(Xây dựng) - Tình trạng an toàn lao động (ATLĐ) tại các công trường xây dựng, khai trường khai thác đá là vấn đề đáng báo động ở nhiều tỉnh, thành, trong đó có Quảng Bình. Từ đó, công tác đảm bảo ATLĐ và việc trang bị bảo hộ cho công nhân tại các khu vực này cần được chú trọng.
Đảm bảo an toàn cho người lao động và tính an toàn của công trình là yêu cầu cấp thiết.
Tai nạn rình rập
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình hiện có hàng trăm doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng dân dụng và công nghiệp. Cùng đó, có gần 40 đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép khai thác đá, khoáng sản tập trung chủ yếu ở hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Ninh. Không thể phủ nhận việc các doanh nghiệp này đã có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các công trường, khai trường là nơi làm việc của hàng trăm lao động, với đặc thù công việc nặng nhọc, nhiều yếu tố rủi ro, nên tại những khu vực này, yếu tố ATLĐ cần được người sử dụng lao động đặt lên hàng đầu. Mặc dù các cấp, các ngành đã rất nỗ lực, tuy nhiên trên thực tế công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Thực tế cho thấy, yếu tố nhận thức và công tác đảm bảo ATLĐ của một bộ phận công nhân chưa thật cao, nên khi rủi ro xảy ra, hậu quả thường nghiêm trọng.
Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 58 vụ tai nạn lao động làm 58 người bị nạn; trong đó hơn 30% vụ tai nạn liên quan đến ngành Xây dựng, khai khoáng. Nguyên nhân chủ yếu do người sử dụng lao động là nhà thầu tư nhân không được huấn luyện ATLĐ cho công nhân của mình; người sử dụng lao động không xây dựng được quy trình, biện pháp làm việc, thiết bị an toàn không đảm bảo chất lượng.
Ngoài ra cũng có nguyên nhân đến từ sự chủ quan của người lao động, vi phạm các quy định về an toàn, người lao động không sử dụng các trang thiết bị hỗ trợ bảo vệ. Thực tế, có tới hơn 80% công nhân ngành Xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ, lao động tự do, phần nhiều chưa thật chú trọng đến khâu bảo hộ lao động, chăm chỉ đi làm lấy công mà chưa quan tâm đến ATLĐ.
Ghi nhận của chúng tôi tại một số công trường xây dựng, dễ bắt gặp những tốp thợ không trang bị đủ một số trang bị bảo hộ cần thiết như mũ bảo hộ và giày ủng. Họ vẫn chăm chỉ làm tốt phận sự công việc của mình. Cùng đó, việc kiểm tra tính an toàn của hệ thống giàn giáo, trụ chống, thường được nhà thầu làm sơ bộ, không sớm phát hiện ra những yếu tố bất thường, dễ xảy ra sự cố công trình.
Ông Nguyễn Ngọc Tình - Trưởng phòng Quản lý hoạt động xây dựng (Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Tai nạn lao động tại công trường là câu chuyện đáng tiếc, không ai mong muốn. Với những sự cố công trình cấp II, gây chết người, qua kiểm tra hiện trường chúng tôi nhận thấy do nhiều nguyên nhân, trong đó thường gặp là việc mất ATLĐ. Để kiểm soát rủi ro, nhà thầu, đơn vị giám sát nên chú trọng đến công tác kiểm tra tính an toàn của giàn giáo, trụ chống trước khi thi công. Đồng thời, cần yêu cầu công nhân trang bị và sử dụng mủ bảo hộ, giày ủng”.
Cùng đó, liên quan đến công tác ATLĐ tại các khai trường, từ năm 2014 đến nay, cả tỉnh đã có 8 vụ tai nạn lao động ở các mỏ đá, khiến 6 công nhân tử vong và nhiều người khác bị thương. Một số khu mỏ hay xảy ra tai nạn lao động như mỏ đá Rào Trù (xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh), Lèn Na và Lèn Bảng (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa). Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp khai thác đá chưa chú trọng đến công tác đảm bảo an toàn.
Chủ động kiểm soát rủi ro
Để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, trước mắt, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tập trung phối hợp triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao ATLĐ, trong đó trọng tâm là yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xây dựng chương trình quản lý cụ thể đối với từng nội dung trong quá trình thực hiện an toàn vệ sinh lao động; Phối hợp với các Sở Xây dựng, Giao thông - Vận tải, Công thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, các nhà thầu thi công đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, các doanh nghiệp khai thác đá.
Khai thác đá theo kiểu khoan nhồi nổ mìn vào mái sườn đồi, nguy cơ tai nạn rất cao.
Qua nắm bắt được biết, sự cố thường tập trung ở những công trình có vốn tư nhân, vốn doanh nghiệp là do thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý. Đối với những công trình có vốn Nhà nước, sự cố phần lớn đều là do thiếu sự quan tâm của chủ đầu tư, nhiều trường hợp để cho các đơn vị thi công tự quản lý, tự chịu trách nhiệm trong quá trình xây dựng.
Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình cho rằng: Bên cạnh yếu tố kỹ thuật khi thiết kế, việc thi công thực tế tại công trường của công nhân cũng quyết định sự hoàn thiện, tính an toàn của công trình. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng việc đảm bảo an toàn lao động và trang bị bảo hộ cho công nhân, hạn chế sự thiệt hại khi sự cố xảy ra. Từ bài học ở các sự cố công trình nghiêm trọng xảy ra trên toàn quốc, tỉnh Quảng Bình sẽ rút kinh nghiệm trong khâu lập thiết kế và thi công, tránh những sự vụ không mong muốn.
Cùng đó, phía Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cũng cho hay, một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất ATLĐ là do kỹ thuật và phương pháp khai thác tại mỏ đá. Thay vì khai thác theo phương pháp cắt tầng, tạo vỉa, bạt ta-luy và bóc lớp đất phủ bì thì hầu hết các doanh nghiệp đều khai thác theo kiểu khoan nhồi nổ mìn vào mái sườn đồi để lấy đá. Điều này dẫn đến nguy cơ tai nạn lao động rất cao.
Nhất Linh
Theo