(Xây dựng) - Tối 6/5, tại thành phố Đồng Hới, Ban chỉ đạo Tháng an toàn vệ sinh lao động tỉnh Quảng Bình đã tổ chức chương trình phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2022.
Tổ chức đối thoại của hội đồng cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động, chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống tai nạn lao động. |
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 diễn ra từ ngày 01/5 đến ngày 31/5, với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Phát biểu tại chương trình phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tổ chức ngày 6/5, bà Đinh Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đề nghị: Đối với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong thực hiện Bộ Luật lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động, các văn bản pháp luật có liên quan, văn bản mới ban hành. Tổ chức các hoạt động thiết thực như tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nội quy, thỏa ước lao động, quy trình an toàn; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Triển khai tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp về chính sách an toàn, vệ sinh lao động.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cần chú trọng các hoạt động tự kiểm tra, rà soát nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường kiểm soát nguy cơ, rủi ro và đẩy mạnh các biện pháp cải thiện điều kiện lao động, các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng các kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động theo quy định hiện hành. UBND tỉnh kêu gọi mỗi cán bộ, doanh nghiệp, người lao động hãy tích cực hưởng ứng các hoạt động của Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng tốt để giữ vững thương hiệu, tạo sự gắn bó bền vững của công nhân lao động với doanh nghiệp.
Trong Tháng hành động năm nay, ngành chức năng tiếp tục đổi mới, tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động trực tiếp và trực tuyến đến doanh nghiệp, người lao động.
Chú trọng thông tin, tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn, đánh giá, kiểm soát rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp, cơ sở, phân xưởng, các công trình xây dựng. Tăng cường các hoạt động tự kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp.
Tổ chức tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình điển hình về an toàn vệ sinh lao động; thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… Đặc biệt, các Sở, ban, ngành sẽ phối hợp để tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động trong các ngành, nghề có nhiều nguy cơ tai nạn lao động bệnh nghề như: Xây dựng, điện, khai khoáng, hóa chất, cơ khí, làm việc trong không gian hạn chế… và việc sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, đo kiểm môi trường lao động, công tác huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Liên đoàn lao động trao tiền hỗ trợ sửa chữa nhà cho đoàn viên Phạm Xuân Bảy, huyện Lệ Thủy. |
Dịp này, Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Bình đã trao 500 suất quà tổng trị giá 250 triệu đồng cho công nhân và người lao động khó khăn trên địa bàn. Xây dựng và hỗ trợ 16 nhà Mái ấm Công đoàn với tổng số tiền 480 triệu đồng.
Cùng đó, trong Tháng Công nhân 2022, Liên đoàn lao động tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thăm 15 trường hợp công nhân gặp tai nạn lao động với số tiền trên 20 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 37 vụ tai nạn lao động làm 37 người bị nạn, trong đó có 11 vụ tai nạn chết người. Qua theo dõi cho thấy, trong khu vực có quan hệ lao động, tần suất tai nạn lao động là 4,3% trên số người lao động; tuần suất số người chết là 1,2% trên số người lao động.
Nhất Linh
Theo