Thứ sáu 04/10/2024 00:13 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc /

Quảng Ngãi: Bế tắc phương hướng giải quyết tại Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt

16:49 | 16/07/2019

(Xây dựng) - Đi vào hoạt động chưa đầy 3 năm, Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt - Dung Quất buộc phải đóng cửa từ tháng 5/2015. Trong khi đó chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thì vẫn chưa có giải pháp tháo gỡ triệt để.

Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất không thể hoạt động bình thường từ tháng 5/2015 đến nay.

Nhà dân chỉ cách nhà máy thép đúng 20m

Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt - Dung Quất do Cty CP Xây dựng, vật liệu và đầu tư Đại Việt (nay là Cty CP Xi măng miền Trung) làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai xây dựng tại Khu công nghiệp phía đông Dung Quất, thuộc Khu kinh tế (KKT) Dung Quất từ tháng 8/2009 và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 6/2012.

Tuy nhiên, đến tháng 5/2015, nhà máy phải dừng hoạt động do người dân sống quanh nhà máy tìm cách ngăn cản, không cho phương tiện ra vào chuyên chở vật tư, vật liệu ra vào Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất. Được biết, nhà máy được UBND tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận vị trí xây theo đề nghị của Ban quản lý KKT Dung Quất.

Tuy nhiên, vị trí xây dựng nhà máy (do Ban Quản lý KKT Dung Quất đề xuất) lại nằm lọt thỏm trong khu dân cư đông đúc. Do quá gần khu dân cư hiện hữu, tiếng ồn và khói bụi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nên người dân trong khu vực đã nhiều lần tụ tập, dựng lều, lán trại trước cổng nhà máy, ngăn cản không cho phương tiện ra vào nhà máy.

Chia sẻ việc này, ông Phạm Tấn Lộc - trú thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cho hay: “Nhà tôi chỉ cách bờ tường Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất chưa đầy 20m. Chính quyền đã không tổ chức di dời dân trước khi cấp đất xây dựng nhà máy, thành ra chúng tôi phải sống ngay trong Khu công nghiệp. Vậy thì làm sao dân sống được”.

Tìm hiểu nguyên nhân việc nhà máy xi măng lại nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, ông Nguyễn Thanh Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Đông (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết: “Năm 2012, Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất đi vào hoạt động cũng đồng thời Tập đoàn Sembcorp của Singapore triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Semcorp Dung Quất tại xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 2,5 tỷ USD, xây dựng trên diện tích 134ha ở phía Tây Nhà máy đóng tàu Dung Quất thuộc Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn), ngay cạnh Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất hiện tại.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát, tiến hành áp giá đền bù để chuẩn bị di dời dân, thì nhà máy dừng triển khai. Người dân trước đó đã chuẩn bị giải tỏa di dời, bỗng nhiên bị hủy bỏ. Hệ quả, vẫn còn gần 2.000 hộ dân thuộc hai thôn Tây Hy và Sơn Trà (xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn phải sống chung với khói, bụi, tiếng ồn… do sản xuất công nghiệp, vật liệu xây dựng.

Cũng kể từ đó tới nay, Nhà máy nghiên xi măng Đại Việt – Dung Quất rơi cảnh thiết bị máy móc đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, thua lỗ lũy kế đã vượt vốn chủ sở hữu. Doanh nghiệp phải gửi văn bản kêu cứu nhiều nơi nhằm tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong bối cảnh éo le hiện tại”. 

Gần 5 năm vẫn chưa thể trở lại hoạt động

Đầu năm 2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 45/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gửi UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu sớm giải quyết các vấn đề liên quan để Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất hoạt động trở lại.

Công văn từ Văn phòng Chính phủ chỉ đạo xử lý vướng mắc tại Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất.

Công văn nêu rõ: “Khi quy hoạch, phê duyệt dự án đầu tư của doanh nghiệp, UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa đánh giá hết ảnh hưởng về môi trường khi có khu dân cư tồn tại trong KKT Dung Quất; các Sở, ngành liên quan của tỉnh chưa kịp thời tham mưu, đề xuất để có phương án phù hợp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005”.

Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ dân đang sinh sống trong khu công nghiệp và đảm bảo đời sống ốn định, lâu dài của nhân dân, không bị ảnh hưởng bởi khu công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Ngãi cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, không chỉ riêng đối với Nhà máy xi măng Đại Việt, mà còn các nhà máy khác, nên cần được xử lý tổng thể vấn đề về an toàn môi trường đối với các nhà máy đang hoạt động trong khu vực.

Về lâu dài, cần thực hiện di dời các hộ dân đển nơi ở mới theo quy hoạch. Chính quyền địa phương cần xây dựng lộ trình, kế hoạch, phương án cụ thể cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân đến nơi ở mới; tìm kiếm quỹ đất, nguồn kinh phí thực hiện, các giải pháp thu hút đầu tư. Việc di dời các hộ dân sẽ tạo thêm quỹ đất để các doanh nghiệp khác vào đầu tư nên cần có các giải pháp để thu hút đầu tư khu vực này…

Theo đó, Cty CP Xi măng Miền Trung đã tiến hành các giải pháp khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường tại Nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất, đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng QCVN 23: 2009/BTNMT và các quy định pháp luật có liên quan.

UBND tỉnh Quảng Ngãi ra văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan.

Ngày 9/7/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Ngãi và đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường có buổi làm việc, đánh giá: Cty đã tiến hành cải tạo, nâng cấp sửa chữa, thay thế các công trình xử lý môi trường; đồng thời yêu cầu Cty lập kế hoạch và vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của nhà máy, công khai kết quả cho nhân dân trong khu vực, làm cơ sở đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình, hoàn thành biện pháp bảo vệ môi trường để nhà máy hoạt động.

Tuy nhiên, người dân liên tục ngăn cản bằng việc dựng lều, lập rào chắn ngay trước cổng nhà máy để ngăn cản việc chạy thử nhà máy. Cũng từ đó đến nay, Văn phòng Chính phủ đã ba lần có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thử tướng Thường trực, UBND xã Bình Đông có 20 Báo cáo liên quan đến việc người dân tụ tập, ngăn cản Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt - Dung Quất hoạt động, chính quyền huyện Bình Sơn hàng chục lần tổ chức họp dân, đối thoại, lắng nghe… nhưng rồi mọi việc vẫn không thay đổi.

Chia sẻ vấn đề ô nhiễm môi trường do Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất gây ra với đại biểu HĐND tỉnh, tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XII, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng khẳng định: “Việc đền bù và di dời các hộ dân ở khu vực Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất tốn kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, tỉnh không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện. Nếu Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất không khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường thì buộc phải đóng cửa”.

Tuy nhiên, việc người dân ngăn cản không cho nhà máy chạy thử để kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm thì không ai đề cập, không ai đứng ra giải quyết. Trước việc nhà máy quá lâu chưa thể trở lại hoạt động, ông Lưu Vũ Cầm - Giám đốc Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt - Dung Quất cho biết: “Nếu không có nguyên liệu, không chạy thử thì làm sao quan trắc về môi trường, làm sao khẳng định nhà máy gây ô nhiễm? Thực tế là Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ngãi cố tình tránh né, dây dưa, không muốn tiến hành kiểm tra và kết luận việc khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường, quan trắc môi trường. Họ sợ kiểm tra xong, chúng tôi làm tốt thì buộc phải cho hoạt động trở lại”.

Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt -  Dung Quất đã tiến hành các giải pháp khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường.

Trong khi đó, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ngãi năm 2019 vừa mới diễn ra đầu tháng 7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng khẳng định: “Với cam kết xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Quảng Ngãi, các cấp ngành địa phương sẽ luôn luôn đồng hành cùng nhà đầu tư. Thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, xử lý ngay các khó khăn và vướng mắc của nhà đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, xây dựng Quảng Ngãi từng bước trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại Nhà máy nghiền xi măng Đại Việt – Dung Quất cũng như các dự án: Nhà máy giấy VNT-19, Nhà máy Bio - Ethanol Dung Quất, Nhà máy xử lý rác MD Sa Huỳnh, Nhà máy xử lý rác Nghĩa Kỳ… chính quyền Quảng Ngãi cần xứ lý vướng mắc, khó khăn một cách cụ thể giúp các doanh nghiệp an tâm khi đổ vốn đầu tư vào tỉnh nhà.

Nguyễn Tuấn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load