Thứ sáu 29/03/2024 08:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quảng Bình: Bản làng thay áo mới từ các chương trình mục tiêu quốc gia

19:44 | 30/01/2023

(Xây dựng) - Với sự hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước, nguồn vốn từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135 nhiều bản làng vùng cao đã từng bước thay da đổi thịt, những con đường bê tông phẳng lỳ men theo triền núi, ánh điện chiếu sáng về tận ngõ.

Quảng Bình: Bản làng thay áo mới từ các chương trình mục tiêu quốc gia
Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được xây dựng khang trang, kiên cố.

Đổi thay ở xã biên giới

Bước vào Xuân mới 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã miền núi Trường Sơn, huyện Quảng Ninh tự hào với những thành quả đạt được, đó là cơ sở để xã Trường Sơn vững vàng trên con đường đổi mới.

Xuân Quý Mão năm nay, nhân dân xã Trường Sơn, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều ở các bản làng vui Tết, mừng Đảng, đón Xuân trong niềm hân hoan phấn khởi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự đầu tư hỗ trợ của các chương trình dự án và sự nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất, đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Các gia đình đều chăm lo Tết khá chu đáo và đầy đủ, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định.

Bà Hồ Thạch, ở bản Khe Cát (xã Trường Sơn) cho biết: Tết Nguyên đán 2023, gia đình tôi cũng như các hộ đồng bào Vân Kiều trong bản đón Tết đầm ấm vui vẻ, mọi nhà đều có một cái Tết no đủ.

Ông Nguyễn Văn Nhì - Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết: Xuân Quý Mão 2023 năm nay, nhân dân xã Trường Sơn, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều ở các bản làng vui Tết, mừng Đảng, đón xuân trong niềm hân hoan phấn khởi.

Còn nhớ trước đây, cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn vất vả vì tập tục du canh dư cư, nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu là ngô, khoai sắn. Từ khi Đảng và Nhà nước có chủ trương chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với nhân dân vùng miền núi, thông qua sự đầu tư, hỗ trợ của các chương trình dự án, Trường Sơn đã có sự chuyển biến rõ nét.

Các hộ gia đình, đặc biệt là gia đình đồng bào Vân Kiều đã biết khai thác đất canh tác từ những thung lũng để sản xuất 2 vụ lúa nước, trồng các loại cây rau màu như lạc ngô, khoai, sắn đảm bảo nguồn lương thực.

Với việc xây dựng các công trình công cộng và cơ sở hạ tầng, trường học từ bậc học mầm non đến THCS được tu sửa, xây dựng mới, theo hướng kiên cố hóa. Hiện nay, xã Trường Sơn duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi, phổ cập xóa mù chữ mức độ 2, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3 và phổ cập THCS đạt mức độ 3. Mặc dù là một xã biên giới, nhưng Trường Sơn chú trọng việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới".

Đồng bào làm kinh tế

Bản Kè, xã Lâm Hóa (huyện Tuyên Hóa) có 58 hộ dân, hơn 70% hộ tham gia trồng rừng với hơn 35ha. Người dân bản Kè hiện đã biết phát huy lợi thế từ rừng để xóa đói giảm nghèo. Nhiều gia đình có của ăn, của để nhờ trồng rừng và phát triển rừng. Bên cạnh trồng các rừng keo, tràm, nhiều hộ dân còn trồng xen vào các khu rừng tự nhiên nhiều loại cây gỗ quý.

Đặc biệt, người dân bản Kè từng bước xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương với sản phẩm măng khô Mã Liềng đã trở thành sản phẩm OCOP của xã và hiện đang tham gia chương trình OCOP cấp tỉnh.

Quảng Bình: Bản làng thay áo mới từ các chương trình mục tiêu quốc gia
Lễ cắt băng khánh thành công trình “Ánh sáng vùng biên” tại bản Mít Cát, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy.

“Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, nhưng nhờ vào cây keo mà gia đình đã khấm khá lên. Đã có tiền cho con ăn học, gia đình tôi còn sắm sửa tivi, quạt máy… và có vốn chăn nuôi thêm bò, lợn” - anh Hồ Phìn chia sẻ.

Bao đời nghèo khó, sống du canh du cư dọc dãy Trường Sơn, sau nhiều năm nỗ lực vươn lên, giờ đây cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng từ miền núi huyện Lệ Thủy, trải dài lên vùng cao Tuyên Hóa, Minh Hóa đang chuyển sang trang mới nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát triển các mô hình kinh tế.

Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, sau 7 năm thực hiện Chương trình 135 (Chương trình giảm nghèo nhanh bền vững) giai đoạn 2016 - 2022, 100% xã đặc biệt khó khăn có đường ôtô đến trung tâm xã được nhựa hóa, bê tông hóa, trong đó 70% thôn, bản có trục đường giao thông được cứng hóa; hơn 85% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân hơn 5,58%/năm...

Hơn hết, giai đoạn 2019 - 2022, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã kêu gọi, vận động nguồn kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, huy động hơn 3.500 ngày công lao động của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân địa phương thực hiện 101 công trình “Ánh sáng vùng biên” với chiều dài 97km.

Nhất Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load