Tỉnh Quảng Ninh cũng phấn đấu giá trị giải ngân các dự án ngoài ngân sách trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn đạt ít nhất 1 tỷ USD.
Toàn cảnh Khu Công nghiệp Cái Lân. (Nguồn: baoquangninh) |
Tỉnh Quảng Ninh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến hết quý 4/2020, tỉnh sẽ thu hút được ít nhất 2 tỷ USD đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn.
Trong số đó, tỉnh phấn đấu giá trị giải ngân các dự án ngoài ngân sách trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn đạt ít nhất 1 tỷ USD; khởi công ít nhất 4 dự án mới trong các khu kinh tế, khu công nghiệp với giá trị đạt ít nhất 500 triệu USD.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã đưa mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu trong cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Đây là thể hiện sự cam kết của tỉnh với nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân về xây dựng một chính quyền phục vụ, do nhân dân, vì nhân dân, hoạt động hiệu lực hiệu quả.
Theo ông Ký, năm 2020, mặc dù chịu nhiều thách thức do dịch bệnh nhưng tỉnh Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong đảm bảo sức sản xuất cũng như nguồn lao động cho các dự án nhà đầu tư thứ cấp đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, thậm chí có nơi tăng trưởng cao.
Dù chưa thực sự là động lực tăng trưởng, nhưng trong năm nay, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thể hiện rõ vai trò đối với việc đảm bảo mục tiêu khu vực dịch vụ và thuế, sản phẩm. Điều này góp phần giữ vững được sự ổn định và phát triển chung của tỉnh.
Để đạt được mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ban quản lý khu kinh tế và xúc tiến, hỗ trợ đầu tư của tỉnh phải rà soát lại toàn bộ chủ trương, quyết định, giấy phép có liên quan đến quy hoạch, đất đai, xây dựng, môi trường của tất cả các nhà đầu tư từ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp đến nhà đầu tư thứ cấp trên phạm vi toàn tỉnh để đánh giá rõ hiện trạng từng khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, tăng cường phát hiện sai phạm, kiên quyết thu hồi theo quy định pháp luật. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc thuộc trách nhiệm của chính quyền tỉnh liên quan đầu tư các dự án, đặc biệt hậu kiểm sau cấp phép, thẩm định.
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, đối với những dự án chậm tiến độ, có vi phạm pháp luật đất đai, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản và gây lãng phí nguồn lực đất đai thì phải xem xét căn cơ để có giải pháp quyết liệt trong thu hồi, thu gọn diện tích.
Riêng đối với các dự án có chủ trương cho nghiên cứu quy hoạch nhưng đến nay đã hết thời hạn thì kiên quyết thu hồi, không gia hạn. Các cơ quan liên quan rà soát khẩn trương cấp phép cho các dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh, chậm nhất trong tháng 11/2020 phải hoàn thành.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký cũng yêu cầu xây dựng, phê duyệt Đề án, ban hành và triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.”
Trong số đó, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược phát triển trong các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; cải cách hành chính, thu hút nguồn nhân lực; tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, thu hút các dự án đầu tư, các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm…
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Quảng Ninh phải thiết kế một bộ tiêu chí riêng trong việc lựa chọn nhà đầu tư đầu tư hạ tầng khu công nghiệp giai đoạn tới nhằm nâng cao hiệu quả về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa đối với sự phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trở thành động lực tăng trưởng của tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh khai thác hiệu quả hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với hành lang giao thông của 2 tuyến phía Đông và phía Tây với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để phát triển theo chiều sâu các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Trong số đó, quy hoạch quỹ đất phát triển khu công nghiệp chuyên sâu dành cho Hàn Quốc, Nhật Bản tại các huyện, thành phố Vân Đồn, Quảng Yên, Cẩm Phả, Hạ Long.
Dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng xấu tới việc thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp của Quảng Ninh. Hiện, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới đạt 37,6% với quy mô vốn, trình độ công nghệ, mức đóng góp, tạo đột phá tăng trưởng, hiệu quả về kinh tế xã hội cũng chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế.
Thêm vào đó, tiến độ đầu tư của một số nhà đầu tư ở các khu công nghiệp còn chậm, nhất là về kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp dẫn tới chưa thu hút mạnh được các dự án thứ cấp có thương hiệu, có quy mô lớn, thậm chí có tình trạng giữ đất./.
Theo Văn Đức (TTXVN/Vietnam+)