(Xây dựng) - Thời gian gần đây, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt đảm bảo trật tự đô thị. Việc ra quân xử lý nghiêm hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của các lực lượng chức năng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân. Tuy nhiên, làm sao để tình trạng này không còn tái diễn là vấn đề các địa phương phải quan tâm, triển khai kiên quyết và lâu dài.
Vỉa hè khu vực phường Bãi Cháy, TP Hạ Long đã thông thoáng hơn để tạo điều kiện cho người dân, du khách đi bộ dạo phố.
Những chuyển biến bước đầu
Tại TP Hạ Long, theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày qua, dọc các tuyến đường chính như Lán Bè, Lê Thánh Tông, Nguyễn Văn Cừ hay tại các khu vực chợ Hạ Long I, Hạ Long II, trung tâm thương mại VinCom, Big C... là những nơi được cho là điểm nóng về trật tự đô thị, thì nay hè phố đã phong quang, trả lại không gian cho người đi bộ. Xe đạp, xe máy, ô tô không để lộn xộn dưới lòng đường. Vệ sinh môi trường tương đối sạch sẽ, không có những tụ điểm rác ứ đọng. Mái che, mái vẩy, quảng cáo sai quy định bị tháo dỡ... Đặc biệt vào các khung giờ hay xảy ra ùn tắc giao thông đã có lực lượng chức năng thường trực để kịp thời giải quyết, xử lý tình huống. Và điều đáng mừng hơn cả là việc làm này bước đầu đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân trên địa bàn, kể cả nhiều hộ kinh doanh. Thậm chí có nhiều hộ mặc dù bị ảnh hưởng do không được bày bán hàng hoá ra ngoài, hay phải dỡ bỏ các bảng, biển hiệu, mái che, mái vẩy cũng đã nghiêm chỉnh chấp hành. Trong đó có nhiều hộ còn tự nguyện dỡ bỏ những mái che, biển hiệu sai quy định không phải để các cơ quan chức năng cưỡng chế. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Vy, hộ kinh doanh tạp hoá trên đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hải, cho biết: “Gia đình tôi kinh doanh, bởi vậy nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, nhưng thực hiện chủ trương của tỉnh và thành phố nên tôi ủng hộ việc lập lại trật tự đô thị. Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất mong việc xử lý phải dứt điểm và nghiêm túc, đồng bộ, không có phân biệt đối xử. Nếu làm được như vậy thì tôi tin rằng vỉa hè sẽ thông thoáng, đô thị trật tự văn minh, các vi phạm sẽ không tái diễn...”.
Để có được những chuyển biến tích cực đó, cấp uỷ, chính quyền thành phố, các phường, cơ quan chức năng trên địa bàn đã quyết liệt ra quân với nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để tạo chuyển biến từ tư tưởng, nhận thức tới hành động của mỗi cá nhân và toàn xã hội, chấp hành đúng quy định của pháp luật, vì lợi ích chung. Cùng với đó, việc ra quân cũng được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là vào các giờ cao điểm trong ngày. Các hình thức xử lý được áp dụng đối với tất cả đối tượng, không phân biệt cá nhân, hộ kinh doanh hay doanh nghiệp. Đồng thời, để ngăn chặn việc tái lấn chiếm, các phòng, ban, phường trên địa bàn cũng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình tái vi phạm. Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, các lực lượng chức năng của thành phố đã thực hiện dỡ bỏ hàng trăm biển quảng cáo sai quy định; tháo dỡ, thu giữ, xử lý trên 4.000 mái che, mái vẩy, ô bạt, biển quảng cáo; phá dỡ gần 200m2 bậc tam cấp; xử phạt hàng trăm xe đỗ sai quy định; nhắc nhở trên 500 trường hợp bán hàng rong nơi công cộng với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới hàng tỷ đồng.
Tương tự như Hạ Long, ở các đô thị lớn khác của tỉnh như Móng Cái, Uông Bí, Cẩm Phả, Quảng Yên, các cấp uỷ, chính quyền địa phương cũng đồng loạt tổ chức ra quân và có các biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh, lập lại trật tự đô thị. Qua đó, đã tạo sức lan toả và nhận được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.
Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Không thể phủ nhận sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đơn vị trong việc lập lại trật tự đô thị thời gian qua, nhưng cũng phải khẳng định rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Nhiệm vụ quan trọng hơn cả là làm sao duy trì được kết quả này một cách bền vững, lâu dài. Và nếu như không thay đổi tư duy, phương pháp, cách làm mà vẫn giữ kiểu làm theo phong trào, tức là sau một đợt ra quân rầm rộ, rồi lại bỏ bẵng thì hè phố sẽ lại nhếch nhác, bị lấn chiếm như cũ.
Chính vì vậy, về lâu dài, ngoài biện pháp mạnh tay khi xử phạt hay có đội ngũ thường trực để kiểm tra, kiểm soát những cá nhân, tập thể chống đối, cố tình vi phạm thì điều quan trọng nhất vẫn là phải lấy tuyên truyền, vận động để làm thay đổi thói quen của người dân. Có như vậy người dân mới hiểu, đồng thuận và thực hiện một cách nghiêm túc.
Cùng với đó, phải đề cao trách nhiệm, chủ động của chính quyền cơ sở, chỉ đạo lực lượng chức năng như đội, tổ quản lý trật tự đô thị, công an, đặc biệt là tổ trưởng dân phố giám sát, nhắc nhở, ngăn chặn các đơn vị, cá nhân có biểu hiện vi phạm. Ngoài ra cũng cần phải thực hiện hiệu quả việc quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu của từng địa phương, đơn vị. Nếu nơi nào để xảy ra vi phạm, người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp. Và phải coi kết quả giữ gìn trật tự, văn minh đô thị trên từng địa bàn là kết quả đánh giá công tác cán bộ, xét tặng danh hiệu thi đua của từng đơn vị, địa phương...
PV
Theo