(Xây dựng) - Quãng hơn nửa thế kỷ trước, thành thị và nông thôn Việt Nam còn có những khác biệt rất lớn. Không chỉ khung cảnh, con người và mức sống khác nhau, nề nếp sinh hoạt giao tiếp cũng phân chia rõ nét. Thế nhưng vẫn có nét tương đồng ấm áp cảm động. Đó là việc tặng nhau những món quà thường ngày chẳng nhân dịp gì cả. Người quê ra phố mang theo mấy đấu gạo mới, con gà, nải chuối làm quà. Người phố về quê thường mang những vật phẩm tiêu dùng mà ở quê không sẵn. Vài chiếc khăn cho người già, mấy mét vải cho đám thanh niên, bánh kẹo mà chủ lực là bánh mì cho bọn trẻ...
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Những năm người phố về quê sơ tán, mối quan hệ họ hàng dường như được hâm nóng lên. Người quê và người phố thường xuyên gặp gỡ nhau hơn. Và cũng có cơ hội giúp đỡ nhau nhiều hơn. Nhiều gia đình ở nông thôn đã cưu mang cả gia đình thành phố về ở ngay trong ngôi nhà của mình dù chẳng có họ hàng gì. Lúc này người ở phố mới biết rằng mình nghèo đến mức nào. Ngoài những tiêu chuẩn được phân phối bằng tem phiếu ra chẳng thể kiếm thêm bất cứ thứ gì dù chỉ là một mớ rau. Người quê trái lại, đồng ruộng trong tay, vườn tược quanh nhà, cái ăn cái uống gần như chẳng cần phải lo nghĩ. Hết mùa rau đã có rau láo nháo quanh đồng ruộng hái đâu chẳng được. Rau sam, rau dền cơm, rau muối, rau khúc, rau má. Con tôm con cá sẵn có trong ao chuôm sông ngòi. Muốn ăn thì đi bắt. Hết gạo đã có ngô, khoai, sắn trữ sẵn trong nhà. Đặc biệt thịt cá không đến mức ê hề nhưng khi cần cũng kiếm được dễ dàng. Nước giếng, đèn dầu toàn diện ngay từ các huyện ngoại thành Hà Nội. Chẳng bao giờ lo mất điện, cắt nước.
Người phố sơ tán về quê lúc thiếu thốn chưa kịp tiếp tế thường nhận được những món quà quê cảm động. Mớ rau, quả bầu trong vườn nhà. Rổ khoai, bắp ngô mùa thu hoạch. Con cua cái ốc người ta tự đi bắt được ngoài đồng. Thậm chí đến mang cả thùng nước mưa pha trà cũng được người quê biểu. Cảm cái tình ấy, người phố cũng phải loay hoay tìm những món quà đáp lễ. Chỉ có một thứ duy nhất không bán bằng tem phiếu ở thành phố là kem que. Nhưng lại không có chiếc phích giữ lạnh để mang kem về. Đành phải vẫn theo thói cũ. Tết nhất có chai rượu mậu dịch mang biếu cho người quê thắp hương. Ngày thường chỉ có bánh mì cho bọn trẻ. Đôi khi tháo cả hai viên pin trong chiếc đèn đang dùng dở ra tặng người quê. Chỉ thế thôi mà qua được những năm chiến tranh phá hoại ác liệt.
Hòa bình lập lại, mối quan hệ giữa người quê và người phố dường như phai nhạt đi rất nhiều. Thật ngạc nhiên, đó lại là hệ lụy của phát triển. Công cuộc thành thị hóa nông thôn rộng khắp đã biến rất nhiều làng quê trở thành phố xá. Cũng điện lưới và nước máy. Cũng truyền hình và internet. Và thi hoa hậu hay tiếng hát Sao Mai điểm hẹn thì người ở các thành phố lớn giật giải luôn ít hơn tỉnh lẻ.
Cùng với công cuộc thành thị hóa nông thôn là làn sóng di cư vĩ đại của người dân đổ về các thành phố lớn. Chẳng biết có nên gọi là nông thôn hóa thành thị hay không nữa? Rất nhiều phép tắc ứng xử và ý thức văn minh công cộng ở các thành phố lớn bị phá vỡ từ lúc nào không hay.
Thành thị và nông thôn không còn khác biệt về những gì thiếu thốn nữa. Nông thôn có cái gì thì thành phố cũng có. Thậm chí nhiều hơn. Không khó để mua con lợn Móng Cái, Mường Khương hay con gà Mía, gà Đông Tảo ở Hà Nội. Và cũng không khó để mua TV LED, điện thoại iPhone 6 Plus hiện đại nhất ở những địa phương ấy. Giờ thì cả nông thôn và thành thị tặng quà cho nhau phổ biến cùng một thứ cả hai có vẻ như cùng thiếu. Cái phong bì. Ma chay giỗ chạp phong bì. Thăm người ốm, quà sinh nhật, quà cưới, phong bì. Đầy tháng, thôi nôi, đầy năm, thượng thọ, phong bì. Khai trương, động thổ, khánh thành, phong bì. Vui nhất là hội thảo, họp báo, bảo vệ luận án, thẩm định tác phẩm, nghiệm thu công trình cũng phong bì.
Bạn ở Thanh Hóa ra chơi điện thoại hỏi tôi thích thứ gì ở quê bạn nhất thì sẽ mang ra. Ngẩn người mất béng một phút liên lạc mới nhớ ra bảo bạn, ông mang cho tôi cá phèn khổ nhạt ở Tĩnh Gia nhé! Bạn ậm ừ một lúc mới trả lời, để tôi hỏi đã. Mấy chục năm không nhìn thấy rồi! Hóa ra thứ gì không có ở Hà Nội của tôi thì thành phố Thanh Hóa của bạn cũng không, dù Tĩnh Gia là một huyện của nó. Năm ngoái vào chơi với bạn, tôi hãnh diện xách theo chai rượu Ballantines 17. Bạn mủm mỉm không nói gì. Và rót. Chai rượu cạn đã thấy một đệ tử của bạn thập thò ngoài cửa. Cậu ấy mang vào thêm hai chai nữa y hệt!
Đỗ Phấn
Theo