(Xây dựng) - Bãi Đá Nhảy là một trong những bãi biển hoang sơ và đẹp nhất của Quảng Bình, thu hút đông đảo du khách ghé thăm khi có dịp đi qua. Tuy nhiên, hiện nay khu vực này đang phải “gánh” một lượng lớn rác thải sinh hoạt.
Khung cảnh bãi Đá Nhảy nhìn từ trên cao.
Tại miền Trung, nắng nóng đang đến gần, các bãi biển cũng vào mùa cao điểm du lịch. Với lợi thế là bãi tắm nguyên sơ, điểm xuyết bởi quần thể đá núi nhô lên giữa biển, cùng những hang động hình thù kỳ lạ, bãi Đá Nhảy là một điểm dừng chân hấp dẫn với những du khách ưa tìm về với sự nguyên sơ của thiên nhiên.
Đã một năm trầm lắng bởi ảnh hưởng từ sự cố ô nhiễm môi trường biển, giờ đây du lịch biển Quảng Bình đang có dấu hiệu phục hồi. Những ngày tháng 5 nắng nóng này, du khách trong nước đã tìm về với bãi Đá Nhảy nhiều hơn những năm trước. Hằng trăm du khách tới tham quan, chụp ảnh, tắm biển và sau đó cùng thưởng thức hải sản mỗi ngày. Điều thôi thúc du khách ghé thăm bãi Đá Nhảy là bởi bãi biển này vẫn giữ được vẹn nguyên dáng vẻ hoang sơ màu nước và đá núi bào mòn vốn có. Biển ở Đá Nhảy cũng vô cùng đẹp, bãi cát phẳng, nước trong veo và cát mịn màng.
Tuy vậy, có một thực tế là bãi Đá Nhảy đang dần dà trở thành một điểm “chứa rác” lớn. Đi dọc bờ biển, đặc biệt là ở những quần thể đá - điểm đặc trưng của Đá Nhảy các bạn dễ dàng bắt gặp nhiều các loại rác thải cả vô cơ lẫn hữu cơ: từ túi ni lon, bao bì, vỏ bánh kẹo, vỏ bánh lọc, vỏ hoa quả, chai nhựa, vỏ lon bia, vỏ nước ngọt đến những đống tro củi to đã đốt được vứt tràn lan, bừa bãi và cả xương thịt động vật sau những bữa liên hoan… Những rác thải này phần nào đã gây nên ô nhiễm bờ biển, gây ra ấn tượng không tốt cho du khách đến tắm biển và thưởng lãm khung cảnh nơi đây.
Đoạn đường đi qua quần thể đá chứa đầy các loại rác.
Đâu đâu cũng thấy toàn rác là rác.
Đủ các loại rác từ bao bì ni lông đến chai nhựa, cành cây, bọt biển.
Nguyên nhân của tình trạng trên đa phần xuất phát từ ý thức của du khách. Nhiều đoàn khách mang theo thức ăn, bia, nước ngọt… tổ chức ăn uống trên bãi biển. Ngoài một số người chủ động gom rác vào bao nhưng cũng có không ít người thải rác bừa bãi trên bãi biển. Ngoài ra, tình trạng buôn bán hàng rong khá nhiều nên cũng góp phần thải ra một lượng rác thải. Các hoạt động này đã và đang diễn ra một cách tự nhiên và ngày càng gia tăng khi mùa cao điểm du lịch biển.
Các hoạt động ăn uống, đốt lửa và xả rác một cách tự nhiên.
Một bãi biển đẹp sẽ mất đi vẻ vốn có bởi rác thải nếu không có biện pháp bảo vệ môi trường.
Một phần của tình trạng trên cũng xuất phát từ việc thiếu quy hoạch, thiếu sự quản lý sát sao của các cấp chính quyền trong việc phát triển bãi biển Đá Nhảy thành một địa điểm du lịch đáng đến.
Để khắc phục, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, du lịch biển cần sự tham gia của các cấp, các ngành và mọi thành phần của xã hội. Tuy nhiên, trong bài viết này, người viết muốn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền. Trước thực trạng nói trên, các ngành chức năng tỉnh Quảng Bình cần có các biện pháp chấn chỉnh để bảo vệ môi trường, tạo lập thói quen, nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn môi trường cũng như vẻ đẹp vốn có của bãi Đá Nhảy.
Nhất Linh
Theo