(Xây dựng) - Ở tổ 14 khu 4 phường Hà Lầm, TP Hạ Long, hiện đang tồn tại một chiếc Lô-cốt cao gần 10m, xây từ thời thuộc Pháp. Chính quyền địa phương thông tin đây là di tích lịch sử bất khả xâm phạm, thế nhưng không hiểu Di tích quý giá đến đâu, nhưng công trình này được xây dựng lâu ngày đang mục nát xuống cấp nghiêm trọng, hiểm họa kề kề trên đầu người dân.
Cây cột sắt cao trên 7m chân cột đã bị hoen rỉ mất 2 phần 3, gặp gió đung đưa “dọa” gẫy gập cảnh báo tai họa khó lường.
Chị Lê Thị Thắm nhà cạnh Lô-cốt bức xúc cho biết, trận mưa lớn sáng ngày 14/8/2017, từ trên nóc Lô-cốt 1 đoạn sắt chân sứ bất ngờ rơi xuống ngõ xóm, tiếp đó là những mảnh vỡ bê tông, vôi vữa rơi theo, rất may khi ấy trời mưa to đường vắng, không ai gặp sự cố gì nguy hiểm. Theo hướng tay anh Phạm Văn Giáp, người ở tổ 14 khu 4 ngay dưới chân Lô-cốt, chỉ tay nhìn lên trên chóp cao có một chiếc ống sắt dài trên 7m, dựng đứng (có lẽ trước đây là cột cờ), chân cột đã hoen rỉ, mủn mọt mất 2 phần 3, gặp gió nó đu đưa, chả biết khi nào thì gẫy. Nó mà gẫy, từ trên cao chót vót kia văng xuống khu dân cư, chắc khi ấy như gậy sắt của ông “Tôn Ngộ Không” vụt xuống, tai họa khó lường. Còn mắt thường cũng nom thấy công trình cao lêu nghêu, xây thô, niên đại trên ½ thế kỷ, vết nứt lớn bổ ngang xẻ dọc, không an toàn chút nào.
Chị Lê Thị Thắm nhà kề cận lô cốt cho biết, trận mưa sáng ngày 14/8 vừa qua vôi vữa, bê tông, sắt thép từ trên đỉnh lô cốt văng xuống rất nguy hiểm.
Chiếc Lô-cốt sừng sững mọc ở đây đã lâu, dân đã quen mắt, nhưng có người lạ đến quay phim thì tò mò xúm lại xem. Một bác trung niên nói: “Công trình xây dựng dù kiên cố đến mấy, cũng chỉ có thời hạn sử dụng nhất định, không thể vĩnh cửu được. Nếu muốn lưu giữ Di tích được lâu dài, Nhà nước phải bỏ tiền ra trùng tu, xây dựng lại cho đảm bảo an toàn”. Thoạt nghe cũng có lý, ai ngờ vừa dứt câu, bao người đồng thanh phải đối, những ý kiến xuôi ngược đều có tính xây dựng. Ý kiến được nhiều người tán thưởng là, Nhà nước không nên bỏ tiền tỷ ra đầu tư xây dựng lại hệ thống công trình quân sự từ thời thực dân Pháp. Ngân sách Nhà nước là tiền thuế đóng góp của dân, phải đầu tư vào công trình có lợi cho dân cho nước. Không phải “tiền chùa” một thời “có tích là dịch ra trò” hòng cơ hội vung tay “xả láng”.
Ông Nguyễn Văn Chình, sinh năm 1928, ở tổ 3 khu 2, phường Hà Lầm, gia đình ông có 3 đời làm thợ mỏ, bảo lô cốt này xây sau trận quân ta đánh đồn Hà Lầm.
Ông Nguyễn Văn Chình, sinh năm 1928, ở tổ 3 khu 6 phường Hà Lầm, là người sinh trưởng ở đây bảo, Lô-cốt này xây sau thời điểm quân ta đánh quân Pháp đồn trú ở Hà Lầm, đêm Noel 1946. Nhưng những dòng chữ trên bia Di tích lại ghi, vắt tắt: “Tại đây, đêm ngày 24 rạng ngày 25/12/1946, Đại đội tự vệ công nhân mỏ nổ súng tấn công tiêu diệt 22 sĩ quan, hạ sĩ quan Pháp. Đây là trận công đồn đầu tiên của lực lượng vũ trang khu mỏ, trong những ngày đầu kháng chiến.”
Công trình xây dựng chỉ có hạn định sử dụng nhất định không vĩnh cửu được, và không thể lấy tiền thuế của dân để chùng tu lại được.
Chúng tôi lo ngại về một công trình xây dựng lâu niên trên đất, bất an là chính. Nhưng thấy có ý kiến khác nhau về sự tích của công trình, đâm ra ngờ vực… thì tìm hiểu thêm lai lịch công trình này. Cách đây 10 năm, ông Phạm Ngọc Sâm, nguyên Chủ tịch Hội CCB tỉnh Quảng Ninh, tay súng trực tiếp tham gia trận đánh quân Pháp ở Hà Lầm nói: Đêm Noel 1946, quân ta đánh quân Pháp đồn trú ở dinh chủ mỏ Các-chi-ê. Khu nhà ấy ở triền đồi thông, sau ngày tiếp quản Khu mỏ quân đội quản lý, qua nhiều đơn vị như Tiểu đoàn pháo cao xạ 237, Trung đoàn bộ 242, Quân y viện K47… Nay thửa đất ấy là khu 5 thị trấn Hà Lầm, cách xa di tích này trên 1 cây số, lại ở về phía bên kia đường 336. Trận công đồn năm ấy, không phải đánh vào lô cốt này, như bia di tích ghi. (Ông Phạm Ngọc Sâm nay không còn nữa, vẫn để lại đoạn video clip nói về trận đánh lịch sử ấy).
Công trình xây dựng cao lâu ngày mủn mục rất nguy hiểm.
Mở rộng đường tìm tư liệu, đến các kho sách nói về chiến tranh thời chống Pháp, trong Tổng tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nói về chiến tranh đồn bốt, với các mốc lịch sử đáng quan tâm. Năm 1948, ta phát động chiến tranh du kích, thì địch tiến hành chiến lược phòng ngự, xây đồn bốt để chiếm đóng và bình định. Công trình quân sự phòng thủ với hệ thống hầm hào, lô-cốt kiên cố, súng đạn nhiều; lỗ châu mai trong bắn ra thì dễ, ngoài bắn vào thì khó, trên nóc lô-cốt còn có ụ súng liên thanh, pháo nòng dài. Quân ta rất khó đánh, vì khi ấy bộ đội chưa có súng lớn, thiếu thuốc nổ, đơn vị (vẫn còn mang tính tuyên tuyền giải phóng quân) chủ lực chỉ 41% quân số có súng, còn phải dùng giáo mác, gậy tầm vông; đánh địch chủ yếu là phục kích, cận chiến giáp lá cà, chưa có kinh nghiệm cường tập lô-cốt. Năm 1948, Tiểu đoàn 54 của Bộ được giao nhiệm vụ đánh vào hệ thống phòng ngự này của địch để rút kinh nghiệm; ngày 18/3/1948, ta đánh cứ điểm Tu Vũ; ngày 10/6/1948 đánh cứ điểm Phổ Chùng, đều không thành công. Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn ghi, trước năm 1948 quân đội Pháp ở Đông Dương chủ yếu là đóng quân ở doanh trại (trại lính) có làm tháp canh, bốt gác bằng vật liệu xây dựng ở địa phương, có chiếc tháp canh còn làm bằng tre gỗ. Hệ thống lô-cốt kiên cố, tháp canh cao quân Pháp xây phòng thủ khi ta mở rộng chiến tranh du kích. Mãi sau chiến dịch giải phóng biên giới 1950, thông quan với Liên Xô, Trung Quốc, được các nước trong phe XHCN giúp đỡ, ta mới có sơn pháo 75, có thủ pháo công kích lô-cốt, thì chúng hiện đại hóa công sự, hầm tăng xê; Lô-cốt, boong ke xây thấp hơn trước, nhiều chiếc Lô-cốt xây nửa chìm nửa nổi, đổ bê tông chắc chắn.
Những vết nứt bổ ngang, sẻ dọc công trình xây dựng lâu năm rất nguy hiểm.
Nếu ngay từ đêm ngày 24 sáng ngày 25/12/1946, (trước thời điểm quân chủ lực đánh cứ điểm Tu Vũ, Phổ Chùng 2 năm) mà tự vệ vùng mỏ đã đánh vào Lô-cốt này (một cứ điểm quân sự lớn, dưới chân Lô-cốt cao còn có 2 Lô-cốt thấp nửa chìm nửa nổi và hệ thông giao thông hào kiên cố) chiến thắng, tiêu diệt được 22 binh sĩ Pháp như bia di tích ghi, thì trận đánh này phải lừng danh điển hình toàn quân. Thế nhưng lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam chưa thấy sách nào nêu, nên phải xác định lại xem có đúng đây là một công trình vĩ đại, cần được đầu tư xây dựng lại, cho an toàn và lưu giữ được lâu dài?
Khoa học kỹ thuật ngày nay rất dễ dàng xác định niên đại công trình xây dựng.
Nhưng kể cả nó có giá trị lịch sử thật sự, cũng không nên trùng tu nguyên bản, vì ngay Hỏa Lò, TP.Hà Nội cũng chỉ để lại một mảng tường. Ngày nay hệ thống bảo tồn - bảo tàng lại khác xưa, không còn là hình thức “bày hàng” công nghệ mới, âm thanh, ánh sáng… diễn đạt lịch sử sinh động, hấp dẫn. Và một hình thức tôn vinh lịch sử mà Quảng Ninh vừa làm là xây dựng bia tưởng niệm, nơi xuất quân Binh đoàn Than trong kháng chiến chống Mỹ; bia tưởng niệm nơi quân Pháp tra tấn người nữ cách mạng kiên trung ở khu mỏ - liệt sĩ Phan Thị Khương. Công trình văn hóa tôn vinh lịch sử, xây dựng phải vừa tiết tiệm, vừa sử dụng quỹ đất đô thị hợp lý.
Vũ Phong Cầm
Theo