(Xây dựng) - Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), văn hoá giữ vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khoá VIII). Chính vì thế, thời gian qua, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng thực hiện tiêu chí về văn hoá nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần ở vùng nông thôn.
Người dân thôn Phiêng Chiểng, xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu nghe tuyên truyền về đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn tại nhà văn hoá thôn. Ảnh: Thanh Tùng
Sôi nổi các phong trào thi đua
Trong quá trình xây dựng NTM, Quảng Ninh đã thực hiện đồng đều cả những tiêu chí “cứng” như kinh tế, quy hoạch... và những tiêu chí “mềm” như văn hoá... Nhờ đó, 2 tiêu chí về văn hoá trong xây dựng NTM là cơ sở vật chất văn hoá (tiêu chí số 06) và văn hoá (tiêu chí số 16) được các địa phương quan tâm đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Văn hoá và Thể thao, năm 2016 toàn tỉnh đã xây mới được 6 nhà văn hoá thôn và nhà văn hoá xã. Tỷ lệ nhân dân đến tham gia sinh hoạt tại nhà văn hoá đạt 25% đối với vùng miền núi và 30% đối với vùng đồng bằng, 50% đối với thành thị. Đặc biệt, thực hiện chương trình xây dựng NTM, Sở Văn hoá và Thể thao - cơ quan Thường trực BCĐ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, tích cực triển khai thực hiện, mục đích nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của công tác xây dựng NTM, phát triển văn hoá nông thôn, mang lại lợi ích thiết thực, thu hút được sự ủng hộ và tham gia tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân. Trong đó, phong trào xây dựng Gia đình văn hoá đã được nhân dân đồng tình hưởng ứng và tham gia thực hiện, đa số các gia đình tham gia phong trào đều thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, có ý thức tự giác trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Năm 2016, toàn tỉnh có 293.264/327.717 gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” (chiếm 89,5% tổng số hộ gia đình trong toàn tỉnh). Song song với đó, phong trào xây dựng Thôn văn hoá phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, bảo tồn phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Năm 2016, toàn tỉnh có 342/880 thôn được công nhận danh hiệu Thôn văn hoá.
Các địa phương đã tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng NTM; quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, đưa một số tiêu chí xây dựng NTM vào tiêu chuẩn bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Làng, khu phố văn hoá” trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, hoàn thiện từng bước phát triển văn hoá nông thôn. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cũng đạt một số kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống văn hoá nông thôn. Đến nay 100% làng văn hoá xây dựng quy ước, hương ước. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, các giá trị văn hoá truyền thống được bảo tồn, phát huy, quan hệ gia đình, làng xóm ngày càng gắn bó. Ở nhiều vùng nông thôn, nghi lễ truyền thống như dạm ngõ, ăn hỏi, xin cưới được tổ chức với hình thức gọn nhẹ, nhiều đám ba bước này được tổ chức gộp làm một lần. Những đám phô trương tốn kém, cưới không đúng Luật Hôn nhân đã bị dư luận phê phán. Các lễ tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm. Nhiều hủ tục trong đám tang như lăn đường, yểm bùa, khóc mướn... dần được xoá bỏ.
Đưa văn hoá nông thôn lên tầm cao mới
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, với tinh thần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, năm 2016, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Tại Quảng Ninh, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” được 100% nhân dân toàn tỉnh tham gia hưởng ứng, triển khai phù hợp với thực tế địa phương. Điển hình như ở Cẩm Phả, Ủy ban MTTQ thành phố đã phát động cuộc vận động với 5 nội dung trọng tâm và lựa chọn xã Cộng Hoà là mô hình điểm trong xây dựng xã văn hoá NTM.
Không chỉ tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Quảng Ninh còn triển khai phong trào riêng có của mình là phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh”. Đây là phong trào bắt nguồn từ phong trào thi đua “Xã, phường, thị trấn tiên tiến” được UBND tỉnh và Uỷ ban MTTQ tỉnh đã phát động từ năm 2001. Đến năm 2010, phong trào được đổi tên thành “Xã NTM - Phường, thị trấn văn hoá” và năm 2015 đổi tên thành phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh”. Với các chỉ tiêu thi đua sát thực, mức thưởng cao, phần thưởng là các công trình sản xuất, văn hoá xã hội... đã động viên kịp thời cán bộ, nhân dân các xã, tạo được phong trào thi đua xây dựng NTM sâu rộng. Từ đó tạo sự chuyển biến trong thái độ ứng xử giao tiếp của người dân, nhân dân tích cực tham gia thu gom rác thải, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, phát huy các mô hình đạt hiệu quả, vai trò tự quản ở cơ sở, địa bàn khu dân cư đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Đánh giá về phong trào thi đua “Xã, phường, thị trấn văn minh”, đồng chí Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng Ban Xây dựng NTM tỉnh, khẳng định: “Phong trào đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi và đô thị của tỉnh. Với mục tiêu đề ra là “Được việc, được người, được tổ chức, được cơ sở vật chất và được lòng dân”, phong trào đã trở thành động lực cho các xã vùng nông thôn nỗ lực xây dựng đời sống văn hoá, văn minh. Đặc biệt, trong năm 2017 này tỉnh thực hiện chủ đề công tác năm là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh” các xã lại càng có thêm động lực để thúc đẩy thực hiện các tiêu chí 06 và 16 về văn hoá trong Bộ tiêu chí nông thôn mới. Từ đó, đưa văn hoá nông thôn lên tầm cao mới”.
Để thực hiện thành công các chỉ tiêu về xây dựng NTM trong năm 2017, hiện tỉnh và các địa phương tiếp tục quán triệt huy động mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục; huy động tốt công tác xã hội hoá, tạo ra nhiều phương thức và mô hình tổ chức để nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá cơ sở. Đặc biệt, với việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, xã NTM kiểu mẫu, Quảng Ninh đang hiện thực hoá mục tiêu xây dựng mỗi làng quê, mỗi khu dân cư trở thành một cộng đồng dân cư phát triển về dân sinh, dân trí, dân chủ và văn minh.
PV
Theo