Thứ hai 16/09/2024 03:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Quảng Ninh: Tác phẩm kiến trúc của Nhật Bản đầu tiên trên đất Việt Nam

10:14 | 11/04/2018

(Xây dựng) - Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam (29/4/1958 – 29/4/2018), Quảng Ninh đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng, có nhiều công trình để đời đáng tôn vinh. Trong đó, một công trình mà người vùng Mỏ Quảng Ninh yêu quí trân trọng, sau gần 40 năm sử dụng vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là một công trình xây dựng đẹp, công trình còn ẩn chứa nghệ thuật tài năng của người kiến trúc, đó là Cung văn hóa lao động Việt Nhật ở TP Hạ Long.


Cung VHLĐ Việt Nhật do tổ chức Công đoàn SOHYO Nhật Bản xây tặng cho Công nhân Quảng Ninh năm 1976.

Cung văn hóa lao động (VHLĐ) Việt Nhật, là một công trình kiến trúc văn hóa hiện đại của tổ chức Công đoàn SOHYO Nhật Bản, tặng cho công nhân viên chức lao động Quảng Ninh. Công trình khởi công xây dựng năm 1976, khánh thành đưa vào hoạt động ngày 02/9/1978 với nhiều tên gọi khác nhau. Hồi mới xây dựng đặt tên là Nhà văn hóa công nhân Hòn Gai. Năm 1993, đổi tên là Nhà văn hóa công nhân Quảng Ninh và đến năm 2003 là Cung VHLĐ Việt Nhật Quảng Ninh.


Lễ động thổ xây dựng công trình Cung VHLĐ Việt Nhật năm 1976.

Cung VHLĐ Việt Nhật xây dựng ở phường Hồng Gai, TP Hạ Long (Quảng Ninh). Diện tích sử dụng đất 14.942m2, gồm 2 khu A và B. Khu A rộng 11.082m2, khu B rộng 3.860m2. Trung tâm của công trình là khu rạp hát (Hội trường A) có sân khấu rộng 420m2 cao 18m với 756 chỗ ngồi, đặt trên 25 bậc, chuyên tổ chức các sự kiện chính trị lớn của tỉnh, của toàn quốc và đáp ứng được yêu cầu biểu diễn nghệ thuật và xiếc hiện đại. Hội trường B trong quần thể kiến trúc là phòng họp 250 chỗ và bên cạnh đó còn có các phòng chức năng tiện nghi, hiện đại để tổ chức hoạt động các câu lạc bộ và lớp học sở thích.


Có thể bản vẽ thiết kế Cung VHLĐ Việt Nhật này là một văn bản mở cánh cửa ngoại giao đầu tiên của Nhật Bản đến Việt Nam ngay sau đại thắng 30/4/1975.

Cung VHLĐ Việt Nhật đứng ngôi Trung tâm hội nghị hàng đầu của tỉnh trong nhiều thập kỷ, là nơi diễn ra các sự kiện văn hóa - chính trị lớn ở địa phương và còn là nơi nuôi dưỡng, phát triển những tài năng nghệ thuật của vùng than. Công năng sử dụng thì đã rõ, nhưng sự ra đời của công trình và kỹ thuật kiến trúc thì đến nay còn là hằng số bí ẩn.

“Phôi thai” và ngày xuống móng xây dựng công trình này trong bối cảnh lịch sử kỳ vĩ. Sau ngày 30/4/1975, khi đất nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, còn bộn bề công việc, đất nước còn nhiều khó khăn, trong nước bọn phản động chưa từ bỏ dã tâm chia cắt hai miền, còn cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài chống phá Cách mạng. Song trên trường quốc tế, nhiều quốc gia kể cả nước trước đây có thành kiếm với Việt Nam, nay thiện chí hòa bình, mong muốn nối lại quan hệ ngoại giao, liên kết kinh tế với nước ta. Trong khoảnh khắc đó, chính phủ Nhật Bản, một đất nước từng đô hộ nước ta và gây ra nạn đói năm 1945 lại mở lòng bằng quan hệ ngoại giao quốc tế thông qua tổ chức Công đoàn SOHYO của Nhật Bản, đề xuất nguyện vọng xây tặng không hoàn lại cho công nhân vùng Mỏ một công trình văn hóa khổng lồ. Khi ấy nội bộ nhiều người còn hoài nghi e ngại, thậm chí có ý kiến còn ngãng ra, cho rằng người Nhật “thâm ý” muốn đặt quốc hiệu nước Nhật trên đất này... có thể họ lại đặt âm mưu quân sự. Nhưng với nhãn quan chính trị vững vàng, Đảng bộ, chính quyền Quảng Ninh đã nhanh chóng nhìn ra thiện ý tốt của người Nhật, một đất nước trong hệ thống tư bản đã sớm ngỏ ý bang giao với Việt Nam khi người Mỹ đang còn cấm vận. Người Nhật nhìn xa trông rộng, sớm khép quá khứ, hướng tới tương lai, biến “chiến trường thành thị trường”. Nắm bắt được thời cơ và với chủ trương đúng đắn, Quảng Ninh đã mời người Nhật vào xây dựng một đại công trình Văn hóa đầu tiên của Tư bản trên đất nước ngay sau ngày giải phóng, ngay tại thủ phủ của tỉnh.


Bạn kiến trúc sư người Nhật này vui mừng khi tác phẩm kiến trúc của mình đặt chân sớm nhất trên đất Việt Nam sau ngày nước ta thống nhất hai Miền.

Xem lại nhật ký những cuộc giao lưu văn hóa, trao đổi đầu tư, bản vẽ công trình… được khởi thảo ngay khi Việt Nam vừa dừng tiếng súng (30/4/1975) đất còn bỏng sẹo chiến tranh. Năm 1976, cờ Việt Nam và lá cờ Nhật Bản tung bay trên công trình xây dựng Cung VHLĐ Việt Nhật, ngay đô thị trung tâm tỉnh “đỏ”. Nay nhớ lại còn kinh, vượt qua bao dị nghị, hoài nghi “rước hổ về nhà”. Giờ càng sáng tỏ: Quảng Ninh là địa phương đi đầu toàn quốc về chính sách hội nhập, mở cửa, thu hút các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế. Người Quảng Ninh được làm quen với các hàng hóa Nhật Bản sớm nhất trên thị trường tiêu dùng hàng ngoại. Công trình Cung VHLĐ Việt Nhật như một cánh cửa lớn mở ra con đường mậu dịch, thương mại, giao lưu văn hóa Việt - Nhật đáng lưu truyền.

Còn giá trị công trình xây dựng thì gần một phần hai thế kỷ nay vẫn đang được sử dụng tốt, vẫn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, nét kiến trúc đầy bí ẩn mà ngay cả giới chuyên môn còn chưa khám phá được hết. Lật lại ký ức hôm thuyết trình hồ sơ xây dựng, các vị chuyên gia đầu ngành Xây dựng ở Quảng Ninh khi ấy chưa thoát khỏi tư duy thời bao cấp, với những tòa nhà viện trợ không hoàn lại của phe XHCN (công trình thường sao chép nguyên bản. Ví dụ như Nhà máy đóng tàu Ba Lan, thiết kế cho đới lạnh, cửa rả quay hướng Tây để đón nhiệt mặt trời, đưa sang ta vẫn để nguyên vậy, không khác nào “vợ già nhà hướng Tây”). Khi nghe kiến trúc sư người Nhật giới thiệu phong thủy, mạch nước dưới địa tầng, hướng gió trên không trung, đánh giá tác động môi trường… nhiều người nghe còn cảm thấy cao xa, mơ hồ không hiểu…

Một công trình lớn mọc lên chủ yếu bằng vật liệu xây dựng trong nước từ xi măng, sắt thép và cả gạch xây, gạch ốp tường lát nền cũng là sản phẩm sẵn có ở địa phương. Một tòa nhà lớn kiên cố, nhưng công trình xây dựng không thấy nặng nề, diện tích công năng sử dụng hợp lý, có thể nói không thừa không thiếu một viên gạch. Vách hội trường cao bằng tòa nhà 5 tầng, nhưng người ngồi dưới không hề có cảm giác sợ hãi, bởi kiến trúc theo hình tổ mối, như rút ngắn khẩu độ. Lòng hội trường thoáng đoãng, đông ấm hè mát, sử dụng được tối đa ánh sáng trời, tiết kiệm được điện năng. Hệ thống điều hòa làm mát bằng hơi nước; hệ thống thông gió đặt ở hai bên hông tòa nhà, lại nằm âm trong tường. Kỹ thuật cách âm, chặn vọng, chống vang, chống nhiễu, xuyên âm… thì có lẽ đến nay chưa hội trường nào qui mô trên 700 chỗ ngồi ở Quảng Ninh và cả nước tuyệt tác được như Cung VHLĐ Việt Nhật, một công trình xây dựng toàn bằng gạch nung này.


Lòng tường là hệ thống thông gió kết hợp với kỹ thuật xây dựng cách âm, hội trường như một phòng thu thanh khổng lồ.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cung VHLĐ Việt Nhật được đầu tư nâng cấp, có chủ trường đầu tư lớn cải tạo, sửa chữa lại. Một điều rất thú vị, ở nhiều hạng mục khi tân trang ngoại thất thì được, sờ đến nội thất chỉ thay được vật dụng mau hỏng như sàn nhà lát gỗ, thảm nỉ, ghế ngồi… Phần kết cấu xây dựng bên trong hội trường lớn thì không thể thay thế được. Bởi công trình xây dựng rất nuột nà, chắc chắn, kiến trúc độc đáo, phù hợp với tính chất sử dụng. Có cố bả tấm thạch cao đời mới vào cũng như “vẽ hề trên mặt hoa hậu”. Nhà kiến trúc sư, người xây dựng có tâm không ai nỡ vẽ việc tiêu tiền kiểu ấy, nên dự án cải hoán cung VHLĐ Việt Nhật phải thôi, phải dừng lại để điều chỉnh, thay đổi đầu tư sang hạng mục khác trong tòa nhà này.


Quảng Ninh đã từng có dự án cải tạo lòng hội trường này, nhưng chẳng biết đụng dao búa vào đâu được. Nếu có ốp tấm thạch cao đời mới vào bức tường này, như đặt vết sẹo vào mặt cô gái đẹp.

Tỉnh Quảng Ninh khi đầu tư xây dựng các công trình lân cận Cung VHLĐ Việt Nhật và chỉnh trang công trình này cũng nên cân nhắc kỹ về hình khối để giữ lại được tác phẩm kiến trúc Nhật Bản trong không gian kiến trúc đô thị. Người dân gửi gắm vào Chính quyền địa phương coi Cung VHLĐ Việt Nhật, công trình xây dựng đã kết tinh giá trị văn hóa biểu tượng của tình đoàn kết Việt - Nhật, mốc son về chính sách mở cửa, hội nhập của tỉnh Quảng Ninh sớm nhất toàn quốc. Cung VHLĐ Việt Nhật, tác phẩm nghệ thuật kiến trúc đầu tiên của Nhật Bản trên đất Việt Nam.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load