Thứ bảy 20/04/2024 15:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Quản lý dự án sử dụng vốn đầu tư công: Cần có cách thức quản lý chuyên nghiệp

17:07 | 23/12/2019

(Xây dựng) – Hành lang pháp lý đối với dự án đầu tư công không thiếu, có hẳn Luật về đầu tư công, tuy nhiên trước những bất cập trong quản lý vốn đầu tư công đặt ra vấn đề nên tổ chức một đầu mối quản lý vốn đầu tư công để có cách thức quản lý một cách chuyên nghiệp.

quan ly du an su dung von dau tu cong can co cach thuc quan ly chuyen nghiep
Qua 5 lần lùi tiến độ, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể vận hành (Ảnh: LT).

Một vòng luẩn quẩn

Nhiều chuyên gia cho rằng, quản lý vốn của các dự án đầu tư xây dựng công đang có vấn đề trước những bất cập của nhiều dự án gây thất thoát lãng phí, tiến độ dự án kéo dài, điều chỉnh tổng vốn đầu tư nhiều lần vẫn không thể hoàn thành đi vào khai thác, có những dự án chỉ nằm trên giấy không biết đến bao giờ triển khai…

Thời gian qua, đa phần những khoản thất thoát lớn của Nhà nước hay câu chuyện về các cá nhân tham gia vào dự án đầu tư xây dựng sử dụng ngân sách phải chịu án tù xuất phát từ công tác quản lý vốn đầu tư công yếu kém. Chính phủ đã từng bước thực hiện phân cấp mạnh mẽ, tạo chủ động cho các địa phương, các doanh nghiệp trong đầu tư công để giải quyết những vấn đề cấp bách của địa phương, của doanh nghiệp. Nhưng, để dẫn đến các sai phạm trong quyết định đầu tư, điều chỉnh quy mô đầu tư không dựa trên nhu cầu, không tính đến khả năng cân đối vốn, vốn đầu tư phân tán, dàn trải, kéo dài thời gian thi công gây lãng phí, thất thoát tài chính của Nhà nước, nhiều ý kiến cho rằng là do thiếu chế tài kiểm tra, giám sát và ràng buộc trách nhiệm, bộ máy quản lý cồng kềnh, năng lực quản lý, tham mưu của đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cả Trung ương và địa phương hạn chế, thiếu cơ chế giám sát hiệu quả sử dụng vốn, đơn giá, định mức lạc hậu…

Chính từ việc đổ lỗi cho chính sách chưa đúng, chưa đủ cộng với việc rà soát, đánh giá chất lượng các chính sách về đầu tư công, đầu tư xây dựng chưa thấu đáo nên pháp luật về vấn đề này theo hướng ngày một chặt chẽ hơn, mỗi một luật ra đời đều kèm theo nhiều thủ tục, trình tự ngày càng nhiều lên, ràng buộc các bên tham gia.

Mặc dù vậy nhưng tình trạng các dự án chậm triển khai, dự án gây thất thoát lãng phí thời gian, tiền của ngân sách Nhà nước vẫn tiếp tục diễn ra kéo theo bao nhiêu cơ hội phát triển của người dân, của doanh nghiệp, của nền kinh tế bị chậm lại. Nó giống một cái vòng luẩn quẩn bởi không ai dám chắc Luật Đầu tư công sửa đổi ban hành năm 2019 và các luật khác về đầu tư dây dựng đang sửa đổi, sắp ban hành sẽ khắc phục được những bất cập của dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Và trong thực tiễn thì hầu hết các dự án vẫn buộc phải “cầm đèn chạy trước ôtô” mới đáp ứng tiến độ, tất nhiên vẫn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý chỉ là không đúng thời điểm pháp luật yêu cầu. Một cán bộ có kinh nghiệm về quản lý dự án cho biết, trước đây khi chúng tôi triển khai các dự án, nếu cứ phải theo đúng trình tự, hoàn thiện thủ tục mới được làm thì dự án phải đắp chiếu, chúng tôi nhiều khi phải xử lý bằng cách làm trước rồi hoàn tất thủ tục song song, tức là trong khi chờ phê duyệt thủ tục thì chúng tôi đã phải làm rồi, mà phải làm theo cách này thì mới bảo đảm hoàn thành tiến độ công trình và dự toán đề ra.

Nhà nước có sẵn sàng nhường sân?

Vậy thì, vấn đề cốt lõi đặt ra là gì đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn công? Đó là thời gian và tiềm lực tài chính thực hiện dự án. Quan sát các dự án do tư nhân làm, từ dự án nhà ở đến dự án giao thông, giáo dục… cho thấy hầu hết các dự án đều được triển khai rất nhanh, đảm bảo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, thẩm mỹ. Để làm được điều này, doanh nghiệp tư nhân đều có tiềm lực tài chính mạnh và đội ngũ chuyên gia hùng hậu.

Đối với doanh nghiệp tư nhân, thời gian là tiền bạc, thời gian là cơ hội, mất thời gian là mất thêm tiền bạc và cơ hội, cho nên doanh nghiệp chấp nhận mọi điều kiện không thuận lợi, thậm chí mất thêm chi phí để được giải quyết từng đầu mục công việc theo đúng tiến độ, giai đoạn, trong khi đối với dự án vốn đầu tư công dường như không có quỹ tài chính để làm những việc này.

Không chỉ có vậy, doanh nghiệp tư nhân cũng sẵn sàng chi trả chi phí tài chính nhiều hơn để mời các chuyên gia hàng đầu trong ngành, những người có kinh nghiệm thực tiễn làm việc cho mình. Nhiều cán bộ có năng lực, kinh nghiệm của cơ quan quản lý Nhà nước được doanh nghiệp tư nhân trải thảm đỏ mời gọi về làm việc sau khi nghỉ hưu, thậm chí khi vẫn còn đang công tác. Tất nhiên, cũng không loại trừ có những doanh nghiệp tư nhân lợi dụng chính sách đổi đất lấy hạ tầng của Nhà nước để xin dự án nhưng không triển khai được vì không có năng lực tài chính, không bảo đảm có được đội ngũ giúp việc có chuyên môn, kinh nghiệm, hoặc sau khi xin được dự án thì nhanh chóng sang nhượng cho đối tác khác để kiếm lợi nhuận khổng lồ.

Một chuyên gia trong ngành Xây dựng cho rằng, nếu như quản lý dự án đầu tư xây dựng đã khó thì quản lý vốn đầu tư xây dựng còn khó hơn rất nhiều lần. Việc chia vốn đầu tư công cho các Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp từ Trung ương xuống địa phương sau đó giao trách nhiệm cho các cơ quan giám sát, kiểm tra, thanh tra như hiện nay dễ gây ra tình trạng tiêu cực từ trên xuống dưới. Nên sắp xếp, tổ chức lại một đầu mối quản lý vốn đầu tư công ở các lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có một ban quản lý, để có cách thức quản lý vốn đầu tư công một cách chuyên nghiệp, rõ người, rõ việc và thực hiện trách nhiệm giải trình.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load