(Xây dựng) - Từ chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình và người lao động thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở an toàn.
Nhà ở của hộ gia đình tự xây dựng sau khi được vay vốn nhà ở xã hội. |
Trước nhu cầu nhà ở ngày càng cao của người dân, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội để các đối tượng khó khăn ở cả đô thị và nông thôn được tiếp cận. Trong đó, Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định hỗ trợ người dân vay mua, sửa chữa, xây mới nhà ở, nằm trong 5 chương trình vay của Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, từ nguồn vốn phân bổ của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, tỉnh Quảng Bình được bổ sung thêm 285 tỷ đồng phục vụ cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở trong năm 2022. Sau gần 1 năm triển khai cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã có 632 cá nhân, hộ gia đình vay để mua, sửa chữa, xây mới nhà ở với gần 283 tỷ đồng.
Là một trong những hộ đầu tiên được giải ngân cho vay xây dựng nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, chị Nguyễn Thị Thảo, xã Sơn Thủy (huyện Lệ Thủy) như được trút đi phần nào gánh nặng. Với số tiền 400 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, cùng với số tiền tích cóp hai vợ chồng chị đã thỏa được ước mong xây dựng căn nhà của riêng mình.
Chị cho biết, là giáo viên với đồng lương khá thấp, còn chồng là lao động tự do lại phải nuôi con nhỏ nên mong muốn có một mái nhà riêng nhiều lần bị tạm gác lại. Từ thông tin của một đồng nghiệp, chị tiếp cận với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lệ Thủy và được hỗ trợ vay vốn từ chương trình nhà ở xã hội với lãi suất thấp chỉ 4,8%/năm. Điều này thôi thúc hai vợ chồng quyết tâm đầu tư xây dựng không gian sống riêng cho gia đình, để vững tâm hơn trong cuộc sống. Hiện căn nhà 2 tầng mơ ước của gia đình chị Thảo đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tương tự, anh Phan Xuân Hòa, công chức xã Quảng Thạch (huyện Quảng Trạch) được vay 300 triệu đồng từ chương trình cho vay nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Trạch. Sau khi được vay vốn, anh đã vay mượn thêm gia đình, người thân để hoàn thành ngôi nhà mới cho mình. Hiện đã bớt phải lo lắng cảnh ngập úng, mất an toàn cho người và tài sản khi mưa bão xảy ra.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Bình, việc bổ sung nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP nói chung, nhất là bổ sung vốn cho vay nhà ở xã hội là một chủ trương hợp lòng dân. Bởi nhu cầu vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở hiện nay trên địa bàn rất lớn, trong khi nguồn vốn phân bổ hàng năm khá khiêm tốn. Vì thế, đây là nguồn lực không nhỏ để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân trong ổn định cuộc sống trước khó khăn của dịch bệnh.
Ông Hoàng Xuân Thuận - Phòng Quản lý nhà, Bất động sản và Vật liệu (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình) nhìn nhận: Căn cứ số liệu nhà ở do hộ gia đình tự xây dựng giai đoạn 2010 - 2019 và mục tiêu phát triển trong Chương trình nhà ở tỉnh Quảng Bình đến năm 2030, nhu cầu vốn phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 khoảng 645 tỷ đồng và khoảng 18.206 tỷ đồng cho phát triển nhà ở hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng (tăng thêm khoảng 3,2 triệu m² sàn). Đây là con số rất lớn so với số vốn mà Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai cho các đối tượng có thu nhập thấp vay vốn. Do đó cần tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm.
Nhất Linh
Theo