Thứ sáu 29/03/2024 09:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị - Kinh nghiệm quốc tế

11:22 | 21/02/2020

(Xây dựng) - Hạ tầng kỹ thuật đô thị bao gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, cấp, thoát nước, cấp năng lượng, điện - chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc, chuẩn bị kỹ thuật, môi trường đô thị, cây xanh, công viên, xử lý nước thải, chất thải rắn, nghĩa địa, nghĩa trang đô thị và một số hạ tầng đặc thù khác nữa.

quan ly ha tang ky thuat do thi kinh nghiem quoc te
Hạ tầng đồng bộ là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống đô thị thông minh (ảnh: Vũ Chiến).

Tại các quốc gia tiên tiến ở châu Âu

Tại các quốc gia tiên tiến, đã từ lâu họ nhận thức rõ, rằng hạ tầng đô thị là một hệ thống thống nhất và được tổ chức trong một không gian nhất định nhưng phải thực hiện đồng bộ với nhiều đối tượng và nhiều ngành tham gia. Hạ tầng đồng bộ là điều kiện tiên quyết để xây dựng hệ thống đô thị thông minh.

Các quốc gia châu Âu và nhiều quốc gia có vị trí địa lý ở khu vực có khí hậu lạnh thì còn có thêm cấp nhiệt, cấp nước nóng sinh hoạt, cấp hơi đốt gaz. Vì thế, công tác quy hoạch xây dựng một số công trình kỹ thuật đô thị khá phức tạp. Tại các quốc gia này, người ta đã phải dày công nghiên cứu một cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, bãi chôn lấp chất thải rắn, nghĩa trang, nghĩa địa...

Mục đích của nghiên cứu này là nhằm giải quyết những vấn đề có liên quan đến cả một vùng lãnh thổ, tránh sự chồng chéo, cắt ngang một cách vụn vặt giữa các ngành. Điều này tốn nhiều công sức, tiền của và thời gian nhưng sau cùng lại làm cho hạ tầng phát triển đồng bộ, tiết kiệm trong đầu tư và phát triển bền vững của đô thị.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị giữ vị trí tối quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Vì thế, tại những quốc gia tiên tiến như ở châu Âu, các nhà lãnh đạo xác định đây là lĩnh vực phải được xuyên suốt từ quá trình hoạch định chính sách. Khi lập chương trình phát triển đô thị, họ hoạch định rõ ràng chiến lược cho công tác phát triển hạ tầng từ khâu đầu tư, xây dựng, quản lý và khai thác vận hành ra sao.

Để đầu tư và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thì nhất định các đô thị phải có quy hoạch tổng thể/quy hoạch chung được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó quy hoạch chi tiết được lập và thực hiện một cách nghiêm túc.

Hệ thống luật pháp, văn bản pháp lý được ban hành và thực thi một cách nghiêm minh. Giữa các ngành có sự phối hợp nhằm bảo đảm sự đồng bộ. Mục tiêu là làm sao tổ chức thực hiện tốt việc quản lý các công trình hạ tầng đô thị.

Tại Singapore

Singapore được mệnh danh là đô thị thân thiện môi trường, hạ tầng đồng bộ như ngày nay, trước hết là nhờ vào quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ rất sớm. Đó là vào năm 1971 họ đã lập quy hoạch tổng thể và được thực hiện cho đến nay.

Quy hoạch tổng thể Singapore được phân khu rõ ràng. Đâu là khu cao tầng, khu trung bình và khu thấp tầng. Đâu là khu bảo tồn kiến trúc cổ cũng như bản sắc văn hóa. Đặc biệt, trong quy hoạch tổng thể phải thể hiện việc kết nối hạ tầng như nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, điện… rất rõ ràng và đồng bộ, có sự kết hợp sâu rộng giữa các ban ngành và có sự tham gia của cộng đồng.

quan ly ha tang ky thuat do thi kinh nghiem quoc te

Với mật độ xây dựng dày đặc, Singapore phải ưu tiên sử dụng hiệu quả từng mét vuông đất (ảnh Vũ Chiến)

Để tối đa hóa lợi ích không gian, Singapore biến những mảnh đất trống bên cạnh các khu vực cơ sở hạ tầng của thành phố thành những địa điểm phục vụ hoạt động thương mại và giải trí. Ý tưởng xuyên suốt của các cơ quan chức năng tại đây là tận dụng mọi không gian có thể để phục vụ cộng đồng.

Với mật độ xây dựng dày đặc như Singapore phải ưu tiên sử dụng hiệu quả từng mét vuông đất nhưng đồng thời tạo ra cảm giác thoải mái cho người dân. Nhờ có tầm nhìn quy hoạch dài hạn, chính sách phát triển quản lý với thiết kế hiệu quả, hạ tầng đô thị tại Singapore được phát triển đồng bộ.

Tại Nhật Bản

Nhật Bản đã phải đối mặt với thời kỳ kinh tế tăng trưởng cao do dân số gia tăng quá nhanh, tập trung tại các đô thị lớn nên tình trạng đô thị phát triển tràn lan, tự phát đã xảy ra, hạ tầng không đáp ứng với tốc độ phát triển. Đối phó với tình trạng này, Nhật Bản đã đưa ra phương án hạn chế mở rộng và kiểm soát mở rộng đô thị, đưa ra kế hoạch xây dựng hạ tầng đô thị bằng hệ thống phân chia thành các khu vực bằng cách xây dựng các khu đô thị mới.

quan ly ha tang ky thuat do thi kinh nghiem quoc te
Một góc đô thị tại Nhật Bản (ảnh Vũ Chiến)

Nhật Bản đã thúc đẩy các dự án phát triển đô thị gồm: Dự án phát triển khu dân cư đô thị và các dự án xây dựng hạ tầng. Các dự án này đều yêu cầu đảm bảo chất lượng môi trường đô thị và làm hài lòng các nhóm lợi ích tham gia phát triển.

Với xu hướng dân số giảm hiện nay và trong tương lai, Nhật Bản sẽ xây dựng đô thị nhỏ gọn, thân thiện môi trường, giảm lượng carbon (CO2), nâng cao sự tiện lợi của giao thông công cộng và phát triển đô thị trung tâm, đồng thời tiến hành chiến lược thông minh, thu gọn các vùng ngoại ô, đạt được đô thị bền vững.

Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020, thông qua việc đưa ra chính sách thuế carbon để quyết tâm giảm phát thải carbon xuống mức thấp nhất tại các thành phố lớn.

Tokyo được quy hoạch với tầm nhìn và mục tiêu phát triển về hạ tầng, môi trường, an ninh, văn hóa, du lịch và công nghiệp trình độ cao. Tokyo đã triển khai một số dự án như: Chiến lược sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng; Đô thị sử dụng tối đa hóa năng lượng tái tạo; Xây dựng hệ thống giao thông bền vững; Phát triển các công nghệ môi trường mới và tạo lập lĩnh vực kinh doanh về môi trường, chuyển dịch sang giảm thiểu carbon.

Các khu vực đã lập quy hoạch 1/500 được chuyển tải thành quy chế với các quy định về sử dụng đất mang tính bắt buộc. Các quy định về thiết kế kỹ thuật đô thị cho phép mềm dẻo hơn trên cơ sở tuân thủ luật tiêu chuẩn quy chuẩn và các quy định của quy hoạch chung đô thị. Các dự án khác được thực hiện trên cơ sở có sự đồng thuận của Nhà nước và chính quyền địa phương. Các đơn vị tham gia thực hiện dự án có thể là các tổ chức Nhà nước, các công ty tư nhân và các công ty cổ phần đăng ký thực hiện.

Khánh Phương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load