(Xây dựng) - UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, để phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2023 và cả giai đoạn 2021 – 2025, một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm được UBND tỉnh đặt ra ngay từ đầu năm 2023 là tăng cường đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện thủ tục đầu tư, rà soát và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công.
Công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. |
Về thực hiện đầu tư công, năm 2023 phấn đấu thực hiện mục tiêu đặt ra giải ngân đạt 100% tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023. Trong đó, đến hết quý III năm 2023 đạt trên 60%, đến hết quý IV năm 2023 đạt trên 90% và đến hết ngày 31/01/2024 giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch vốn năm 2023.
Đối với tình hình thực hiện đầu tư công trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã tập trung bố trí vốn thanh toán nợ khối lượng hoàn thành quyết toán và nợ phát sinh trong năm, cơ bản bố trí vốn kịp thời theo tiến độ thực hiện dự án để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Bố trí vốn để khởi công mới 20 dự án, trong đó 10 dự án sử dụng ngân sách Trung ương, 05 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 01 dự án sử dụng ngân sách tỉnh đối ứng ngân sách Trung ương, 09 dự án sử dụng ngân sách tỉnh. Đến nay, có 05 dự án đã tổ chức triển khai thi công, 08 dự án đang trình thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Trong 08 dự án chưa tổ chức triển khai thi công này, có 06 dự án sử dụng nguồn ngân sách Trung ương.
Về tổ chức thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 49 công trình, trong đó có 232 gói thầu với tổng giá trị các gói thầu được phê duyệt hơn 248.800 triệu đồng. Thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch lựa chọn nhà thầu 08 công trình, trong đó có 45 gói thầu với tổng giá trị các gói thầu được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung hơn 159.976 triệu đồng. Phê duyệt chủ trương đầu tư 03 dự án với tổng mức đầu tư 60.300 triệu đồng, phê duyệt điều chỉnh bổ sung 04 dự án và phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án không có cấu phần xây dựng 02 dự án với tổng dự toán 441,927 triệu đồng.
Đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, sau khi được UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 cho các dự án, các chủ đầu tư đã tích cực triển khai thực hiện, trong đó 01 dự án đã triển khai thi công đó là dự án Kè bảo vệ khu dân cư Bằng La, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023, 01 dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp đó là dự án Sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước, Hồ 3/2, Nước Rin, Đập Quang, Đá Chồng. Các dự án còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2023 như dự án Kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực An Bàng, thành phố Hội An, đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 05 Trung tâm Y tế tuyến huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 Trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Trong năm 2023, UBND tỉnh vẫn tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành dự án sử dụng vốn Nhà nước do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, lãnh đạo các Sở, ngành là thành viên để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Tổ chức giao ban định kỳ hằng tháng, làm việc với chủ đầu tư và tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để rà soát, đôn đốc, phát hiện, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án. Quản lý, kiểm soát tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các Hợp đồng kinh tế, nhờ vậy, những điều, khoản liên quan đến tạm ứng tại các hợp đồng kinh tế đều tuân thủ quy định pháp luật về tỷ lệ tạm ứng, số lần tạm ứng, số lần thanh toán, mức thu hồi. Thường xuyên rà soát, theo dõi thời hạn thanh toán, thời hạn bảo lãnh tạm ứng, kịp thời đôn đốc các chủ đầu tư báo cáo tình hình tạm ứng của đơn vị, giải trình lý do quá hạn.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng đang hoàn thiện dữ liệu phần mềm Quản lý đầu tư công, dự kiến trong 2 quý cuối năm phần mềm này sẽ mang lại nhiều tác động tích cực, tạo môi trường thuận lợi cho công tác phối hợp trong quản lý điều hành, là công cụ cho các chủ đầu tư kịp thời cập nhật tình hình thực hiện dự án, tiến độ giải ngân, báo cáo các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, xử lý.
Trong quá trình thực hiện đầu tư công cũng đã gặp những vướng mắc, khó khăn. Đó là những vướng mắc và thời gian thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) kéo dài, bàn giao mặt bằng chậm. Tiến độ triển khai thực hiện một số Nghị quyết của HĐND tỉnh còn chậm so với dự kiến. Trên địa bàn tỉnh vẫn đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp. Giá cả vật liệu vẫn còn nhiều biến động. Một số công trình đã đấu thầu trước đây với giá vật liệu thấp hơn thời điểm thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư. Một số dự án không lường hết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai lập dự án, thiết kế nên phải điều chỉnh, bổ sung dự án, thiết kế cho phù hợp với thực tế công tác thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn chậm, công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
Việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chậm do công tác tổ chức thực hiện ở các chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, vai trò người đứng đầu chưa được phát huy. Công tác chuẩn bị thủ tục dự án mới chậm, chất lượng hồ sơ chưa tốt nên vướng mắc khi triển khai, phải đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn, chủ trương đầu tư nhiều lần, công tác thẩm định, tư vấn còn chậm, thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn đầu tư dự án còn bất cập.
Một số chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu về năng lực, chủ đầu tư không thường xuyên theo dõi thời hạn thu hồi vốn tạm ứng, dẫn đến quá hạn thu hồi đã được thỏa thuận cụ thể theo từng đợt trong Hợp đồng kinh tế. Đồng thời chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo tình hình tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo quy định. Một số dự án có thời gian thực hiện đến hết năm 2023, tuy nhiên với các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, dẫn đến khả năng không đảm bảo tiến độ hoàn thành theo thời gian được duyệt.
Hải Nam
Theo