Tổng thống Nga Vladimir Putin từng hứng cáo buộc vũ trang cho lực lượng nổi dậy và thổi bùng ngọn lửa ly khai ở đông Ukraina. Nhưng giờ đây, mọi chứng cứ đều cho thấy một điều ngược lại: ông đang muốn tìm kiếm lệnh ngừng bắn tại đây.
Theo AP, để làm vậy thì ông Putin phải đối mặt với những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước đang gây sức ép, buộc ông đưa quân tới hỗ trợ những người nổi dậy chiếm các tòa nhà trong thị trấn và cứ điểm ở biên giới, chiến đấu với lực lượng chính phủ ở miền đông Ukraina.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Các mục tiêu chiến lược của ông Putin vẫn không đổi. Ông muốn ít nhất thì Ukraina vẫn nằm một phần trong quỹ đạo của Nga và ngăn không để nước này gia nhập NATO.
Tuy vậy, ông cũng rất lưu tâm tới các quan hệ toàn cầu khác của Nga, và muốn thao tác một cách cẩn trọng nhằm tránh các lệnh trừng phạt nữa của EU và Mỹ.
Giải pháp của ông sẽ là tìm cách thương thảo một lệnh ngừng bắn ở Ukraina trong khi vẫn đảm bảo các đòn bẩy lâu dài ở Ukraina.
Lãnh đạo Nga đã ghi một loạt điểm thắng trong tháng trước khi tân lãnh đạo Ukraina Petro Poroshenko tuyên bố một lệnh ngừng bắn được phe nổi dậy chấp thuận.
Mặc dù lệnh ngừng bắn không được thực thi thích đáng và các vòng đàm phán không mang lại kết quả hữu hình, nhưng chỉ riêng việc các bên lần đầu tiên ngồi lại với nhau cũng là một thắng lợi quan trọng cho ông Putin.
Trước đó, chính quyền Kiev nhất quyết không chịu ngồi chung.
Giờ đây, các ngoại trưởng Pháp, Đức, Nga, Ukraina lại đang tìm cách đạt được một thỏa thuận về lệnh ngừng bắn nữa.
Mục đích cuối cùng của ông Putin là buộc Kiev bổ nhiệm một nhân vật thân thiết với Kremlin như Medvedchuk làm tỉnh trưởng ở vùng đông Ukraina, và nhân vật này sẽ nuôi dưỡng mối quan hệ mật thiết với Moscow.
Điều này có thể không đạt được ngay vào lúc này, nhưng các biện pháp khác, chẳng hạn như lời hứa của ông Poroshenko nhằm gia tăng quyền lực cho các chức trách địa phương có thể giúp Nga tăng ảnh hưởng ở đông Ukraina.
Bản thân ông Putin cũng phải có thứ để đổi lại thành công này, và các phương án của ông lại hạn chế. Trực tiếp đưa ra lời kêu gọi phe nổi dậy hạ vũ khí nghe giống như một lời phản bội đối với sự nghiệp của họ và đập tan hình ảnh mà ông Putin thận trọng xây dựng với tư cách là một lãnh đạo cứng rắn đã sẵn sàng đứng về phía phương Tây.
Phần nhiều trong phe nổi dậy có thể sẽ rất miễn cưỡng để buông súng.
Còn Tổng thống Poroshenko cũng phải đối mặt với sức ép rất lớn từ công chúng để có chiến thắng mau lẹ về mặt quân sự.
Khi cuộc nổi dậy ở đông Ukraina bắt đầu nổ ra vào giữa tháng 4 sau khi Nga sáp nhập Crưm, một số chiến lược gia ở Kremlin có thể nghĩ rằng họ có khả năng giữ cho xung đột ở mức độ âm ỉ để buộc chính quyền Kiev nhượng bộ.
Nhưng khi giao tranh bùng phát dữ dội hơn, thương vong gia tăng thành hàng trăm người, những cơn giận giữ lan tỏa đã khiến cho việc giải tỏa khủng hoảng trở nên đặc biệt khó khăn.
Những nhân vật cứng rắn trong nội bộ thân cận của ông Putin trở nên khắt khe hơn, và có nhiều dấu hiệu cho thấy xích mích trong hàng ngũ lãnh đạo chóp bu của Nga. Thậm chí ngay cả khi ông Putin thật sự cố đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn, không có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho thấy cấp dưới của ông sẽ thực thi các mệnh lệnh của ông.
Cố vấn kinh tế của ông Putin là Sergei Glazyev đã đưa ra một loạt tuyên bố đầy hiềm khích, bao gồm cả đề xuất mới đây nhằm đưa máy bay quân sự Nga tới bảo vệ phe nổi dậy ở miền đông Ukraina. Kremlin đã bác bỏ những lời lẽ này, nói rằng ông Glazyev chỉ bày tỏ quan điểm của cá nhân ông ta.
Mức độ Nga can dự với phe nổi dậy cũng không có gì rõ ràng. Ukraina và phương Tây nói rằng Nga kích động nổi loạn bằng binh sĩ và vũ khí, bao gồm xe tăng và các máy phóng hỏa tiễn. Moscow bác bỏ mọi thông tin về việc gửi binh sĩ hay thiết bị quân sự sang Ukraina.
Nếu các vũ khí hạng nặng đã vượt qua biên giới Nga để vào Ukraina như lời Mỹ nói, thì số vũ khí này không có tác động đáng kể nào trên thực địa, nơi mà quân đội Ukraina chiếm ưu thế hơn về mặt quân sự so với phe nổi dậy.
Các lãnh đạo phe nổi dậy đã kêu gọi Kremlin viện trợ quân sự, và một số nhân vật dân túy hàng đầu ở Nga đã chế nhạo ông Putin ‘nhát’. Những chỉ trích như vậy có thể cộng hưởng với dư luận Nga vốn ảnh hưởng từ những thông tin mà báo đài trong nước gây dựng về hình ảnh một chính quyền Kiev đang gây ra mối đe dọa cho những người nói tiếng Nga.
Dù cho Kremlin gần đây đây đã giảm bớt "tông" trên truyền thông, nhưng nhiều người Nga vẫn tràn ngập tinh thần yêu nước vẫn mong ông Putin đưa ra hành động cương quyết.
Và chính trong khía cạnh này thì ông Putin lại trở thành "con tin" của cuộc chơi do ông tạo ra. Điều này sẽ khiến quyền lực của ông bị sứt mẻ nếu như làm dịu giọng đối với Ukraina.
Theo Lê Thu/vietnamnet.vn
Theo