(Xây dựng) - Nằm ở địa đầu Tổ quốc, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù của Việt Nam nên đã từng được ví như là “một Việt Nam thu nhỏ”. Những giá trị này đã tạo nên lợi thế so sánh của vùng đất và con người Quảng Ninh trên tương quan quốc gia và quốc tế: Quảng Ninh có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; Có trữ lượng than đá chiếm hơn 90% cả nước và lớn nhất Đông Nam Á; Là nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên của và là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam; Nơi khởi phát thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam, có giá trị tư tưởng về hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo.
Hội nghị “Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh”, với sự tham dự của gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức cuối tuần qua. Tại Hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào 4 dự án với tổng vốn đăng ký là 1,485 tỷ USD.
Những kết quả ấn tượng
Những năm qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn chung của cả nước, kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì bước phát triển tích cực. GDP duy trì tốc độ tăng trưởng khá, trung bình năm 2012 và 2013 là 7,5%. Thu ngân sách luôn đứng tốp 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước (năm 2014 đạt 35,4 ngàn tỷ đồng).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng qua các năm, bình quân năm 2012 và năm 2013 đạt 40.000 tỷ đồng/năm. An ninh trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số PCI của tỉnh từng bước được nâng cao: Năm 2012, chỉ số PCI của Quảng Ninh xếp thứ 20/63 tỉnh/thành phố, năm 2013 vươn lên vượt bậc xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với 2012), đứng thứ 4 trong 7 tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất năm 2013 và đứng thứ nhất trong các tỉnh khu vực phía Bắc.
Có được kết quả nêu trên là nhờ có sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của Trung ương cũng như những cố gắng, nỗ lực, chung tay góp sức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh đã coi cải thiện môi trường đầu tư và đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính đột phá. Trong 2 năm qua, thu hút vốn đầu tư đã đạt được những kết quả đáng kể, toàn tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 39 dự án FDI với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 1,1 tỷ USD, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 205 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 113.873 tỷ đồng (tương đương 5,42 tỷ USD).
Trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có bước tiến vượt bậc, năm 2012 thu hút mới vốn đầu tư đạt 416,97 triệu USD gấp 15,8 lần so với năm 2011, năm 2013 đạt 394,63 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2014 đạt 266 triệu USD (riêng dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà giai đoạn I là 215 triệu USD, đưa tổng số dự án FDI trên địa bàn lên 97 dự án đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4,8 tỷ USD.
Lũy kế vốn thực hiện đến nay ước đạt trên 3,753 tỷ USD, chiếm 78% tổng vốn đầu tư đăng ký. Việc thu hút được nguồn lực đầu tư góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, đóng góp vào nguồn thu ngân sách nhà nước và tạo thêm nhiều việc làm mới.
Hiện nay, số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh rất nhiều, trong đó có các nhà đầu tư lớn, có uy tín và có năng lực, mong muốn đầu tư tại Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với một số tập đoàn, nhà đầu tư lớn như: Tập đoàn Amata - Tập đoàn Tuần Châu đầu tư dự án “Khu Đô thị Công nghiệp Công nghệ cao” tại tỉnh với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2 tỷ USD; Tập đoàn Charm Vit (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án sân golf, khách sạn 5 sao tại TP Hạ Long (dự kiến khoảng 210 triệu USD); Tập đoàn Vingroup triển khai Dự án Trung tâm Thương mại Vincom Center Hạ Long (1.073 tỷ đồng) và sẽ triển khai đầu tư Dự án Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại Đảo Rều với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.236 tỷ đồng vừa được trao giấy CNĐT; Cty CP đầu tư và khách sạn MY WAY Hạ Long nghiên cứu quy hoạch, dự án đầu tư chung cư kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp tại khu trung tâm thành phố Hạ Long (dự kiến khoảng 600 tỷ đồng); Tập đoàn Texhong và một số nhà đầu tư tiềm năng khác...
Những giải pháp và kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua cho thấy hướng đi và cách làm của Quảng Ninh bước đầu đúng hướng; quan trọng nhất là tạo được niềm tin của các nhà đầu tư; đảm bảo được lợi ích, hỗ trợ một cách tích cực, hiệu quả, làm cho các nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh.
Từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh tháng 2/2012 đến nay, đã có 19 bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác ký kết giữa tỉnh Quảng Ninh với các nhà đầu tư đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, như: Tỉnh đã lựa chọn được một số đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới McKinsey (Mỹ), BCG (Mỹ), Niken Sekei (Nhật Bản)... giúp lập các quy hoạch chiến lược làm công cụ quan trọng trong quản lý và tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư bài bản, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Triển khai xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở hợp tác với Cty CP FPT; Xây dựng hệ thống truy cập internet không dây (Wifi) tại tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở hợp tác với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam…
Thông qua Hội nghị xúc tiến, Quảng Ninh đã tập trung đổi mới tư duy, nhận thức về môi trường đầu tư, kinh doanh cần phải có sự vào cuộc và hành động của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, các tổ chức quốc tế; Thường xuyên, tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC tạo động lực cho cải thiện môi trường cạnh tranh; Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng thể chế, cơ chế chính sách nhằm huy động và kết hợp các nguồn lực; quan tâm phát triển nguồn nhân lực, yếu tố quyết định sự phát triển.
Tuy nhiên trong quá trình phát triển, Quảng Ninh cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém: Tăng trưởng nóng, thu ngân sách nội địa còn dựa vào ngành than là chủ yếu; Hàm lượng khoa học công nghệ ít (xuất thô là chủ yếu); Hạ tầng đồng bộ còn thiếu và yếu nhất là hạ tầng giao thông; Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều; Phát triển đô thị nóng, khai thác tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững, để lại hậu quả môi trường; Đầu tư còn dàn trải; Khoảng cách giàu nghèo còn lớn; Tiêu cực, tham nhũng lãng phí đã từng bước được khắc phục, đẩy lùi nhưng chưa thực sự bền vững; Công tác xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh trên mảnh đất và trong con người Quảng Ninh.
Quyết liệt cải thiện môi trường để thu hút đầu tư
Trên cơ sở những kết quả đạt được, đúc rút những bài học kinh nghiệm qua quá trình triển khai thực hiện, trong thời gian tới để tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh, theo ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh thì Quảng Ninh sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là triển khai thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược: Tập trung huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trước hết là đầu tư hạ tầng giao thông để giải quyết "nút thắt" về giao thông, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, triển khai khởi công dự án đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh và Trung ương; mở rộng QL18A đoạn Bắc Ninh - Uông Bí; kêu gọi, xúc tiến đầu tư Sân bay Vân Đồn, quốc lộ Nội Bài - Hạ Long, quốc lộ 4B Lạng Sơn - Mũi Chùa (Tiên Yên), đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức BOT, PPP...
Đẩy mạnh cải cách hành chính: Phát huy thành công bước đầu trong việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thành lập mô hình Trung tâm Hành chính công (HCC) cấp tỉnh và 5 địa phương, được Thủ tướng Chính phủ biểu dương, đánh giá cao, coi đây là bước đột phát của tỉnh trong cải cách TTHC.
Phát triển nguồn nhân lực: Tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên đầu tư phát triển các trường đại học, năm 2014 thành lập trường Đại học Hạ Long và các trường cao đẳng, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng đào tạo đa ngành, đa nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Hai là tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù để đề xuất với Trung ương và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên cơ sở triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh sắp ban hành trong thời gian tới. Đặc biệt quan tâm việc tham gia triển khai xây dựng Luật Đặc khu kinh tế Vân Đồn, xây dựng Đề án "Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái"…
Ba là tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp. Tiếp tục đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Với sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của các các bộ, ngành Trung ương; của các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp cùng với sự quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, tin tưởng rằng Quảng Ninh sẽ có môi trường đầu tư tốt nhất trong cả nước, là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách không chỉ trong hiện tại mà còn hấp dẫn hơn nữa trong thời gian tới.
Linh Khang
Theo