn hải đăng” của tam giác kinh tế nói trên và của đất nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP từ năm 2016 đến 2019 của tỉnh luôn đạt trên 10%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2019 của tỉnh đạt 6.135 USD, một con số ấn tượng so với GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 là 2.700 USD. Năm 2019, Quảng Ninh cũng thu hút hơn 14 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5,75 triệu lượt khách quốc tế. Ngay năm 2020 đầy khó khăn, GRDP của Quảng Ninh vẫn tăng 10,05% và quý I/2021 đạt 9,02%.
Tôi đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi và phát triển ngoạn mục của Quảng Ninh, vượt qua mọi kỳ vọng của nhiều người. Quảng Ninh đã chuyển mình, bứt phá mạnh mẽ và nhanh chóng trong nhiều năm trở lại đây. Từ một tỉnh được ngân sách Trung ương hỗ trợ, Quảng Ninh đã vươn lên thành địa phương có ngân sách và số thu nội địa thuộc nhóm cao nhất cả nước. Trong 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh liên tục đứng ở những vị trí hàng đầu, kể cả trên nhiều bảng xếp hạng, như bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh khai trương cuối tháng 3/2014 đã trở thành một mô hình hiệu quả. - Ảnh: Báo Quảng Ninh |
Thành công của Quảng Ninh, mỏ than của đất nước, bắt đầu từ sự chuyển đổi mô hình phát triển từ “đen” sang "nâu" rồi sang "xanh". Tỉ trọng khu vực mỏ than, nông nghiệp giảm dần, khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. So với Singapore hiện thu hút 19 triệu du khách năm 2019, tôi tin rằng Quảng Ninh có thể bắt kịp Singapore về lượng du khách trong tương lai gần khi đại địch qua đi và kinh tế ổn định trở lại. Quá trình chuyển đổi được “quán tính” phát triển từ “đen” sang “xanh” đó đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực rất lớn, và không chỉ quyết tâm và nỗ lực.
Quảng Ninh trong những năm gần đây cũng có nhiều sáng tạo, đột phá, đi đầu với những mô hình mới trong việc cải cách hành chính, với điểm sáng là trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện. Tôi có dịp đi dạy học, tham quan nhiều tỉnh trong vài năm qua và đã thấy nhiều trung tâm hành chính công được xây dựng ở địa điểm thuận tiện cho người dân. Mô hình này chắc chắn sẽ được lan tỏa mạnh mẽ trong vài năm tới.
Một chủ trương khác của Quảng Ninh rất phù hợp với thông lệ và mô hình quản lý công quốc tế là "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư"; “đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công”; “tài sản công do khu vực tư nhân quản lý và điều hành”; hoặc sử dụng mô hình “hợp tác công - tư” để huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Kinh nghiệm của Bưu điện Hoa Kỳ (USPS) cho thấy trong nhiều năm USPS lỗ triền miên và Quốc hội Hoa Kỳ hàng năm đã phải bù lỗ hàng tỷ đô la Mỹ. Hàng Không Quốc gia Anh (British Airways) được Chính phủ thành lập năm 1974. Sau nhiều năm thua lỗ, cả hai tổ chức trên đều được giao cho các công ty tư nhân quản lý và điều hành tránh cho việc nhà nước phải tiếp tục bù lỗ. Quảng Ninh đã không ngần ngại học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đã thay đổi nhận thức tư duy lãnh đạo và quản lý, từ cấp cao nhất của tỉnh đến các phòng ban của các huyện.
Chính vì thế, những dự án trọng điểm như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đã được hoàn thành mau chóng, vượt kỳ vọng của nhiều người. Quảng Ninh cũng đang tìm một tổ chức tư nhân có kinh nghiệm để quản lý và bảo tồn Vịnh Hạ Long, một di sản thiên nhiên quốc tế. Những thành công này đã giúp xây dựng được một mô hình hợp tác công tư, phát triển bền vững cho vùng và hiện đang lan rộng ra cả nước.
Thành công của Quảng Ninh trong những năm gần đây cho thấy sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ, sự đóng góp và quyết tâm của nhiều vị lãnh đạo tỉnh, và đặc biệt có dấu ấn của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính. Can đảm chỉ ra những yếu kém của tỉnh, vị Bí thư này đã không ngần ngại mời các chuyên gia, tổ chức tư vấn hàng đầu quốc tế như Boston Consulting Group, McKinsey, Nikken Sekkei, v.v. đến Quảng Ninh để cố vấn cho lãnh đạo tỉnh và giúp điều chỉnh quy hoạch phát triển của tỉnh cho 20, 30 năm tới - một tầm nhìn dài hạn, trái với tư duy nhiệm kỳ thường thấy ở nhiều nơi.
Khả năng lắng nghe với tầm nhìn xa của đội ngũ lãnh đạo đã mang lại bước phát triển cho Quảng Ninh, khơi dậy niềm tin và niềm tự hào của mọi người dân trong tỉnh, mang lại một mô hình phát triển kinh tế bền vững, đột phá mà nhiều địa phương hiện đang cố gắng vươn lên có thể tham khảo. Quảng Ninh đang dần hiện thực hóa khát vọng chứa đựng trong nội hàm tên gọi: “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui, bền vững.
Với tư duy phát triển dài hạn, một mô hình quản trị bền vững và đội ngũ lãnh đạo có tầm, dám quyết, dám làm, Việt Nam chắc chắn sẽ bước vào một kỷ nguyên mới, một đất nước phát triển toàn diện năm 2045 khi chúng ta kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Theo GS. Hà Tôn Vinh/BaoChinhphu.vn