(Xây dựng) - Việc TP Hạ Long vinh dự được chọn là một trong những địa điểm diễn ra sự kiện Hội nghị đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững với sự tham gia của khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, diễn giả của các tổ chức quốc tế uy tín không chỉ là cơ hội để Quảng Ninh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực du lịch mà còn khẳng định được vị thế, vai trò của Quảng Ninh trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Theo đó, với vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, Quảng Ninh đã được Chính phủ xác định là địa bàn động lực, là một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với khu vực và quốc tế. Thời gian qua, bám sát chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ và vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương, hoạt động đối ngoại của tỉnh tiếp tục được triển khai theo hướng thống nhất, linh hoạt, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế, qua đó đã thu được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.
Hiện nay, Quảng Ninh đã chính thức thiết lập quan hệ với nhiều địa phương nước ngoài và tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế, nổi bật như diễn đàn hợp tác du lịch Đông á EATOF, diễn đàn hợp tác du lịch đảo ITOP; hợp tác hai hành lang một vành đai Việt Nam - Trung Quốc; Câu lạc bộ các vịnh đẹp thế giới JETRO, JICA... Cùng với đó, việc thu hút vốn FDI trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng tăng, hiện Quảng Ninh có trên 100 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký trên 5 tỷ USD; thị trường xuất khẩu mở rộng tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; khách quốc tế đến với Quảng Ninh ngày càng tăng.
Đường phố TP Hạ Long được trang hoàng băng rôn, khẩu hiệu chào mừng Hội nghị đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững.
Đặc biệt ghi dấu ấn quan trọng trong quan hệ đối ngoại của tỉnh phải kể đến quan hệ với các địa phương của nước láng giềng Trung Quốc, nhất là Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, hai bên đã hợp tác toàn diện trên cả ba kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao chính quyền và đối ngoại nhân dân. Điều này được minh chứng cụ thể bằng việc Tỉnh uỷ Quảng Ninh và Khu uỷ Quảng Tây đã ký kết bản thoả thuận về tăng cường giao lưu hữu nghị giữa các tổ chức cơ sở Đảng địa phương và ký biên bản hội đàm giữa Tỉnh uỷ Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn với Khu uỷ Quảng Tây.
Có thể nói đây là bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh - khu, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng để hai bên thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu xây dựng đặc khu kinh tế; cơ chế hợp tác trong hành lang kinh tế Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh; quan hệ với các địa phương khác thuộc Trung Quốc như Hải Nam, Phúc Kiến, Triết Giang... Thông qua các quan hệ hợp tác này, tỉnh Quảng Ninh từng bước xác lập vị trí “cửa ngõ, cầu nối” trong mắt xích hợp tác giữa Việt Nam - ASEAN - Trung Quốc.
Trong quan hệ hợp tác với Lào, trên tinh thần hữu nghị đặc biệt, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thắt chặt quan hệ kết nghĩa với 3 tỉnh Bắc Lào (Hủa Phăn, Luông Pha Băng, Xay Nhạ Bu Ly) thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, thăm hỏi, chúc mừng các ngày lễ của hai nước. Đối với các đối tác mới tiềm năng, tỉnh tiếp tục thiết lập quan hệ với các địa phương trong khu vực và trên thế giới, qua đó mở rộng biên độ hội nhập, tạo thế đan xen lợi ích, củng cố môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển, nâng cao hình ảnh và vị thế của tỉnh Quảng Ninh trong khu vực và thế giới.
Nổi bật như trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có bản ghi nhớ chương trình hợp tác với Trường Đại học công nghệ Auckland (AUT) của New Zealand giai đoạn 2015-2017 nhằm tạo điều kiện cho cán bộ của tỉnh được đào tạo các chương trình ngắn và dài hạn phù hợp với đối tượng, nhu cầu của tỉnh. Ngoài ra, các chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo tỉnh với các đối tác cũng là những dấu mốc quan trọng nhằm xây dựng sự tin cậy chính trị, bàn bạc các giải pháp tăng cường quan hệ song phương cũng như tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các chính sách đối ngoại một cách chủ động, hiệu quả...
Công tác ngoại giao văn hoá, ngoại giao kinh tế cũng được chú trọng, quan tâm, Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 14-KH/TU về triển khai Chỉ thị số 41-CT/BBT về công tác ngoại giao kinh tế trong tình hình mới; xây dựng chương trình ngoại giao văn hoá. Hàng năm đều tổ chức các sự kiện văn hoá đối ngoại trên địa bàn như Tuần du lịch Hạ Long - Quảng Ninh, Lễ hội hoa Anh đào và cử các đoàn nghệ thuật của tỉnh tham gia sự kiện văn hoá ở nước ngoài nhằm giới thiệu về văn hoá nghệ thuật truyền thống đến với bạn bè thế giới, góp phần mở đường cho quan hệ hữu nghị giữa Quảng Ninh và một số địa phương, đối tác nước ngoài. Vì vậy, trong thời gian qua, số lượng khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu cơ hội đầu tư, hợp tác, du lịch trong các lĩnh vực ngày càng tăng; hình ảnh, vị thế của tỉnh đã được nâng cao ở trong nước và trên thế giới...
PV
Theo