(Xây dựng) - Ngày 07/4, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh do ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về các công trình xây dựng đầu tư theo hình thức BOT đang bộc lộ khiếm khuyết mà cử tri rất quan tâm.
Quang cảnh buổi làm việc.
Quảng Ninh có 4 công trình xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, trong đó 3 công trình thuộc thẩm quyền của tỉnh gồm: Cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng; đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long-Mông Dương; Cảng hàng không Quảng Ninh. Một công trình do Bộ GTVT làm chủ đầu tư là nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh-Uông Bí.
Hình thức đầu tư BOT có ưu điểm là huy động được nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng, chủ yếu là đường sá giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Song tại một số dự án BOT, do sử dụng vốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp vừa là người bỏ vốn xây dựng, vừa là người tổ chức thi công nên khó cho việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, quản lý chất lượng, quản lý tiến độ, thanh quyết toán công trình. Điều này dẫn tới tình trạng các nhà đầu tư lợi dụng để trục lợi, khai tăng chi phí, chỉ định thầu cho các nhà thầu có quan hệ lợi ích, việc lựa chọn nhà thầu thi công còn chưa có sự cạnh tranh,... Bên cạnh đó, hình thức đầu tư BOT vì mục đích tối ưu lợi nhuận nên các vấn đề an toàn, vệ sinh môi trường ít được chú trọng. Các quy định về quản lý, giám sát nguồn thu từ các dự án BOT còn bị bỏ ngỏ, gây bức xúc cho nhân dân.
Ông Vũ Hồng Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra các ý kiến nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời đề xuất cần có chính sách riêng cho cư dân sống ở 2 đầu trạm thu phí; thành lập quy định về Luật Đầu tư BOT.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Quảng Ninh tăng cường công tác quản lý, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, cũng như khai thác hiệu quả, đảm bảo hài hòa ba lợi ích: Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh sẽ nỗ lực hết mình, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình hạ tầng giao thông.
Để các công trình xây dựng theo hình thức BOT phát huy hiệu quả, Quảng Ninh đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; có chính sách ưu đãi về thu phí đối với người dân sinh sống sát hai đầu trạm thu phí BOT; có hình thức kiểm soát doanh thu sát với thực tế đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh tế ở các công trình đầu tư theo hình thức BOT.
(*) Bài có sử dụng ảnh của Báo Quảng Ninh.
Vũ Phong Cầm
Theo