- Đồng Hới, Quảng Bình: Lập lại trật tự đô thị, giải phóng vỉa hè
- Quảng Bình: Tuần văn minh đô thị Đồng Hới năm 2017
(Xây dựng) – Trên địa bàn TP Đồng Hới (Quảng Bình) thường xuyên có nhiều công trình công cộng và công trình dân sinh thi công. Đa số các công trình đều sử dụng một phần vỉa hè để làm nơi tập kết vật liệu, rác thải xây dựng gây mất trật tự an toàn giao thông (ATGT), ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Vật liệu xây dựng để ngổn ngang trên vỉa hè tại một nhà dân trên tuyến đường Tố Hữu.
Chiếm dụng hè phố
Chỉ dạo quanh một số tuyến phố trên địa bàn TP Đồng Hới như: Trần Quang Khải, Tố Hữu, Hữu Nghị, Hai Bà Trưng, Lê Lợi… có thể dễ dàng bắt gặp những điểm tập kết vật liệu xây dựng ngổn ngang trên vỉa hè, vừa mất mỹ quan đô thị, vừa là nguyên nhân tiềm ẩn của các vụ tai nạn, va quệt khi tham gia giao thông.
Trên vỉa hè của nhiều tuyến đường, người dân ngang nhiên tập kết vật liệu xây dựng trênhư: cát, sỏi, gạch, ván cốp pha… Trên đường Tố Hữu, đoạn giao với đường Hữu Nghị, chỉ chưa đến 300m đã có 3-4 nhà dân chiếm dụng vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng. Do vật liệu đổ ngổn ngang nên nhiều diện tích hè phố bị lấn chiếm, gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, vật liệu chất đống trên các vỉa hè, lề đường cũng là nguyên nhân gây ngập nước cục bộ trong mưa bão. Khi trời mưa, những vật liệu như cát, sỏi trôi xuống các cống thoát nước, gây ách tắc, ngập úng cục bộ.
Cận cảnh nhà dân chiếm dụng vỉa hè để tập kết vật liệu xây dựng.
Chưa đến 200m, lại có “bãi” vật liệu xây dựng chiếm dụng vỉa hè trên tuyến đường Tố Hữu.
Hay trên tuyến đường Lê Lợi, phía trước nhiều cửa hàng bán điện thoại, linh kiện điện tử, tình trạng xe máy của khách hàng đậu đỗ tràn lan, chiếm dụng cả một khoảng vỉa hè rộng, không còn chỗ cho người đi bộ.
Tuyến đường Mẹ Suốt ở khu vực gần chợ Đồng Hới, vỉa hè bị chiếm dụng để trưng bày hàng hóa, giữ xe đạp, xe máy. Người dân lấn chiếm vỉa hè dưới nhiều hình thức khác nhau. Đa số biển hiệu quảng cáo, hộp đèn quảng cáo được dựng trên vỉa hè. Sự bừa bãi này không chỉ khiến cho bộ mặt đô thị nhếch nhác mà còn dẫn đến tình trạng mất an toàn trật tự đô thị, đặc biệt là tại các khu vực đông dân cư.
Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một thực tế là khi thấy xe của lực lượng quản lý đô thị thì các hộ kinh doanh nhanh chóng cất những tấm bảng quảng cáo đi, khi lực lượng quản lý đô thị đi rồi thì đâu lại vào đó.
Tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè trái phép sẽ tồn tại đến bao giờ khi mà những người dân luôn tìm cách đối phó? Rồi người đi bộ sẽ đi ở đâu? Tất cả thực trạng trên đã vô hình trung đẩy người đi bộ xuống lòng đường và đối mặt với mối nguy hiểm giao thông luôn rình rập.
Gạch, cát xây dựng đổ đầy vỉa hè trên đường Hữu Nghị.
Vật liệu xây dựng lấn chiếm vỉa hè thuộc nhà 2B đường Trần Quang Khải.
Khó xử lý?
Hiện nay, trên địa bàn TP Đồng Hới có hàng trăm công trình đang thi công; bao gồm cả xây dựng mới, cải tạo và sửa chữa. Do vị trí các công trình nằm ở trung tâm thành phố nên vấn đề tập kết vật liệu xây dựng sao cho đúng chỗ, an toàn và mỹ quan cần được chủ đầu tư xây dựng, người dân và chính quyền địa phương coi trọng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để việc giữ gìn vỉa hè, lòng đường sạch đẹp. Những nơi tập kết vật liệu xây dựng lớn phải cắm biển báo để cảnh báo người đi đường, đồng thời các công trình nhỏ phải đẩy nhanh tiến độ thi công, không để tình trạng đổ vật liệu xây dựng quá giờ quy định,...
Để quản lý việc tập kết vật liệu xây dựng, đảm bảo trật tự đô thị, hành lang ATGT, UBND các phường phải tăng cường công tác ký cam kết đối với tất cả hộ gia đình có mặt tiền tiếp giáp mặt phố, trong đó có quy định cụ thể việc tập kết nguyên vật liệu (nếu có hoạt động xây dựng); không được tập kết rác thải xây dựng sai nơi quy định; không được tập kết vật liệu trên vỉa hè, lòng đường quá 24 giờ (tập kết tạm phải đảm bảo và chịu trách nhiệm về ATGT) và chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả khi công trình liền kề bị ảnh hưởng.
Gạch chất đầy vỉa hè tại một nhà dân trên đường Lê Lợi.
Tình trạng tập kết vật liệu xây dựng ngổn ngang, sai quy định vẫn tồn tại và rất khó xử lý triệt để. Việc xử lý các trường hợp vi phạm còn gặp nhiều bất cập như các chế tài xử phạt còn thấp và chưa đồng bộ. Cùng với đó, diện tích xây dựng ở phố không lớn nên hầu hết các hộ đều tập kết vật liệu xây dựng trên hè phố, thậm chí lòng đường.
Mức xử phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè; chứa, tập kết vật liệu xây dựng: Căn cứ điểm d) Khoản 4 Điều 12 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ: “4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: d) Sử dụng trái phép đất của đường bộ hoặc hành lang an toàn đường bộ làm nơi tập kết hoặc trung chuyển hàng hóa, vật tư, vật liệu xây dựng, máy móc, thiết bị, các loại vật dụng khác”. |
N.L
Theo