(Xây dựng) - Quảng Ninh, tráng ca 30 năm đổi mới, với nhiều thành tích xây dựng đô thị. Trong đó, có một ngôi làng của thợ mỏ khai sinh trong ngày đầu đổi mới. Nay đã một phần ba thế kỷ, làng mỏ vẫn sáng danh tiên công mở đất, còn tỏa sáng nét đẹp văn hóa khu dân cư.
Một khu phố đẹp bên vịnh Bái Tử Long.
Ngược lại thời gian, mỏ than Cao Sơn thành lập năm 1974 bằng sự viện trợ của nước bạn Liên Xô (cũ), sản lượng 2 triệu tấn than/năm. Ngày 19/5/1980, mỏ ra than, máy móc sản xuất thì hiện đại nhưng cơ sở vật chất phục vụ người lao động lại thiếu thốn. Văn phòng mỏ trơ trọi mấy dẫy nhà tranh vách đất. Vài năm sau mới xây được 2-3 lô nhà bằng gạch xỉ, mái lợp ngói Giếng Đáy, coi như tài sản quí giá chỉ dành cho hộ độc thân. Với người có vợ có chồng mỏ, không cáng đáng được nên họ phải tự túc chỗ ở. Mỏ mới còn khó khăn, ngày ấy từ phên tranh nứa lá cũng phải phân phối theo chỉ tiêu, kế hoạch, sắt thép xi măng thuộc mặt hàng “chiến lược”,… không có vật liệu xây dựng để làm nhà riêng.
Năm 1986, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, cơ chế đã đổi mới nhưng nếp nghĩ cũ vẫn còn ám ảnh, cả vùng than đang lúng túng tìm mẫu hình cho giải pháp xây nhà tập thể thì ông Nguyễn Duyệt, Giám đốc mỏ than Cao Sơn đã sớm đưa cơ chế mới vào hoàn cảnh của đơn vị, theo phương châm xã hội hóa, xây nhà riêng cho công nhân.
Ông Duyệt báo cáo với tỉnh, với lãnh đạo Liên hiệp than Quảng Ninh về nguyện vọng của mỏ, được chủ động tạo quỹ đất xây nhà riêng cho công nhân, giải quyết tình trạng người lao động thiếu nhà ở, thiếu đến mức có trường hợp hai đôi vợ chồng phải ở chung trong một căn nhà 24m2, họ phải đổi lệch ca, đôi này làm ca ba thì đôi kia ca một, để ăn ở đỡ phiền nhau. Thực thế khiến ai nghe cũng mủi lòng nên đã đồng ý về chủ trương tạo chỗ ở cho công nhân nhưng đến cách thực hiện thì bế tắc. Vùng mỏ bạt ngàn đất đai nhưng trên là đồi cao, dưới là sông ngòi, tìm được thổ đất dựng nhà ở không hề dễ. Có ý kiến chỉ đạo đưa công nhân vào thung lũng Bằng Tẩy, trong vùng rừng Quang Hanh, khẩn hoang dựng làng, ở đó đất đai rộng rãi, gỗ lạt thì dễ kiếm. Mặc dầu vậy, ông Giám đốc mỏ than Cao Sơn Nguyễn Duyệt vẫn lo lắng đến mất ngủ bởi sau lưng người thợ còn gánh nặng gia đình, con cái phải có trường lớp học hành, trái gió trở trời phải gần bệnh viện, còn chợ búa bếp núc hàng ngày,… Bằng Tẩy rừng sâu, núi thẳm, ra đến QL18 gần chục cây số, đến công trường thì còn xa hơn,… rất bất tiện cho cuộc sống, không thể định cư lâu dài ở đó được.
Chẳng hiểu đôi mắt trũng sâu của vị Giám đốc giầu tình người năm ấy bao đêm mất ngủ, mà táo tợn đưa ra quyết định tạo quỹ đất ở cho công nhân ngay gần trung tâm đô thị. Trước là ông phải đảo ngược ý kiến cấp trên, sau là bài toán “dời non lấp biển” trong thời khắc tuy Đảng đã đổi mới, mở cửa, không còn “bế quan”, nhưng ở địa phương còn chân trong chân ngoài, chưa thoát hẳn khuôn phép “bao cấp”, cơ chế còn nhiều khắt khe. Mỏ Cao Sơn lại “sinh sau để muộn”, chưa làm ra hòn than, vẫn phải nuôi quân xây dựng hạ tầng... đồng bổ thì có đồng thu thì không. Ông Nguyễn Duyệt đưa ra phương án mở rộng cơ chế làm kinh tế "ba" (cụm từ này nay ít dùng, tức là: Lợi ích nhà nước, tập thể và người lao động) để có nguồn tài chính, vận chuyển xít than, lớp đất phủ vỉa từ khai trường xuống bãi triều vượt thổ, tạo mặt bằng cho công nhân làm nhà. Cách làm này lúc đầu một số người trong Đảng ủy còn e ngại vì quá sức với đôi vai người thợ.
Ông Nguyễn Duyệt - vị Giám đốc khởi xướng xây dựng làng mỏ Cao Sơn, người đi rồi tiếng thơm còn để lại. |
Ông Nguyễn Duyệt đã thuyết phục được tập thể lãnh đạo mỏ đồng lòng, bằng chính bài học mà ông bà ta dậy “kiến tha lâu đầy tổ”. Năm đầu mở đường công vụ, năm sau đổ đất lấn biển. Đổ theo kiểu gặm nhấm, mỗi năm một ít, không đổ ồ ạt, đất nền lại được lu lèn chắc chắn, còn bớt ảnh hưởng xấu đến môi trường.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, năm 1989, con đường trên 1.000m nối Hòn Hai (hòn đảo nhỏ trên bãi triều ngập mặt) với đất liền đã hoàn thành. Xương cá là các lô đất mới vượt thổ, đường ngang ngõ dọc kẻ ô bàn cờ, điện nước đến chân công trình.
Đất tiến ra bãi triều đến đâu, mỏ đề nghị thành phố cấp phép cho công nhân làm nhà ở ngay đến đó. Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân lái máy xúc, người ở Thái Bình ra mỏ làm than đã 10 năm còn chân đi chân về, bởi vợ con còn ở quê. Anh lương ba cọc ba đồng, chả dám nghĩ mình tậu được căn nhà riêng ở nơi “tấc đất- tấc vàng” giá cả đắt đỏ, hạt gạo còn phân phối. Ngày nhận được ô đất vuông vắn, anh Hùng xúc tiến mua vôi đóng gạch, tự tay xây được căn nhà nhỏ, mái lợp giấy dầu. Nhà đơn sơ, nhưng là của riêng mình. Hôm đón vợ con ra đoàn tụ, cả đêm anh thao thức vì sung sướng. Mỏ Cao Sơn tuy mỗi người một hoàn cảnh, người lập thân như anh Nguyễn Văn Hùng, người kinh tế khá hơn, nhưng đều chung nguyện vọng “an cư” để “lập nghiệp”. Chẳng mấy chốc, vùng đất sình lầy ngập mặn mọc lên khu dân cư mới, gọi là làng mỏ Cao Sơn, dân thì quen gọi là “làng ông Duyệt” - một cái tên đầy trìu mến.
Làng mỏ Cao Sơn vượt thổ trên bãi triều cây hoa cỏ dại.
Làng mỏ Cao Sơn dân cư ngày một đông đúc, ngoài người lao động ở mỏ còn có công nhân các mỏ than lân cận như: Mỏ Cọc 6, Dương Huy, Nhà máy tuyển than Cửa Ông. Sự đan xen ngẫu nhiên là chồng làm mỏ này vợ làm mỏ kia, rồi con cái trưởng thành bay nhảy mỏ này mỏ khác. Qua một phần ba thế kỷ, làng mỏ Cao Sơn không thuần là người ở mỏ Cao Sơn, dân số lên tới 850 hộ, 3.140 nhân khẩu. Từ một làng nay mở rộng thành 3 khu phố, chiếm tỷ lệ 1/5 dân số của phường Cẩm Sơn sở tại.
Ban đầu là một làng mỏ vượt thổ bãi triều, nay thổ đất này đã nhân lên thành 3 khu phố.
Nay làng mỏ Cao Sơn dân đông, phải tách thành 3 khu phố. Tuy có hòa đồng với các khu phố bạn nhưng cư dân rẻo đất này vẫn như ở một cõi riêng với nét đặc trưng truyền thống của thợ mỏ. Lân gia thì đậm đà tình nghĩa, khu phố thì kỷ luật, đồng tâm, giữ gìn an ninh trận tự, vệ sinh môi trường; ngày đường thông hè thoáng, tối điện đóm sáng trưng.
Khu phố văn hóa, cảnh quan, vệ sinh, an ninh trật tự tốt.
Làng mỏ Cao Sơn tuy xây dựng cách đây một phần ba thế kỷ nhưng đã quy hoạch kiểu cách đô thị tiên tiến, đường thông hè thoáng, nhà cao cửa rộng, mỹ quan.
Ông Vũ Văn Sâm, Phó Bí thư Chi bộ Khu Cao Sơn 2 cho biết, khu phố này có 270 hộ với 1.012 nhân khẩu, có trên 80% số hộ là công nhân mỏ, trong đó cán bộ, nhân viên Công ty than Cao Sơn chiếm phần nhiều. So với hai khu phố bạn thì khu phố Cao Sơn 2 được gọi là khu trung tâm của làng mỏ với nhiều công trình phúc lợi công cộng được Công ty than Cao Sơn kế thừa lớp cha anh đi trước đầu tư xây dựng như: Cụm văn hoá-thể thao đa năng diện tích 1.600m2, nhà luyện tập thi đấu bóng bàn, cầu lông, sân bóng chuyền, bóng đá; nhà thư viện, sân khấu biểu diễn văn nghệ,… Sớm chiều chỗ này thể thao, chỗ kia thể dục, đội văn nghệ thì tập tành múa hát.
Ngõ phố sạch đẹp.
Thổ đất này còn có Trạm y tế 20 giường bệnh, hồ sinh thái nước mặn rộng 6ha, công viên văn hoá lưu thuỷ… đều do Công ty CP than Cao Sơn xây dựng. Tài sản riêng nhưng sử dụng chung, trạm y tế thì chăm lo sức khỏe ban đầu cho cả khu phố, ví dụ như phòng chống dịch bệnh hẳn chẳng chừa nhà ai; dân phố tai nạn rủi ro, bệnh tật, đến gặp thầy thuốc của trạm xá mỏ là được cứu chữa. Công viên là nơi vui chơi tập thể, hồ sinh thái thường xuyên thau rửa, thay nước biển, đảm bảo sạch sẽ cho cả cộng đồng khu phố tắm táp, bơi lội ngày hè.
Ông Vũ Văn Hiển, Chủ tịch UBND phường Cẩm Sơn cho biết, khu Cao Sơn 80% là hộ có mức sống khá, 20% hộ trung bình. Đây là khu phố dẫn đầu phong trào xây dựng đời sống văn hoá của phường, là đơn vị điểm chỉ đạo của tỉnh về cơ sở khu phố văn hoá, an toàn giao thông. Hàng năm có trên 96% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá… Phường đang tập trung xây dựng, phát triển khu phố Cao Sơn 2 là khu phố mẫu mực của phường.
Làng mỏ Cao Sơn kề sơn đạp thủy, không gian kiến trúc đẹp.
Người dân thì lưu truyền: Làng mỏ Cao Sơn như đứa trẻ đầu lòng, khai sinh trong cơ chế mới. Ông Nguyễn Duyệt Giám đốc mỏ ngày ấy nay không còn nữa, nhưng sống mãi trong lòng thợ mỏ như vị Tiên Công mở đất. Những người ở đây từ khi vượt thổ, còn nặng lòng bảo “ông Duyệt như vị thành hoàng làng mỏ Cao Sơn này”.
Vũ Phong Cầm
Theo