Thứ bảy 20/04/2024 14:21 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Phát hiện hàng loạt vi phạm tại các mỏ khai thác khoáng sản

18:39 | 09/07/2020

(Xây dựng) – Kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Bình cho thấy, tình trạng khai thác khoáng sản không đúng vị trí mỏ, quá độ sâu cho phép xảy ra ở nhiều nơi, nạn khai thác cát sỏi trái phép trên một số lòng sông rất phức tạp, khó kiểm soát... Đặc biệt, tình trạng nợ các loại thuế, phí ở mức cao, kéo dài nhiều năm.

quang binh phat hien hang loat vi pham tai cac mo khai thac khoang san
Việc khai thác cát, sỏi lòng sông tại Quảng Bình diễn biến phức tạp, khó quản lý.

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Quảng Bình tại Kỳ họp thứ 15, khóa XVII giai đoạn 2016 - 2020 về lĩnh vực khai thác, sử dụng khoáng sản, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 118 giấy phép khai thác, trong đó: UBND tỉnh cấp 102 giấy phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 16 giấy phép.

Từ năm 2016 - 2019, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách hơn 433 tỷ đồng. Trong đó: Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản: 142 tỷ đồng, thuế tài nguyên: 179 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường: 81 tỷ đồng, tiền thuê đất: 31 tỷ đồng.

Theo kết quả báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Bình, việc cấp phép khai thác được thực hiện đảm bảo thủ tục, đúng quy trình, được thực hiện theo hướng cải cách hành chính. Hiện tại, tất cả các giấy phép đang trong thời hạn quy định. Chưa có trường hợp gia hạn giấy phép khai thác, có một đơn vị bị thu hồi giấy phép do không đảm bảo an ninh, thuộc Mỏ cát xây dựng của Công ty Trần Quế Chi tại xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch. Bên cạnh những kết quả đạt được, còn có nhiều khiếm khuyết, vi phạm cần khắc phục.

Nhìn chung, chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tính bao quát, toàn diện, còn điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Một số khu vực được quy hoạch nhưng thiếu khả thi do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, chồng lấn quy hoạch đất quốc phòng và các dự án đầu tư khác.

Trách nhiệm công khai, công bố quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản ở một số đơn vị cấp xã còn hạn chế... Việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản còn nhiều tồn tại, khuyết điểm.

Kết quả công tác Thanh tra tại 23 mỏ đá xây dựng, chỉ 12 đơn vị có Giám đốc điều hành mỏ có bằng cấp chuyên môn theo quy định, 11 đơn vị chỉ có chứng chỉ về quản lý mỏ, không có bằng cấp chuyên môn kỹ thuật theo quy định.

Nhiều đơn vị chưa tuân thủ thiết kế cơ sở và quy trình kỹ thuật, an toàn khai thác mỏ, có nguy cơ gây tai nạn; thiếu kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh an toàn lao động. Trong các năm 2018 và đầu năm 2019 đã xảy ra 5 vụ mất cắp vật liệu nổ công nghiệp làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Tình trạng khai thác khoáng sản không đúng vị trí mỏ, khai thác quá độ sâu cho phép xảy ra ở nhiều nơi. Việc khai thác trái phép cát, sạn trên một số lòng sông, như: Sông Gianh thuộc thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch và huyện Tuyên Hóa; sông Kiến Giang, Nhật Lệ, đoạn qua huyện Quảng Ninh; sông Long Đại, huyện Quảng Ninh diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát.

Tình trạng nợ các loại thuế, phí còn ở mức cao, trong đó có một số đơn vị nợ đọng lớn kéo dài, khó thu hồi. Đơn cử, như Công ty Cổ phần Khai thác và Sản xuất bột đá CLC Linh Thành nợ 50,04 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Phúc Quảng Bình nợ 7,95 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khoáng sản Đá Việt nợ 7,38 tỷ đồng…

Trên cơ sở đó, HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Quảng Bình sớm thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường để các tổ chức, cá nhân thực hiện việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, thay thế việc ký quỹ tại ngân hàng như hiện nay.

Sở Xây dựng Quảng Bình cần nghiên cứu giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng cát trắng ven biển, đất san lấp như các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khác nhằm phục vụ nhu cầu xây dựng, hạn chế lãng phí tài nguyên.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load