- Quảng Ninh: Bảo tồn hay phá dỡ nhà máy kẽm Quảng Yên?
- Phế tích nhà máy kẽm Quảng Yên - Hiểm họa trên đầu người dân
(Xây dựng) - Loạt bài trên Báo điện tử Xây dựng đã phản ánh thực trạng phế tích nhà máy kẽm Quảng Yên nên để làm di tích lịch sử hay dỡ bỏ được nhiều người quan tâm với các ý kiến khác nhau. Tựu trung có hai ý kiến lớn: Một là dỡ bỏ; hai là để lại làm di tích.
Phế tích nhà máy kẽm Quảng Yên.
Ý kiến để lại làm di tích lịch sử thì cho rằng đây là dấu tích một nhà máy luyện kim lớn bậc nhất Đông Dương ở đầu thế kỷ 20, cần được nâng niu giữ gìn. Trái với ý kiến này là ý kiến nên dỡ bỏ, bởi chưa đủ cơ sở khoa học, chứng minh vị thế của công trình xây dựng này trong ngành công nghiệp thời thuộc Pháp. Nhà máy Sợi Nam Định, Xi măng Hải Phòng có quy mô và bề dày lịch sử lớn hơn, vậy mà còn dỡ bỏ nhường chỗ cho công trình kết cấu hạ tầng, có lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh.
Phế tích Nhà máy kẽm Quảng Yên ngự trên thổ đất “vàng” vốn một phần là đất Quốc phòng, do Quân chủng Hải quân quản lý; một phần đã giao cho Cty TNHH Sao Vàng mở xưởng sản xuất. Nếu quả là công trình cổ đại, có giá trị di tích cách mạng, di tích tiêu biểu cho một nền văn minh công nghiệp Việt Nam ở thiên niên kỷ trước, thì bằng mọi giá cũng phải giữ lại, lưu truyền hậu thế.
Quảng Yên, một vùng đất đang hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tương lai rất gần, đây là trung tâm dịch vụ hậu cần công nghiệp, cảng biển “tấc đất tấc vàng”, nên chăng công tác quy hoạch sử dụng đất phải cân nhắc kỹ, trên cơ sở khoa học, tránh cảm tính.
Thực tế cho thấy một số địa phương thiếu tầm nhìn về quy hoạch, khi mà các nhà đầu tư chiến lược chạm đến, đất đai manh mún, chỗ này đất Tôn giáo, chỗ kia đất Di sản bất khả xâm phạm, các “boong ke” cài răng lược, có trải chiếu hoa chào đón, họ cũng “vái”.
Phế tích Nhà máy kẽm Quảng Yên mà giữ lại, chắc không thể để nguyên trạng được. Một phương án gia cường, hòng chống phế tích này sập đổ gây nguy hiểm đã được trù tính, như cắt bớt chiều cao ống khói, đổ bê tông vít lòng ống khói, cắm mốc giới bảo vệ. Làm vậy an toàn, nhưng nhiều người lo ngại, cắt đi phần ngọn ống khói cộc thì chẳng còn giá trị di tích. Đổ bê tông vào lòng ống, thì đâu còn hình dáng ống khói cổ, vô tình nó trở thành chiếc cọc bê tông mới xây để chọc trời.
Phế tích Nhà máy kẽm Quảng Yên, Quảng Ninh đề nghị bổ sung vào danh mục Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, dư luận còn nhiều băn khoăn. Bởi vùng than Đông Bắc ở thế kỷ trước, nhà Nguyễn nhượng địa cho tư bản Pháp khai mỏ nên có nhiều công trình xây dựng cũ như dinh thự của chủ mỏ, cai ký, công trình hạ tầng, nhà máy, hầm mỏ...
Cách đây 100 năm tòa nhà của vị quan tư Pháp bên bến cảng Vạn Hoa (Vân Đồn, Quảng Ninh) là một công trình xây dựng đẹp nhưng chắc nay không khư khư giữ phế tích này được.
Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả còn một số di tích tháp lò giếng, công nghệ khai khoáng trên 100 năm nay của Tư bản Pháp để lại. Tại đảo Cái Bầu huyện Vân Đồn trên con đường 334, trục giao thông chính từ Cái Rồng ra cảng Vạn Hoa, có 3 cây cầu và 2 đường hầm xuyên núi có niên đại trên 100 năm. Nếu suy diễn như phế tích nhà máy kẽm Quảng Yên thì nó cũng có tuổi để lại làm di tích về công nghệ ngành cầu đường.
Con đường xuyên đảo Cái Bầu (ĐT 334) người Pháp mở ngày ấy chủ yếu bằng sức người, lòng đường hẹp, tuyến bám triền đồi quanh co, khúc khuỷu. Nay huyện mở con đường mới to rộng, cây cầu Tư bản Pháp xây dựng ấy không còn tác dụng. Nếu để làm di tích thì ai vào rừng mà xem, còn công của đâu để duy tu bảo dưỡng. Nhưng nó tồn tại trên một thế kỷ ở thổ đất này, dỡ đi lòng người thấy bâng khuâng là lẽ di nhiên.
2 đường hầm qua núi (tuynel) trên tuyến tỉnh lộ 334 (Quảng Ninh) xây dựng trên 100 năm, không còn phù hợp xe cộ giao thông lớn ngày nay.
Theo Quyết định số 3418/2016/ QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh, công trình di tích và danh thắng cấp tỉnh trên địa bàn huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện); công trình ở huyện nào thì huyện ấy tự chủ nguồn tài chính đầu tư và nuôi dưỡng. Quảng Yên chưa tự cân đối được thu chi ngân sách, còn đọng nợ tiền xây dựng cơ bản hàng trăm tỷ đồng, không xướng họa vung tay được. Ngày nay Bảo tàng tỉnh còn xóa dần bao cấp nữa là…
Việc bổ sung các công trình cũ vào danh mục Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh là cần thiết, nhưng nên phải tiến hành thận trọng, không thể dễ dãi theo phong trào. Quảng Ninh có 609 di tích được xếp hạng 3 cấp, trong đó không ít công trình sai lệch lịch sử. Ngày nay, xếp hạng Di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh nào, phải chắc chắn mọi hạng mục di tích đó.
Dưới đây là một số công trình, phế tích công trình xây dựng trên 100 năm, nên để làm di tích hay dỡ bỏ?
Ngôi nhà xây dựng năm 1896 ở số 91 đường Lê Thánh Tông (phường Hồng Gai) Hạ Long, Quảng Ninh.
Một ngôi nhà xây năm 1912 ở thị trấn vùng cao Ba Chẽ.
Nét kiến trúc của Pháp trên 100 năm để lại ở phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên.
Căn nhà dân trên 100 năm tuổi ở thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên. Ngôi nhà cổ ở đất vàng. Hẳn không thể chấp nhận sự tồn tại của nó ở đô thị ngày nay.
Công trình xây dựng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định.
Đường tỉnh 334 (Quảng Ninh) còn 3 cây cầu trên 100 năm tuổi.
Câu cầu vượt suối đại ngàn vùng Đông Bắc - dấu son công nghiệp cầu đường Việt Nam trên 100 năm, nay đường sá mở rộng, nắn tuyến, chắc không giữ mãi nó được.
Cây cầu có niên đại trên 100 năm không còn phù hợp với nhu cầu sử dụng ngày nay.
Vũ Phong Cầm
Theo