(Xây dựng) - Theo thông tin từ Sở Xây dựng Quảng Bình, chúng tôi được biết: Trên địa bàn tỉnh có 3 cột tháp ăng-ten cao trên 100m và hàng trăm cột tháp viễn thông, thu phát sóng di động có chiều cao dưới 100m. Nhưng cho đến nay số công trình dạng tháp này được kiểm định chất lượng và bảo dưỡng định kỳ dường như rất ít.
Công trình dạng tháp gồm tháp phát sóng truyền thanh - truyền hình hay các cột thu phát sóng di động cần phái được kiểm định thường xuyên.
Do đặc thù chủ yếu là các công trình kết cấu thép dạng tháp được neo giữ bằng dây cáp, cao, ít được che chắn; các trạm BTS, cột thu phát sóng di dộng do chủ đầu tư tự thuê đơn vị thi công không qua thẩm định của cơ quan quản lý nên chất lượng vật liệu, thiết bị sử dụng để thi công rất khó kiểm soát. Công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra chế độ kiểm định, bảo trì giữa lực lượng chức năng và chủ đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên do thiếu thốn về lực lượng lẫn kinh phí. Quy trình chuẩn về kiểm định và bảo trì công trình tháp truyền thông cột BTS chưa được ban hành và có quy định chi tiết cụ thể cũng gây khó khăn cho cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý.
Để khắc phục tình trạng này, ngày 25/01/2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 55/QĐ-BXD phê duyệt Quy trình kiểm định và Quy trình bảo trì công trình tháp thu phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình nhằm siết chặt quản lý Nhà nước đối với chất lượng công trình cột BTS, khắc phục những thiếu sót về văn bản quy phạm pháp luật trước đây, đồng thời đảm bảo công trình luôn được an toàn và hoạt động bình thường. Theo Quyết định này trong quy trình bảo trì công trình cột BTS có 4 khâu kiểm tra cơ bản là: ban đầu, định kỳ, bất thường và chi tiết.
Đối với các cột tháp có chiều cao dưới 100m các chủ đầu tư, đơn vị khai thác sử dụng chủ yếu đang rà soát số lượng và chất lượng để phân loại, lập kế hoạch kiểm định, bảo trì. Báo cáo kết quả các cột tháp đã thực hiện kiểm định cho thấy một số cột tháp ăng-ten còn tồn tại khiếm khuyết về chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không kịp thời khắc phục có nguy cơ xảy ra sự cố khi chịu tác động của gió bão.
Vì thế, nhằm hướng tới đảm bảo an toàn chất lượng các cột tháp BTS, tránh các sự cố công trình ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng người dân, các cấp, ngành cần sớm hoàn thiện, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật siết chặt quản lý về đầu tư xây dựng các trạm BTS, đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng ở các địa phương đảm bảo tuân thủ các quy định, quy chuẩn trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình tháp viễn thông trên địa bàn đúng theo pháp luật hiện hành.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Phụng - Chi cục Trưởng Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình cho biết thêm: Thiệt hại do mưa bão gây ra tại địa phương hàng năm rất lớn. Mưa bão thường kéo theo giông lốc, mưa đá, lũ lụt khiến hàng trăm ngôi nhà ngập sâu trong nước, bị tốc mái hoặc đổ sập; hệ thống cột điện trung và hạ thế, tháp ăng-ten của các mạng viễn thông cũng thường bị ảnh hưởng làm gãy đổ, việc truyền tin bị cắt đứt và gây nguy hại cho tính mạng và nhà ở của nhân dân nằm trong bán kính nguy hiểm.
Như trường hợp, ngày 30/9/2013, siêu bão số 10 (tên quốc tế là Wutip) có cường độ rất lớn đã đổ bộ vào 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Tại TP Đồng Hới nơi tâm bão đi qua, liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, gió bão mạnh đã làm đổ nhiều cây cối, hàng trăm nhà dân tại Quảng Bình bị tốc mái một phần hoặc hoàn toàn, tàn phá nặng nề nhà cửa, cơ quan công sở. Bão đã khiến tháp ăng-ten cao 150m của Trạm phát sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng Hới bị gãy, đổ và đè chết hai nhân viên của trạm. Việc kiểm định chất lượng và bảo trì công trình tháp ăng-ten định kỳ nhằm đảm bảo sự hoạt động tốt của các trạm BTS, sự an toàn của chính nhân viên các trạm cũng như tính mạng dân cư xung quanh.
Và mới đây, bão số 10 khi đổ bộ vào đất liền tại Quảng Bình, Hà Tĩnh đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho cơ sở hạ tầng, tài sản và tính mạng con người. Cột tháp phát sóng truyền hình thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cao 100m bị gió bão kéo sập. Cho thấy sự nguy hiểm của các công trình dạng tháp nếu không được kiểm định và bảo trì thường xuyên, để sớm kiểm soát mối nguy hiểm có thể phát sinh trong quá trình sử dụng.
Mặt khác, ông Phạm Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình từng chia sẻ: Việc chủ đầu tư, chủ sử dụng chậm hoặc không thực hiện kiểm định chất lượng công trình dạng tháp để tiến hành bảo dưỡng công trình, trang thiết bị đa phần xuất phát từ tâm lý tin rằng các trạm BTS đứng vững trong mưa bão và hơn nữa là nguồn chi phí dành cho công tác kiểm định nếu bỏ ra rất lớn.
Nhất Linh
Theo