Đón xuân Quý Tỵ 2013, cộng đồng người Cor ở xã Trà Kot phục dựng thành công mô hình cây nêu truyền thống ngay tại nhà văn hóa xã. Đây là sản phẩm tinh thần vô giá và là cây nêu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở huyện Bắc Trà My.
Người Cor ở Quảng Nam có khoảng 1.400 hộ, hơn 5.500 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu tại các xã Trà Kot, Trà Nú của huyện Bắc Trà My. Trong sản xuất và sinh hoạt, người Cor luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Để công tác phục dựng, đảm bảo giữ được nét văn hóa tương đồng chung của người Cor; trong năm 2012, huyện Bắc Trà My đã đưa các vị già làng người Cor có kinh nghiệm và những người am hiểu văn hóa Cor đến huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi), nơi được xem là chiếc nôi của văn hóa dân tộc Cor để tham khảo mô hình cây nêu tại đây. Đồng thời tổ chức hội thảo để đi đến thống nhất toàn bộ các ý tưởng và tiến hành phát thảo mô hình để phục dựng.
Người Cor ở xã Trà Kot trang hoàng cây nêu trước khi dựng
Theo già làng Trần Văn Hành (thôn 2A xã Trà Kot) - người trực tiếp tham gia làm và chỉ huy phục dựng, cây nêu người Cor có 3 loại gồm cây nêu cúng giỗ ông bà (Ô zô), cây nêu ăn trâu lá (Ô rát) cúng các vị thần sông, thần suối, thần núi… và cây nêu ăn trâu huê (Ô cờ trấu) cúng thần trời, thần đất, thần nước…
Thông thường cây nêu có chiều cao từ 5-9m, được lựa chọn rất kỹ lưỡng, thường là cây chò và phải là cây còn sống, cao thẳng, không bị gãy ngọn, mọc trên núi cao, thoáng đãng, không bị ô uế. Quy mô cây nêu tùy thuộc vào tầm quan trọng của lễ cúng. Ăn trâu huê là lễ hội lớn nhất của người Cor nên cây nêu được trang trí cầu kỳ, tốn kém thời gian, vật liệu nhiều nhất.
Mỗi cây nêu đều có 5 phần, hoa văn, họa tiết trang trí cơ bản như nhau, chỉ khác nhau linh vật ở đỉnh nhằm thể hiện tầm và vị thế quan trọng của vị thần linh theo mục đích của cây nêu cúng. Trên đỉnh được trang trí một con chim chèo bẻo hoặc chim đại bàng lớn khắc bằng gỗ thể hiện sự yên lành, thanh cao và quyền uy của các vị thần.
Linh vật chim bố trí đậu trên đỉnh của búp chuối rừng phúm phím để gợi lên sự đầy đặn, thịnh vượng của dân làng. Dưới búp chuối là các gu gỗ gắn vào cây nêu theo các hướng khác nhau. Các gu được chạm trổ những biểu tượng về thần mặt trời, mặt trăng, muôn thú và treo hoặc gắn các chuổi hạt cườm, chuổi bông hoa làm bằng vỏ cây phỏng theo mô hình bông lúa, bông lay, bông lách...
Cây nêu của người Cor ở Trà Kot đã phục dựng hoàn tất trong dịp đón xuân Quý Tỵ 2013
Kế tiếp các gu là mâm cúng cũng làm bằng gỗ hình tròn ghép vào thân cây nêu để mời các vị thần về tọa lạc tại đây dự hội. Phía trên mâm cúng được gắn những con rựa dựng đứng bao quanh, loại vật dụng biểu trưng cho lao động sản xuất hằng ngày của người Cor, còn phía dưới được treo các chuổi hạt cườm.
Phần dưới cùng là nài cột cổ trâu (Bờ rá) được bện bằng vỏ cây, mây rừng rất chắc để giữ trâu chạy vòng quanh cây nêu khi đâm trâu. Gốc cây nêu, người Cor dùng các thủ thuật bí truyền tẩm vào đoạn thân cây chừa dài 1,5m chống không bị thối mục và chôn sâu trong lòng đất nhằm đảm bảo cây nêu tự đứng rắn chắc, bền lâu.
Toàn thân cây nêu giữa các gu, mâm cúng và nài cột trâu đều được trang trí nhiều hoa văn sặc sỡ, biểu tượng của các vị thần, hình sông suối, rừng núi, hàng rào, sản vật, muôn thú… Tất cả đều được nhuộm hoặc tô màu đa sắc phù hợp với từng chủng loại được trang trí. Qua đó, người Cor gửi gắm sự tôn kính đến các vị thần, đồng thời tái hiện vạn vật, đời sống sinh hoạt thường nhật của dân làng trên cây nêu.
Cây nêu là biểu tượng tâm linh, thành phần quan trọng nhất trong các lễ hội của người Cor và phải được chuẩn bị trước rất cẩn trọng, kéo dài cả tháng trời với nhiều người có kinh nghiệm cùng tham gia. Khi chuẩn bị xong, người Cor chọn ngày, giờ tốt để cúng dựng.
Phong tục của người Cor trong tất cả các lễ hội đều cúng hai lần. Lần đầu cúng rượu, nếp và con vật sống như heo, gà, trâu để thông báo mời gọi ông bà, thần linh về dự. Người Cor còn quan niệm rằng, qua nghi thức cúng này nhằm gửi con vật sống cho ông bà, thần linh mang về nuôi.
Cúng xong nghi thức này thì tiến hành dựng cây nêu. Sau đó giết thịt nấu chín cúng tiếp một lần nữa để ông bà, thần linh hưởng đồng thời chiêu đãi con cháu dân làng. Nghi thức đâm trâu trong các lễ hội đó là tế cúng trâu sống. Cây nêu luôn có trước và hiện hữu xuyên suốt trong các nghi thức sinh hoạt tâm linh của người Cor tại các lễ hội và người Cor không hạ cây nêu khi xong lễ hội mà để cho đến khi cây tự hỏng theo thời gian.
Ông Dương Lai - Chủ tịch UBND xã Trà Kot phấn khởi nói: “Được Nhà nước hỗ trợ phục dựng cây nêu, dân làng mừng lắm. Các vị già làng có kinh nghiệm được xã huy động đến để tiến hành chuẩn bị và phục dựng. Các già còn tập hợp thanh niên trai trẻ đến vừa làm, vừa hướng dẫn chỉ vẽ truyền đạt cho lớp trẻ. Nhờ đó mà bây giờ lớp trẻ ở Trà Kot đều có thể tự tin và đều có thể tự đứng ra làm được cây nêu”.
Còn già Đỗ Văn Bình (Thôn 2A, Trà Kot) thì bộc bạch: “Trước đây, người Cor chỉ cúng giỗ tổ tiên ông bà, các vị thần và ăn tết mùa (tết Cà zim). Sau khi theo Đảng, Bác Hồ, dân làng được tự do, no ấm; để ơn Đảng, ơn Bác, người Cor ăn thêm một cái nữa theo Bác Hồ đó là tết nguyên đán”.
Những ngày tết Quý Tỵ này, người Cor ở Bắc Trà My kéo đến Trà Kot tham quan cây nêu vừa phục dựng, quần tụ tại đây mở hội cồng chiên, múa hát ăn mừng, đón tết Bác Hồ, đón năm mới 2013.
Người Cor ở Trà Kot cúng heo, mở hội ăn mừng khi phục dựng thành công cây nêu truyền thống
Theo ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - tuy đời sống, sinh hoạt của người Cor hiện đã được cải thiện đáng kể. Song để họ tự thân phục dựng cây nêu có quy mô, đúng tầm vóc và thể hiện được đầy đủ các nét văn hóa truyền thống thì bà con không đủ khả năng.
Do đó, huyện chủ động hỗ trợ tiếp sức chỉ là một phần nhỏ nhưng bà con đã xem đó là cơ hội tốt nên đã góp sức, kinh nghiệm và đã phục dựng được cây nêu rất thành công ngoài mong đợi của huyện. Đây là bước chuẩn bị cần thiết để huyện phục dựng trưng bày tại quảng trường văn hóa các dân tộc ở trung tâm huyện sẽ xây dựng trong những năm tới.
Ông Phong còn cho biết thêm, huyện cũng đang có kế hoạch tiếp tục tiếp sức để người Cor ở Trà Kot mua trâu lớn và chuẩn bị thêm một số thực phẩm, ẩm thực truyền thống mở hội đâm trâu huê mừng năm mới Quý Tỵ và mừng sự kiện phục dựng thành công mô hình cây nêu.
Theo dantri.com.vn
Theo baoxaydung.com.vn