(Xây dựng) - Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình, dự án xây dựng đã và đang được triển khai. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều công trình đảm bảo an toàn trong thi công thì vẫn còn những công trình, đặc biệt là công trình dân dụng, công tác an toàn lao động (ATLĐ) chưa được chú trọng, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ).
Chủ đầu tư, đơn vị thi công và người lao động vẫn chủ quan, coi nhẹ
Có tận mắt chứng kiến việc thi công các công trình dân dụng hiện nay mới giật mình vì công tác bảo hộ lao động đang được cả chủ sử dụng lao động lẫn người lao động xem nhẹ đến mức nào. Như tại ngôi nhà 3 tầng đang được thi công tại tổ 3, khu 5, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long mà chúng tôi khảo sát mới đây. Ngôi nhà này hiện đã thi công gần xong phần thô, gồm 3 tầng. Chủ nhà đang huy động tốp thợ 6-7 người để khẩn trương hoàn thiện các hạng mục còn lại. Quan sát quá trình thi công của tốp thợ này cho thấy, họ hoàn toàn không sử dụng bất cứ phương tiện bảo hộ lao động nào. Đơn cử như khi thi công ở các tầng ở độ cao hơn chục mét, người thợ ngoài việc phải leo mấy lần cầu thang chưa có lan can, còn phải trèo lên một chiếc thang được đóng sơ sài bằng gỗ thanh mỏng. Vật liệu được chuyển lên bằng dây tời với 2 cây gỗ buộc chéo nhau cắm chênh vênh trên thành.
Chung cư Newlife Tower, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long từng xảy ra TNLĐ làm chết 3 người trong quá trình lắp đặt thang máy tải rác.
Anh Tuấn Anh, một thợ xây thi công công trình này, cho biết: Những ngày đầu mới đi làm tôi cũng rất sợ vì mọi thi công của chúng tôi chẳng có công cụ nào hỗ trợ cả, nhưng làm mãi cũng thành quen. Hầu hết chúng tôi thành nghề chủ yếu là học nhau chứ ít người được đào tạo qua trường lớp tử tế, nên việc xảy ra tai nạn lao động cũng khó tránh, chỉ là tai nạn nặng hay nhẹ thôi. Chúng tôi chỉ biết tự nhắc mình cẩn thận trong công việc để hạn chế xảy ra tai nạn.
Còn anh Phương, một người thợ khác cũng thi công công trình này thì giải thích với chúng tôi: Việc sử dụng giàn giáo sắt sẽ an toàn hơn cho người thi công nhưng di chuyển nó vừa nặng, phải tháo lắp rất mất thời gian nên nhiều chủ thầu toàn dùng giàn giáo gỗ để bớt chi phí và công vận chuyển. Điều này càng nguy hiểm hơn đối với thợ thi công. Vì chúng tôi vừa không có dụng cụ bảo hộ lại phải thi công thiếu an toàn. Biết vậy nhưng cũng đành chịu vì “miếng cơm, manh áo”, nếu mình có ý kiến thì người ta thuê người khác...
Thực tế, những chủ quan từ chủ thầu xây dựng đến công nhân lao động trong thi công các công trình mà số vụ TNLĐ thời gian qua không hề có dấu hiệu suy giảm. Theo số liệu thống kê trong cả nước, số vụ TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng chiếm tỷ lệ cao nhất (24-25%). Đối với đặc thù tỉnh Quảng Ninh thì TNLĐ trong xây dựng chỉ đứng sau ngành khai thác khoáng sản. Chỉ tính trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ TNLĐ làm chết 28 người, trong đó lĩnh vực xây dựng là 11 vụ, làm chết 14 người, bị thương nặng 8 người. Một số vụ TNLĐ nghiêm trọng, như: Vụ TNLĐ xảy ra ngày 30-5-2017 tại công trình xây dựng thuộc phường Trần Phú, TP Móng Cái làm bị thương 7 người; vụ đổ đà giáo thi công trụ cầu Cẩm Hải (TP Cẩm Phả) thuộc Dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, xảy ra ngày 1-6-2017 làm chết 1 người, bị thương 1 người; gần đây nhất, ngày 22-8-2017, trong quá trình lắp đặt thang máy tải rác (thang phụ) tại khu chung cư Newlife Tower phường Bãi Cháy, TP Hạ Long làm chết 3 người...
Từ số liệu trên cho thấy, vấn đề TNLĐ đang ở mức báo động, ông Lê Văn Sử, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNLĐ là do chủ đầu tư, nhà thầu thi công và cả công nhân lao động vi phạm các quy định về ATLĐ, dẫn đến các vụ TNLĐ.
Cụ thể: Công tác tổ chức thi công của các nhà thầu chưa đảm bảo; việc kiểm tra, giám sát hiện trường sản xuất của chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát chưa sâu sát, chưa phát hiện được thiếu sót, tồn tại vi phạm của đơn vị thi công và của người lao động để kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục. Bên cạnh đó, việc lập, duyệt hồ sơ kỹ thuật, biện pháp thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa theo quy định; chưa trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, huấn luyện ATLĐ, hướng dẫn biện pháp an toàn cho người lao động chưa đảm bảo, chưa hiệu quả. Mặt khác, do trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của người lao động còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp công việc trong nhóm thợ chưa tốt dẫn đến tai nạn...
Cần siết chặt hơn các biện pháp quản lý
Qua tìm hiểu được biết, hiện cơ quan chức năng của tỉnh chưa có thống kê chính xác về số lao động tự do từ các vùng quê đi làm nghề xây dựng. Nhiều công ty, nhà thầu lớn cũng chỉ có bộ khung cán bộ, công nhân kỹ thuật, khi có công trình mới giao cho các đội, tổ thi công đi tuyển thợ, lao động phổ thông theo tiến độ công trình.
Hầu hết các công trình xây dựng dân dụng, công tác ATLĐ chưa được chú trọng. (Ảnh minh hoạ).
Đối với một số công trình, đặc biệt khi xây dựng nhà ở trong khu vực dân cư, thì người lao động không được ký hợp đồng lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi không được đảm bảo. Do người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp xây dựng, nên chưa có ý thức, tác phong công nghiệp, chưa được đào tạo, phổ biến, hướng dẫn quy trình, biện pháp ATLĐ, không nhận biết được các yếu tố nguy hiểm trong xây dựng, như nguy cơ ngã cao, sập đổ giàn giáo, sử dụng thiết bị, điện giật... Vì vậy, vấn đề quan hệ lao động phức tạp và chất lượng lao động không đảm bảo là một trong những khó khăn lớn trong công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên các công trình xây dựng.
Để chủ động phòng ngừa, hạn chế TNLĐ, theo ông Lê Văn Sử, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, chủ đầu tư cần xác định rõ vai trò quan trọng, trách nhiệm trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại các công trình; lựa chọn các nhà thầu, tư vấn có đủ trình độ, năng lực, uy tín, trách nhiệm để thi công và giám sát công trình; quy định cụ thể trong hợp đồng kinh tế những điều khoản ràng buộc khi nhà thầu vi phạm quy định về ATLĐ và chỉ đạo, yêu cầu nhà thầu trong quá trình thi công phải thực hiện đúng, đủ các quy định trên. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của tư vấn giám sát trong việc kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng công trình.
Đối với các nhà thầu thi công xây dựng cần tăng cường công tác quản lý máy móc, thiết bị; thiết bị phải có hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng nội quy, quy trình vận hành và xử lý sự cố; công nhân vận hành phải có chứng chỉ nghề, được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động. Đối với các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ; phải có hồ sơ thiết kế, kiểm tra, nghiệm thu lắp đặt và phải được cơ quan chức năng kiểm định kỹ thuật an toàn trước khi đưa vào sử dụng; nghiêm cấm sử dụng thiết bị nâng hàng để vận chuyển người.
PV
Theo