Thứ sáu 19/04/2024 15:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Ninh: Có hay không nhà máy rác Khe Giang gây ô nhiễm môi trường?

11:17 | 23/10/2017

(Xây dựng) - Trong cuộc họp thông tin báo chí thường kỳ tháng 10/2017, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức, có nội dung trao đổi về việc một số tờ báo phản ánh nhà máy rác Khe Giang không đảm bảo vệ sinh môi trường. Cuộc họp này đã giải đáp có sự nhầm lẫn giữa hai đơn vị cùng xử lý rác trên một địa bàn.


Nhà máy rác Khe Giang công suất 200 tấn rác một ngày

Cụ thể, nhà máy rác Khe Giang do Cty cổ phần Đầu tư và xây dựng Việt Long làm Chủ đầu tư, xây dựng năm 2013 ở thung lũng Khe Giang, thôn Tập Đoàn, xã Thượng Yên Công (Uông Bí). Nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt, công suất 200 tấn/ngày, giá trị đầu tư 118 tỷ đồng, trên “cốt” một nhà máy cùng doanh nghiệp này lắp đặt ở phường Bắc Sơn (Uông Bí), hoạt động vừa được 6 tháng thì bị dân đề nghị di chuyển. Tỉnh Quảng Ninh đồng ý, chỉ đạo doanh nghiệp chuyển nhà máy vào thung lũng Khe Giang này.

Khe Giang hẻo lánh trong vùng rừng cánh cung Đông Triều, đất rộng người thưa, tái định cư ở đây tưởng đã yên ổn sản xuất, nào ngờ chưa ấm chỗ, nhà máy lại bị người dân “bài xích”. Nhưng lấy làm lạ, một nhà máy công nghệ đốt rác tiên tiến, trong hoàn cảnh rác thải đang ùn lên ở địa phương, lẽ ra phải được người người ủng hộ, cớ sao lại bị ngược đãi?

Thực tế hiện trường, nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt, khá đồng bộ, với công suất thiết kế đáp ứng được nhu cầu xử lý rác thải rắn ở 4 địa phương phía Tây của tỉnh là: TP Uông Bí, thị xã Đông Triều, Quảng Yên và huyện Hoành Bồ. Rác được khử trùng, khử mùi ngay khi tiếp nhận; rác nhận về đến đâu đốt hết ngay đến đó, không để lưu nhật. Nước rác đọng theo xe cũng được thu gom đưa ngay vào lò thiêu hủy, không có mùi hôi thối, ít ruồi nhặng. Không chỉ bằng giác quan, mà kết quả quan trắc môi trường định kỳ, đột xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường và Công an tỉnh đều kết luận các chỉ số quan trắc về khí thải, tro xỉ thải, nước thải… đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam.


Rác về đến đâu đốt hết ngay đến đó, không để rác lưu.

Có thể nhà máy bị oan tiếng xấu, vì cùng trên một thửa đất, có hai đơn vị cùng kinh doanh một ngành nghề xử lý rác. Nhưng công nghệ có khác, đơn vị này đốt rác, thì đơn vị kia đào hố chôn rác. Cụ thể khu Khe Giang có diện tích 27,9ha, thì Cty Môi trường đô thị Uông Bí được giao 22ha, xử lý rác thải theo hình thức cũ chôn lấp rác; Cty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long được giao 5,9ha xây dựng nhà máy đốt rác.


Bãi chôn lấp rác Khe Giang do Cty CP môi trường đô thị Uông Bí quản lý

Ngày chưa có nhà máy đốt rác, thung lũng Khe Giang là bãi chôn rác lớn của Cty Môi trường Đô thị TP Uông Bí, mỗi ngày trên 70 tấn rác thải từ thành phố chở về đây tập kết. Nhiều khi chưa chôn kịp, rác ùn lên chất cao như núi. Việc chôn lấp rác lại không theo đúng quy trình, khử trùng, đào sâu chôn chặt, lu lèn cẩn thận. Người quản lý không cố tình làm vậy, nhưng kinh phí đầu tư cho chôn lấp không tương ứng với lượng rác bung ra quá lớn. Nhất là vào dịp lễ hội đầu xuân, mưa gió cây đổ rác ứ đọng chôn lấp không kịp, nhiều khi đi trên đống rác mới lu lèn, còn bồng bềnh như đi trên lớp rơm rạ phủ mặt ruộng lầy. Những khoảng rỗng phía dưới, tạo ra những túi nước bẩn, rỉ theo mạch nước ngầm từ trên cao chảy xuống, phía dưới lại không đủ hệ thống đón nước rỉ rác. Nước rỉ rác ứ đọng trong hố X2 của bãi rác này lưu cữu hàng ngàn m3, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn mất an toàn (đã có trên chục con bò của dân thôn Tập Đoàn sa chân xuống hố X2 không cứu được). Hệ thống lắng lọc hư hỏng không còn tác dụng, nước bẩn dềnh lên nom như màu hắc ín. Những vựa rác nửa kín nửa hở, chưa phân hủy còn nặng mùi hôi hám.

Thôn Tập Đoàn gần với nhà máy có 14 hộ ở khoảng cách bán kính 500m, 52 hộ ở bán kính 1.000m thuộc diện di chuyển. TP Uông Bí đã lập phương án đền bù, di dân, nhưng 5 năm nay chưa được triển khai, dân nóng lòng chờ đợi. Dân ở vùng núi này chủ yếu là người Dao vốn thật thà, gần đây bị một vài kẻ “cơ hội” từ Vàng Danh, Lán Tháp đến xúi bậy xây dựng công trình trên đất, đón lõng chính sách đền bù, với xảo thuật tương tự như trồng hoa ly trên đồi ở xã Hòa Bình (Hoành Bồ); lát gạch men ngoài ngõ ở phường Mông Dương (Cẩm Phả) ép dự án đường cao tốc Hạ Long- Vân Đồn đền bù. Người dân tự bỏ tiền ra xây dựng công trình sử dụng thật thì ít, kẻ bên ngoài hùm tiền vào xây dựng công trình giả hòng “giây máu ăn phần” thì nhiều. UBND xã Thượng Yên Công liên tục phải ra quân tháo dỡ, ai đời xây bể quy mô chứa hàng chục m3 nước bằng gạch xỉ, đáy bể chỉ trát một lớp vữa mỏng, chưa chứa nước đã nứt nẻ. Mọi người hùa nhau xây cổng cao, tường kín ở nơi mà trước đó đêm ngủ nhà còn không cần đóng cửa.


Nhà nhà xây dựng tường rào.


Thôn Tập đoàn trước đây đêm ngủ không cần đóng cửa, nay bất ngờ xây cổng cao rào kín không phải vì trộm nhiều mà hòng đón lõng tiền đền bù.

Những khuất tất trên đẩy mâu thuẫn lên cao, cùng vào hùa tố nhà máy rác Khe Giang gây ô nhiễm môi trường. Trước tình hình đó tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 4846/UB-MT ngày 5/7/2017 yêu cầu các Sở, ngành và TP Uông Bí thực hiện ngay việc di dời các hộ trong phạm vi 500m trong năm 2017, năm 2018 di chuyển tiếp các hộ trong phạm vị 1.000m, đảm bảo đời sống sinh hoạt cho dân, xử lý triệt để nước rỉ rác tại bãi chôn lấp rác khu vực Khe Giang, do UBND TP Uông Bí quản lý.

Nhà máy rác Khe Giang được UBND tỉnh Quảng Ninh quan tâm, bởi đây là một việc thiết yếu vì môi trường, nhưng thu nhập thấp, độc hại, ít doanh nghiệp đầu tư. Một thực tế “buồn” ở Quảng Ninh, từng có dăm ba dự án xây dựng nhà máy xử lý rác, nhưng chỉ sới lên để đấy. Đây đó chỉ lập dự án cốt “tận thu kho báu” dưới lòng đất, nay hòn than khó bán, thì ngụy biện để “rút sào”, trong khi rác thải ở Quảng Ninh không chỉ cộm lên như ở đô thị mà còn là gánh nặng cả vùng. Vậy nên, nhà máy rác Khe Giang duy nhất ở Quảng Ninh đang hoạt động, rất đáng được dư luận quan tâm, khuyến khích.

 

Nguyễn Minh Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load