Thứ năm 28/03/2024 20:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA

12:05 | 04/01/2022

(Xây dựng) - Nguồn vốn ODA là nguồn lực quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Bình trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA vẫn còn những tồn tại, bất cập cần sớm khắc phục để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng.

quang binh nang cao hieu qua quan ly su dung nguon von oda
Các gói thầu cải tạo năng lực thoát nước được thực hiện với tiến độ rất chậm.

Quảng Bình ưu tiên đầu tư nguồn vốn ODA cho những dự án có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phù hợp quy hoạch, phát huy hiệu quả dự án để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của tỉnh như: xây dựng đường giao thông, phát triển lưới điện nông thôn, hệ thống cấp nước, xây dựng trường học, bệnh viện, trạm y tế và đầu tư trang thiết bị; trồng rừng, bảo vệ rừng; dự án xóa đói, giảm nghèo...

Các dự án cơ bản triển khai thực hiện đúng với mục tiêu viện trợ, có sự tham gia tích cực của người hưởng lợi. Việc quản lý nguồn vốn của các dự án hầu hết thực hiện theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà nước và thông lệ quốc tế.

Trong giai đoạn 2016-2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án có sử dụng nước ngoài là hơn 6.541 tỷ đồng cho 17 dự án. Trong đó, vốn trong nước hơn 1.342 tỷ đồng, vốn nước ngoài là hơn 5.198 tỷ đồng. Năm 2021, Quảng Bình đã vận động, ký thỏa thuận hợp tác để triển khai Dự án Cải thiện thu nhập bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vì cộng đồng nông thôn hòa bình tỉnh do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại với tổng vốn cam kết 10 triệu USD.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, tính đến ngày 31/12/2021, các dự án ODA trên địa bàn tỉnh đã thực hiện và giải ngân từ nguồn vốn nước ngoài được hơn 413 tỷ đồng, đạt 48,3% so với kế hoạch giao. Cụ thể, 01 dự án giải ngân trên 80% kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021; 06 dự án giải ngân dưới 30% kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021.

Tuy vậy, trong quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập nhất định: nhiều dự án còn chậm trễ trong thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng xây lắp, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng... Do vậy, thời gian hoàn thành các dự án thường kéo dài hơn so với hiệp định được ký kết, phải xin gia hạn làm tăng chi phí vay, giảm hiệu quả đầu tư.

quang binh nang cao hieu qua quan ly su dung nguon von oda
Vướng mắc giải phóng mặt bằng do người dân chưa đồng thuận tại xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.

Năng lực của một số ban quản lý dự án còn yếu kém, hoạt động thiếu chuyên nghiệp, công tác đào tạo cán bộ quản lý dự án ODA chưa được chuẩn hóa; việc lập kế hoạch giải ngân vốn của các chủ đầu tư nhiều lúc chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.

Công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình đầu tư từ nguồn vốn ODA chưa đầy đủ, đặc biệt là công tác theo dõi, thống kê, đánh giá hiệu quả của công trình sau đầu tư. Kết quả quản lý thường được đánh giá chỉ bằng công trình (mức độ hoàn thành, tiến độ thực hiện) mà chưa xem xét toàn diện đến hiệu quả sau đầu tư một khi công trình được đưa vào vận hành, khai thác.

Tiêu biểu như dự án Thoát nước và Vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn (khởi công vào tháng 9/2016), sau thời gian dài đình trệ bởi các bất đồng; nhà thầu chính Suez (Đan Mạch) tiếp tục có văn bản đề nghị chấm dứt hợp đồng, dẫn tới nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội.

Trước đó, trong năm 2020, nhà tài trợ DBF đã hủy khoản viện trợ 978.676 Euro của Chính phủ Đan Mạch dành cho dự án; nhà thầu Suez đưa ra các điều kiện như chủ đầu tư phải thanh toán cho nhà thầu khoản phát sinh đợt 1 là 330.000 Euro; đưa hạng mục đấu nối sau hàng rào ra khỏi trách nhiệm của nhà thầu; thanh toán 260.000 Euro phần thiết bị nhà thầu tự ý thay đổi so với thiết kế chi tiết đã nộp.

Hay tại 02 dự án lĩnh vực môi trường, hạ tầng đô thị, thi công ì ạch, tác động đến đời sống người dân gồm: Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án thành phố Đồng Hới và Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới, đều có thời gian thực hiện từ năm 2017-2022. Theo đơn vị quản lý: Với phân kỳ đầu tư đặt ra, việc thực hiện đã trôi qua hơn 3/5 thời gian quy định, tuy vậy, công tác giải ngân các dự án khá thấp, tiến độ thi công thực tế cũng khá chậm. Chịu nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân.

Cụ thể, nhiều gói thầu thi công hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cống cấp ba; cải tạo năng lực thoát nước; xây dựng đường giao thông; xây dựng cầu; xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu...được thực hiện với tiến độ rất chậm, thi công dang dở; không hoàn trả mặt bằng kịp thời và đạt chất lượng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này, quan điểm chủ đạo trong các năm tới là chỉ sử dụng nguồn vốn ODA cho các lĩnh vực mà vốn đầu tư công chưa đáp ứng được, khu vực tư nhân không có động lực để đầu tư do không có lợi nhuận hoặc một số lĩnh vực đặc thù cần Nhà nước đầu tư, kiểm soát và quản lý.

Khuyến khích tư nhân tham gia cùng Nhà nước đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Sử dụng vốn ODA với vai trò là vốn mồi, chất xúc tác cho các nguồn vốn trong nước, nhất là vốn đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian hoàn thành các khâu chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công các dự án đã được ký kết, thỏa thuận.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load