(Xây dựng) - Chính thức thịnh hành ở Việt Nam trong vài năm gần đây, dịch vụ quản lý BĐS thật sự khởi sắc khi thị trường có thêm sự gia nhập của các thương hiệu lớn trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự hiện diện của công tác này đóng vai trò quan trọng trong việc nâng tầm các dự án, gia tăng giá trị kinh doanh của BĐS mà chủ đầu tư đang sở hữu.
Cuộc trao đổi song song giữa bà Trần Minh Ái - Giám đốc bộ phận Quản lý BĐS Savills TP.HCM và ông Nguyễn Khánh Duy - Giám đốc bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills TP.HCM sẽ mang đến một hình dung chi tiết hơn về hoạt động trên.
Ông, bà có đánh giá như thế nào về nhu cầu quản lý BĐS hiện tại?Trong thực tế, công tác này ảnh hưởng cụ thể thế nào đến hoạt động kinh doanh của các dự án?
Ông Nguyễn Khánh Duy: Hiện tại, rất dễ thấy rằng thị trường BĐS Việt Nam đang khá “ưu ái” cho các dự án trung tâm thương mại, văn phòng cao ốc cũng như nhiều dạng căn hộ cao cấp, khu đô thị… Đà phát triển mạnh mẽ này đương nhiên dẫn đến sự gia tăng nhu cầu quản lý BĐS, đi kèm với hàng loạt các dịch vụ tương ứng. Không chỉ là những công việc liên quan đến việc vận hành hoạt động và cung cấp các quyền lợi dành cho cư dân như giữ gìn an ninh, tài sản, vệ sinh, bảo trì…, quá trình quản lý BĐS còn đảm trách phần đối nội, đối ngoại, nhân sự và tài chính giữa các bên liên quan, từ chủ đầu tư (CĐT) đến Ban Quản trị (BQT). Và dĩ nhiên, nếu tất cả những công đoạn này được đảm bảo thì kết quả rõ nhất sẽ là sự gia tăng giá trị BĐS của các chủ sở hữu. Nếu được quản lý bởi một đơn vị chuyên nghiệp, niềm tin cũng như “tâm trạng muốn mua” của khách hàng vào dự án sẽ được củng cố hơn rất nhiều.
Bà Trần Minh Ái: Quản lý BĐS là một khái niệm quen thuộc trên thế giới, có thể được hiểu là một chu trình khép kín để vận hành một tòa nhà, bao gồm: Quản lý hệ thống và nhân sự, điều hành, hoạch định tài chính, bảo trì và quản trị rủi ro quảng cáo, tiếp thị bán, cho thuê... Tại Việt Nam, do thói quen kinh doanh và mức độ phát triển của thị trường, các đơn vị quản lý BĐS chủ yếu cung cấp dịch vụ tiện ích, bảo trì, vệ sinh, an ninh cho các chung cư, khu đô thị mới, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại. Hiện nay, việc thành lập, hoạt động của các DN kinh doanh trong lĩnh vực này được nêu rõ trong Thông tư 02/2016/TT-BXD, trong đó đặc biệt chú trọng đến chuyên môn nghiệp vụ của những người tham gia trực tiếp vận hành BĐS, phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định của Bộ Xây dựng.
Để đánh giá một nhà quản lý BĐS chuyên nghiệp, chúng ta chú ý đến những tiêu chí nào?
Bà Trần Minh Ái: Như nhiều nhận định, thị trường đầy tiềm năng này thật sự là một mảnh đất màu mỡ, tuy nhiên, cách khai thác hiệu quả thực sự không hề đơn giản. Với mảng quản lý BĐS ở Việt Nam, một quy trình đầy đủ theo tiêu chuẩn quốc tế luôn chú trọng sự minh bạch, bởi đây chính là nền tảng của tính chuyên nghiệp. Hiện tại, ứng dụng công nghệ tiên tiến đang là xu hướng chung của thế giới, hướng đến việc ngày càng minh bạch hoạt động quản lý, về mặt thông tin và chi phí. Ngoài ra, phần mềm quản lý trên di động về lâu dài sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho cư dân, Ban Quản lý và cả chủ đầu tư, Ban Quản trị. Trong khi ứng dụng quản lý đã rất phổ biến ở các nước phát triển lân cận thì tại Việt Nam, đa số cư dân vẫn còn bỡ ngỡ, chưa hoàn toàn sẵn sàng thay đổi phương cách liên lạc truyền thống là gọi điện thoại trực tiếp đến dịch vụ quản lý tòa nhà. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn về việc minh bạch hoàn toàn hoạt động quản lý, các đơn vị chuyên nghiệp đều theo đuổi tới cùng mục tiêu áp dụng phần mềm. Ngoài ra, tiêu chí còn nằm ở giá trị thời gian, chi phí và nhân sự được phân bổ hài hòa, hợp lý
Ông Nguyễn Khánh Duy: Thường các dự án được quản lý bởi các Cty có thương hiệu lớn trên thế giới thì hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng sẽ có ưu thế hơn. Việc chọn các thương hiệu quản lý có tiếng trên thế giới khá quan trọng, bởi nó ảnh hưởng đến hiệu quả bán hàng. Bên cạnh những tiêu chí như đội ngũ nhân sự được đào tạo bài bản, khả năng đáp ứng nhu cầu và giải quyết vấn đề nhanh nhạy, các đơn vị chuyên nghiệp còn đưa ra những gói dịch vụ đặc biệt, dành riêng để hỗ trợ chủ đầu tư cũng như khách hàng của họ. Theo kinh nghiệm của Savills, những chương trình dành riêng để hỗ trợ các chủ căn hộ “mua cho thuê” hiện rất phổ biến. Nhiều chủ đầu tư dạng này chia sẻ, các thương hiệu quốc tế giúp họ hiểu được rõ hơn giá trị của việc sở hữu một đại diện quản lý chuyên nghiệp bởi hiệu quả dài hạn.
Ông bà có thể đánh giá về thị trường và xu hướng quản lý BĐS tại Việt Nam trong thời gian tới?
Bà Trần Minh Ái: Thị trường BĐS Việt Nam đang ở vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ khi ngày càng nhiều dự án chung cư, văn phòng đi vào khai thác và vận hành. Và trong vài năm trở lại đây, nguồn cầu lớn còn tạo động lực hình thành các DN trong nước tham gia và mở rộng hoạt động trong lĩnh vực này. Sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý BĐS được dự đoán sôi động hơn trong thời gian tới, buộc các DN không ngừng chuyên nghiệp hóa, nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý của mình.
Ông Nguyễn Khánh Duy: Trong nhiều khảo sát thực hiện vài năm qua, số liệu chỉ ra rằng nhu cầu đầu tư dài hạn vào BĐS để cho thuê đang có xu hướng tăng lên rõ rệt, bởi lợi nhuận ổn định cùng giá trị lâu dài. Và trên thực tế, khá nhiều các chủ sở hữu căn hộ - cũng là các nhà đầu tư - đến từ các tỉnh thành khác. Từ đó, nhu cầu cần một đơn vị quản lý đáng tin cậy để xử lý những vấn đề trên bảo dưỡng nội thất, cũng như đại diện thu tiền thuê, chi trả các khoản chi phí sinh hoạt, dịch vụ, báo cáo định kỳ về nguồn thu, chi phí… trở nên vô cùng bức thiết và dự báo sẽ phát triển mạnh.
Xin cảm ơn ông, bà về những chia sẻ!
Ngọc Hà (thực hiện)
Theo