(Xây dựng) - Với quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, hiện đại, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, thời gian qua tỉnh đã quyết liệt triển khai các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT). Bằng những cách làm đổi mới, sáng tạo, đến nay CQĐT tỉnh từng bước hoàn thiện, phát huy hiệu quả trong phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo đột phá trong cải cách hành chính.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 qua Tổng đài tư vấn 1900558826.
Là một trong những tỉnh tiên phong xây dựng CQĐT, thời gian qua mô hình CQĐT tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Việc triển khai CQĐT đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Hiện 14/14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thành lập trung tâm hành chính công; 119/186 xã, phường, thị trấn của tỉnh triển khai bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả hiện đại”. Các trung tâm hành chính công và bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả hiện đại” đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hoá các bước xử lý hồ sơ TTHC trong các trung tâm và bộ phận này đã cải tiến quy trình giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Theo Ban quản lý điều hành dự án xây dựng CQĐT tỉnh, đến nay các TTHC đã được cắt giảm 40% thời gian giải quyết, giảm số lần phải đi lại tối thiểu 1 lần/giao dịch cho người dân. Sau 5 năm triển khai Đề án xây dựng CQĐT (2012-2017), nhiều nội dung quan trọng trong Đề án đã hoàn thành và phát huy hiệu quả. Đến nay, hệ thống mạng diện rộng (WAN) hoạt động ổn định, kết nối UBND tỉnh với 43/43 sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố; 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến huyện và từng bước đến cấp xã có mạng nội bộ (LAN) kết nối trực tiếp với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh... Cổng Thông tin điện tử tỉnh đã cung cấp trên 1.000 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho người dân...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng CQĐT trên địa bàn tỉnh cũng còn những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ. Xây dựng CQĐT còn rất mới, do đó một số hệ thống, như thuế, tư pháp, quản lý doanh nghiệp; một số thủ tục liên thông với các bộ, ngành T.Ư chưa tích hợp được với hệ thống CQĐT để đảm bảo tính thống nhất, liên thông trong giải quyết các TTHC. Mặc dù hệ thống cổng dịch vụ công http://dichvucong.quangninh.gov.vn đã đưa vào khai thác từ ngày 1-7-2016, nhưng đến nay số lượng nộp hồ sơ TTHC qua dịch vụ công trực tuyến còn thấp (chiếm chưa đến 1% tổng số hồ sơ tiếp nhận tại các trung tâm hành chính công và bộ phận “tiếp nhận và trả kết quả hiện đại”). Hệ thống mạng diện rộng (WAN) mới được triển khai tới cấp huyện, còn cấp xã kết nối với CQĐT qua mạng internet, nên chưa đảm bảo về tốc độ và bảo mật. Các phần mềm ứng dụng trong hệ thống CQĐT còn khó sử dụng trên thiết bị điện thoại thông minh, ipad, nên chưa đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng của người dùng. Công tác truyền thông về CQĐT đã được triển khai, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, do vấn đề nhận thức, trình độ sử dụng máy tính, internet của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế, nên việc khai thác, sử dụng của người dân, doanh nghiệp về dịch vụ công trực tuyến chưa cao...
Để tháo gỡ những khó khăn này, theo ông Võ Đức Hạnh, Phó Ban quản lý điều hành dự án xây dựng CQĐT tỉnh: Quảng Ninh tiếp tục triển khai Đề án xây dựng CQĐT tỉnh giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu xây dựng CQĐT gắn với cải cách hành chính và xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả cao; xây dựng CQĐT là điều kiện để triển khai mô hình thành phố thông minh; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 trên phạm vi toàn tỉnh; ứng dụng sâu rộng công nghệ thông tin trong hoạt động nội bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao... Trước mắt về giải pháp kỹ thuật, năm 2017 tỉnh sẽ đầu tư mở rộng mạng truyền dữ liệu diện rộng (WAN) của tỉnh trên đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao tới 100% cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã để đồng nhất về tốc độ đường truyền và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, nâng cấp hệ thống CQĐT tỉnh trên nhiều môi trường, như di động, máy tính bảng... để người dân có nhiều kênh tiếp cận. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, đào tạo công dân điện tử, tăng tỷ lệ người dân nắm bắt, có năng lực, sử dụng, khai thác hệ thống CQĐT, trước mắt là tham gia tích cực vào dịch vụ công trực tuyến mức độ 3...
PV
Theo