Thứ sáu 29/03/2024 17:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới

15:48 | 01/01/2021

(Xây dựng) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 81/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới đến thời điểm hiện tại hơn 62.837 tỷ đồng.

quang binh co 81 xa dat chuan nong thon moi
Xây dựng nông thôn mới giúp đường làng, khu dân cư khang trang hơn.

Hỗ trợ thôn, bản đặc biệt khó khăn

Quảng Bình bước vào xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, một số địa phương vùng cao nơi đây đã tìm được cách làm riêng phù hợp với khả năng của mình và mang lại hiệu quả cao khi triển khai chương trình. Xét thấy 15/19 tiêu chí nông thôn mới liên quan đến thôn, bản, tỉnh Quảng Bình đã chủ động triển khai thực hiện mô hình “Nông thôn mới cấp thôn, bản”. Theo đó, mỗi xã chọn một, hai bản để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ sinh kế cho người dân, xây dựng bản nông thôn mới. Từ đó, sẽ lan tỏa sang các bản làng lân cận.

Trong đó, huyện Minh Hóa đã chọn 4 bản gồm: Bản Dộ - Tà Vờng, xã Trọng Hóa; bản Ka Ai, xã Dân Hóa; bản Lương Năng, xã Hóa Sơn và bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa để xây dựng bản nông thôn mới. Các bản có 100% số đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Tuy nhiên, điểm chung là các bản đều có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và có nhiều nét văn hóa riêng biệt.

Ðể thực hiện chương trình, UBND huyện Minh Hóa đã phân công và gắn trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan chức năng với Đồn biên phòng các xã. Đồng thời, bám sát đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2025”, sử dụng nguồn vốn để hỗ trợ các bản xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo định hướng tiêu chí nông thôn mới.

Huyện này đã hỗ trợ sản xuất cho đồng bào bằng cách trợ giúp giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào; đào tạo, sử dụng cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.

Tại huyện Tuyên Hóa, với 11 xã đặc biệt khó khăn, 2 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Nhằm hỗ trợ các thôn, bản đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Tuyên Hóa đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị với một địa chỉ cụ thể.

Nguồn kinh phí được chuyển thẳng về cho các thôn, bản mua vật liệu, đưa đến tận nhà, ngày công người dân phải tự huy động. Tranh thủ các ngày cuối tuần, đoàn viên, thanh niên các đơn vị, địa phương đến giúp sửa nhà cho bà con người Chứt. Các đơn vị vũ trang cũng bố trí công việc cùng với nhân dân làm đường giao thông, vệ sinh đường làng, tặng quà hộ gia đình chính sách.

Từ tháng 5/2019, UBND huyện Lệ Thủy đã chọn ra 3 bản tại các xã đặc biệt khó khăn để chỉ đạo điểm, tập trung xây dựng thành bản đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, phấn đấu có các bản Xà Khía, xã Lâm Thủy; bản Khe Khế, xã Kim Thủy và bản Đá Còi, xã Ngân Thủy hoàn thành các tiêu chí để công nhận thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Những cách làm sáng tạo này bước đầu góp phần nâng cao đời sống người dân và tạo chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn các huyện khó khăn.

Giữ vững các tiêu chí đã đạt

Mục tiêu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có thêm ít nhất 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trên 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 25 khu dân cư kiểu mẫu; đánh giá, xếp hạng 35 sản phẩm hiện có theo hướng sản phẩm OCOP.

Thông qua kết quả thẩm định cho thấy, các địa phương đã chủ động trong việc huy động các nguồn lực, lồng ghép hiệu quả các chương trình, dự án, phát huy nội lực của người dân trong xây dựng nông thôn mới; không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Năm 2020, mặc dù địa bàn các xã bị tác động lớn của thiên tai, mưa lũ kéo dài, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, chậm tiến độ xây dựng một số công trình, một số công trình hạ tầng bị hư hỏng… Song 12 xã trên vẫn duy trì, giữ vững kết quả các tiêu chí đã đạt được.

Đặc biệt, thành phố Đồng Hới đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hiện đang hoàn tất hồ sơ thủ tục đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Ông Trần Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Hội đồng thẩm định đã chỉ ra, đồng thời tiếp tục xây dựng, nâng cao các tiêu chí đã đạt, đáp ứng sự hài lòng của người dân. Giao Văn phòng xây dựng nông thôn mới có kế hoạch rà soát, xem xét lại các xã đạt chuẩn và không đạt chuẩn sau khi thực hiện sáp nhập theo Đề án sáp nhập xã, phường, thị trấn để tiến hành thẩm định, xét công nhận lại.

Những kết quả về xây dựng nông thôn mới, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp nhận đỡ đầu những xã khó khăn. Tiếp tục rà soát từng tiêu chí những xã về đích; phải đi từ cơ sở lên, lấy mô hình nhân rộng mô hình bắt đầu từ các hộ gia đình; huy động và sử dụng nguồn lực một cách hài hòa, không bố trí dàn trải mà phải đúng trọng tâm, trọng điểm.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load