Chủ nhật 26/01/2025 03:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Quảng Ninh: Đẩy mạnh thi công tuyến đê Quan Lạn

15:12 | 26/10/2017

(Xây dựng) - Sau những ngày tạm ngừng thi công vì mưa kéo dài, hiện nay, đơn vị thi công dự án nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn (huyện Vân Đồn) đang khẩn trương huy động phương tiện, nhân lực để tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án.

Dự án đầu tư nâng cấp hệ thống đê Quan Lạn do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Hồng 9 thi công, được khởi công từ cuối năm 2016. Đây là dự án ưu tiên theo chương trình biến đổi khí hậu của Chính phủ; tổng kinh phí đầu tư gần 330 tỷ đồng (bao gồm vốn trung ương 290 tỷ đồng, tỉnh đối ứng 40 tỷ đồng); quy mô chiều dài toàn tuyến trên 7,5km (trong đó 95% tuyến trên nền đê cũ); mặt đê đổ bê tông rộng 5,5m; tường chắn sóng cao 1m; xây dựng mới 10 cống tiêu dưới đê. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2019, trong đó năm 2017 mục tiêu hoàn thành 35% khối lượng công việc.


Công nhân Công ty CP Đầu tư và xây dựng Sông Hồng 9 đang thi công tích cực phần mặt đê Quan Lạn.

Anh Phạm Phú Xuyên, cán bộ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Hồng 9 cho biết: Xác định tầm quan trọng và tính cấp thiết của dự án, chủ đầu tư cũng như đơn vị thi công luôn chủ động trong công tác chuẩn bị, làm quen mặt bằng và tập trung khắc phục sớm những khó khăn phát sinh để thi công công trình.

Thực tế, do tuyến đê phải thực hiện đắp đất nên việc mưa kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thi công. Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân, hiện nay một số hộ dân có diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án chưa được huyện Vân Đồn hoàn tất các thủ tục bồi thường GPMB. Trước tình hình này, Công ty CP Đầu tư và xây dựng Sông Hồng 9 đã tạm ứng tiền GPMB cho các hộ dân để có mặt bằng thi công, đảm bảo tiến độ.

Tranh thủ thời tiết đầu mùa khô, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Hồng 9 huy động nhân công nâng cao chất lượng công trình và làm việc tăng ca. Hiện trên công trường luôn thường trực 50 xe, máy chuyên dụng các loại cùng trên 100 lao động, tổ chức thi công 2 ca/ngày.

Có mặt tại hiện trường tuyến đê, chúng tôi thấy đơn vị thi công đang triển khai đồng loạt các hạng mục đắp đất trên đê, thi công lăng thể đá trên đê, kè chân đê và lát mái phía biển để chống xói mòn, kết hợp thi công các cống tiêu.

Hiện nay đơn vị thi công đang hoàn thiện phầm đắp đất, thi công lăng thể đá trên đê, kè chân đê và lát mái phía biển để chống xói mòn, kết hợp thi công các cống tiêu


Hình ảnh tuyến đê năm 2015 đã bị hoang hóa, xuống cấp và thời điểm tháng 10/2017 khi tiến hành nâng cấp.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến thời điểm trung tuần tháng 10/2017, công trình nâng cấp tuyến đê Quan Lạn đã đạt 40% khối lượng công việc, cao hơn kế hoạch đề ra của cả năm 2017 (mục tiêu đạt 35% khối lượng). Trong đó, cụ thể đã đắp đất đạt 60% ( 4,5/7,5 km); thi công 30% khối lượng lăng thể đá; đúc 70% khối lượng cấu kiện để phục vụ phần việc lát mái đê và thi công xong 4/10 cống tiêu.

Anh Phạm Phúc Quảng, Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình NN&PTNT (Sở NN&PTNT) cho biết: Thường trong xây dựng, giai đoạn thi công đầu tiên luôn gặp khó khăn về làm quen địa hình, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, tập kết nhân vật lực, bóc tách đất đá…, riêng ở công trình đê Quan Lạn này, khối lượng đất bóc phong hoá nền đê đã lên tới 55.000m3, nên thường dẫn đến chậm tiến độ. Tuy nhiên đơn vị thi công, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Sông Hồng 9 đã rất tích cực, tập trung nhân, vật lực và có kế hoạch thi công rất cụ thể, rõ ràng, chuyên nghiệp nên đã khắc phục được điều này, đẩy mạnh tiến độ thi công.Từ nay đến cuối năm, mục tiêu của đơn vị thi công là tập trung ưu tiên đắp hoàn thiện 3km phần đất còn lại của tuyến, phấn đấu có thể thông tuyến vào cuối mùa khô này.

Tuyến đê Quan Lạn được xây dựng từ năm 1954, được coi là lá chắn sóng, phòng chống thiên tai quan trọng cư dân xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Sau gần 60 năm sử dụng, tất cả các đoạn đê thuộc tuyến như Đầu Núi, Tân Phong, Khe Luồn, Đồng Muối và Xóm Bấc đều có mặt đê nhỏ, mòn vẹt, cỏ mọc um tùm; thân đê nhiều chỗ bị sạt lở, nứt gãy, có đoạn chỉ cao hơn mặt nước biển khoảng 2m; một số đoạn chân đê bị xói lở, chỉ còn trơ đá hộc.

Tình trạng xuống cấp của đê còn khiến nước biển tràn qua gây nhiễm mặn đồng ruộng, người dân không thể canh tác. Nguy hiểm hơn, đã từng xảy ra hiện tượng vỡ một số đoạn đê, như tháng 7/2005 vỡ đoạn đê Đồng Muối; tháng 11/2008 vỡ đoạn đê Tân Phong… Mùa mưa bão, người dân và chính quyền xã Quan Lạn luôn trong tâm trạng lo lắng, phải bố trí người túc trực 24/24 giờ tại các điểm xung yếu; di dời các hộ dân sinh sống cạnh đê. Theo đồng chí Đỗ Minh Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Quan Lạn: Việc đẩy mạnh thi công, đạt và vượt tiến độ tuyến đê Quan Lạn như hiện nay là tiền đề để đẩy mạnh thi công toàn tuyến, đưa công trình về đích sớm, tiết kiệm chi phí đầu tư và quan trọng là sớm mang lại lợi ích, giải tỏa nỗi lo vỡ đê, đảm bảo mùa màng cho bà con nông dân.

PV

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load