Sau 13 năm nung nấu, ý tưởng phục dựng điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long có thêm một bước tiến bằng Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên. Tuy nhiên, phục dựng theo hướng nào, bao giờ người dân Thủ đô được chiêm ngưỡng công trình này, lại là mối quan tâm lớn của những “người trong cuộc”.
Du khách tham quan điện Kính Thiên. Ảnh: Nguyễn Anh
Chờ gì ở khảo cổ học?
Phải thừa nhận, đến với di tích làm nức lòng bạn bè thế giới nhờ giá trị toàn cầu trong suốt 13 thế kỷ, di sản chồng lấn lên nhau vẫn phải mang tính tưởng tượng quá nhiều. Những tầng giá trị di tích vẫn nằm sâu dưới lòng đất, những gì thấy được ở di tích có tới 7 thế kỷ là nơi ngự trị của các vương triều Việt Nam lại là những căn nhà theo kiến trúc Pháp. Điện Kính Thiên theo sử sách ghi lại là nơi diễn ra các nghi lễ liên quan đến vận mệnh sống còn, hưng vong của quốc gia như: Lễ đại triều, lễ đăng quang, lễ khánh thọ, lễ tiếp sứ thần các nước..., trong nhận thức của nhiều người Hà Nội giờ chỉ là những bậc thềm rồng trước nhà Cục Tác chiến.
Khi nhận được Đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên do UBND TP Hà Nội phê duyệt, ông Trần Việt Anh - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội thừa nhận, còn quá sớm để nói đến việc phục dựng điện Kính Thiên. Bởi, việc cần làm trước mắt của quá trình này là khẳng định sự tồn tại của điện. “Muốn phục dựng điện Kính Thiên và không gian xung quanh nó, một phần di tích quan trọng của Hoàng thành Thăng Long, nơi đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới phải dựa trên chứng cứ khoa học và pháp lý” - GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia khẳng định thêm. Thế nhưng, PGS.TS Tống Trung Tín - nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: “Chứng cứ khoa học về diện mạo điện Kính Thiên hiện trông cậy nhiều vào khai quật khảo cổ còn diễn ra rất nhỏ giọt, mới khai quật được chút xíu của di tích. Từ năm 2010, Viện Khảo cổ học đã tiến hành mở ra các hố khai quật, mỗi hố rộng chưa quá 10m2”. Diện tích khai quật nhỏ là vậy, nhưng những bằng chứng khảo cổ cho sự tồn tại của điện Kính Thiên đã được khẳng định. Bởi vì, không gian của điện Kính Thiên là chính sân Đan Trì (sân đại thần), Đoan Môn (cửa chính) và khu vực phía sau đã dần được phát lộ. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, hiện nay, khảo cổ học đã thấy rõ dấu vết ở sân Đan Trì (Đan Trì của Lê Trung Hưng và Đan Trì của Lê sơ, đào sâu chút nữa là kiến trúc của thời Lý và thời Trần).
Bài học từ Nhật Bản và Hàn Quốc
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản khi phục dựng Đại Kim Điện thuộc quần thể cố đô Nara, ngoài việc nghiên cứu một cách khách quan, tỉ mỉ, các chuyên gia Nhật Bản đã tiến hành phục dựng một số công trình ít quan trọng trước để thí điểm, sau đó tham vấn giới khoa học rồi mới phục dựng các công trình quan trọng hơn. Với cách làm này, người Nhật Bản đã thành công. Tuy nhiên, để đi đến đích, nước này đã mất gần 50 năm nghiên cứu và thực hiện. Với các công trình di sản Hàn Quốc, việc phục dựng có thể diễn ra ngắn hơn, nhưng cũng phải mất ít nhất 5 năm nghiên cứu. “Chúng ta mất 10 năm hay 40 năm với giai đoạn nghiên cứu, sau khi cân đối, đơn vị tư vấn có thể lồng ghép các giai đoạn với nhau để rút ngắn thời gian nghiên cứu, nhưng phải có tính khả thi” - ông Trần Việt Anh khẳng định. Việc nghiên cứu sẽ được triển khai song song cùng lúc trên nhiều nhóm công việc: Sưu tầm khảo cứu tư liệu, tiếp tục khai thác khảo cổ học, học tập kinh nghiệm phục dựng của các nước Đông Á, thiết lập bản vẽ mô hình theo công nghệ 2D và 3D, tìm phương án để di sản phát huy giá trị sau khi phục dựng.
Cũng theo Đề án, bên cạnh việc phục dựng điện theo kiến trúc thời Lê Trung Hưng (giai đoạn còn giữ được nhiều tư liệu nhất), các kiến trúc của điện Kính Thiên thời Lý, Trần (có các tên Càn Nguyên, Thiên An, Nguyễn) sẽ được nghiên cứu để tái hiện bằng công nghệ 3D nhằm bổ sung phục vụ khách tham quan. Theo ông Trần Việt Anh, đề án lưu ý tập trung nghiên cứu khôi phục điện Kính Thiên ở thời kỳ Lê Trung Hưng bởi vì chúng ta đang có nhiều nguồn tư liệu nhất; nhưng đây cũng là gợi ý mở, nếu như trong quá trình nghiên cứu tư liệu tập trung ở các thời kỳ khác thì thời kỳ lựa chọn phục dựng có thể được thay đổi.
Hạn chế lớn nhất của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực là việc lưu trữ tư liệu luôn bị thất thoát. Thế nên, một trong những phương án về mô hình gần kề đang được hướng đến. “Trên thực tế, tại nhà trưng bày của khu di tích di sản thế giới Mỹ Sơn, các nhà khoa học Nhật Bản đã dựng lên một kiến trúc gỗ của người Chăm cổ. Đó không phải là một công trình phục nguyên mà là một kiến trúc được phục dựng lại từ kết quả nghiên cứu để có được hình dung trực quan hơn về kiến trúc gỗ của người Chăm xưa” - TS Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nêu ví dụ. Về hướng này, PGS.TS Tống Trung Tín cũng đưa ra ý kiến tương đồng, có thể nghiên cứu phương án phục dựng trước một mô hình điện Kính Thiên theo tỷ lệ 1:1 trước khi phục dựng chính thức. Điều này đã từng được các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện tại một số di tích ở nước này.
Giống 50% đã là thành công
Vấn đề phục dựng điện Kính Thiên không chỉ giúp du khách có thể chiêm ngưỡng bằng mắt về một chính điện Việt Nam mà còn thể hiện thành quả nghiên cứu hình thức, phong cách về chính điện Việt. Bởi “thực tế tại các quốc gia Đông Á cho thấy, các công trình từng được phục dựng một phần hoặc nhiều phần như Tử Cấm Thành (Trung Quốc), cố đô Nara (Nhật Bản), điện Changdeokgung (Hàn Quốc) đều trở thành những điểm đến về văn hóa và du lịch" - PGS.TS Tống Trung Tín chia sẻ. Thế nên, khi các nhà khoa học đều chung một quyết tâm cần phục dựng điện Kính Thiên, thì PGS.TS Đặng Văn Bài vẫn lưu ý: Sau khi phục dựng có thể gặp nhiều luồng ý kiến, thậm chí là phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng xã hội về việc công trình đó giống hay không giống ngày xưa. “Việc giống được 50% hay không, tôi chỉ quan tâm một nửa. Nửa còn lại là làm sao không gian ấy phải trở nên hấp dẫn, có công năng, chức năng thu hút, gây cảm xúc, ấn tượng để giáo dục cho người Việt Nam tự hào về di sản thế giới của ông cha ta để lại. Cái đó cần quan tâm nhiều hơn” - PGS.TS Đặng Văn Bài bày tỏ. Và để phục dựng được chính điện của Việt Nam, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, không còn cách nào khác là việc chúng ta phải dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm với lịch sử.
Mặc dù, người yêu di sản Việt nóng lòng chờ đợi một điện Kính Thiên mang hình hài thật ra đời. Thế nhưng, với tính chất của một di sản văn hóa của nhân loại, việc nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên đang có những bước đi hết sức thận trọng. Và chắc chắn trước khi phương án phục dựng điện Kính Thiên được quyết định sẽ phải có thêm ý kiến của UNESCO, bởi vì từ khi trở thành di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long trong đó có điện Kính Thiên đã trở thành di sản của cả nhân loại.
Theo Kinh tế & Đô thị
Theo