(Xây dựng)- Với mục tiêu là đảm bảo cấp nước tưới chủ động cho 34.500ha lúa, 7.800ha diện tích màu, tạo nguồn tưới cho diện tích cây vùng đồi 2.400ha, cấp nước cho diện tích nuôi trồng thủy sản 3.700ha…HĐND tỉnh Phú Thọ vừa thông qua nghị quyết về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi đến năm 2020.
Theo đó, đối với quy hoạch tưới, sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình hồ đập, trạm bơm hiện có; xây dựng mới các công trình hồ đập, trạm bơm; kiên cố hóa hệ thống kênh chính các hồ, đập lớn bằng đường ống có áp để mở rộng diện tích phục vụ; kiên cố hóa kênh mương nội đồng đối với lưu vực sông Lô, sông Đà.
Đối với lưu vực sông Thao, tập trung cải tạo, nâng cấp các công trình hồ đập, trạm bơm hiện có; xây dựng mới các công trình hồ đập, trạm bơm; ưu tiên xây dựng mới các công trình hồ chứa lớn, phục vụ khai thác đa mục tiêu, có khả năng tận dụng cột nước địa hình để vận chuyển nước giữa các lưu vực; kiên cố hóa hệ thống kênh chính các hồ, đập lớn bằng đường ống có áp để mở rộng diện tích phục vụ; kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Đồng thời, xây dựng mới 272 công trình; cải tạo, nâng cấp 554 công trình. Trong đó, ưu tiên xây dựng mới 61 công trình; cải tạo, nâng cấp 107 công trình; kiên cố hóa 302km kênh cấp I,II; 1.575km kênh cấp III.
Đối với quy hoạch tiêu, sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp để phát huy hết công suất các trạm bơm tiêu hiện có; xây dựng mới các trạm bơm tiêu nhằm tăng diện tích tiêu động lực để chủ động tiêu úng cho các lưu vực; cải tạo các ngòi tiêu, cống tiêu để tăng khả năng tiêu tự chảy; kết hợp đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản. Tập trung xây mới 29 công trình; cải tạo, nâng cấp 95 công trình. Trong đó, ưu tiên xây dựng mới 15 công trình; cải tạo nâng cấp 31 công trình. Xây dựng mới bờ vùng cho 20 cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung với tổng chiều dài bờ vùng khoảng 38km.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện có 2.026 công trình tưới, trong đó có 1.341 hồ, đập dâng, 432 phai dâng, 222 trạm bơm tưới và nhiều công trình tạm. Năng lực tưới hiện tại đảm bảo tưới cho 29.500/36.500ha lúa chiêm, chiếm đạt 80,8%; 26.300/33.100ha lúa mùa, đạt 79,6%; 2.100/14.100ha diện tích màu, đạt 15%.
Hệ thống kênh tưới hiện có 3.907km kênh các loại, 79,4km đường ống dẫn nước, đều là kênh đất và có mặt cắt hình thang; trong đó kênh cấp I, II là 733km (đã kiên cố hóa 431km); kênh cấp III là 3.173km (đã kiên cố hóa 785km).
Cũng theo thống kê, Phú Thọ có 13 trạm bơm chuyên tiêu, 31 trạm bơm tưới tiêu kết hợp đảm bảo tiêu động lực cho 7.300ha và nhiều ngòi tiêu, kênh tiêu đảm bảo tiêu tự chảy cho 135.100ha.
Nhìn chung, hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu, nhiều công trình được xây dựng trong thời kỳ bao cấp có hệ số thiết kế tưới, tiêu thấp, thiếu kinh phí xây dựng nên chưa hoàn chỉnh, thiết bị lạc hậu, không đồng bộ.
Mặt khác, do đặc điểm địa hình, sự biến đổi khí hậu và sự điều tiết của một số công trình thủy điện lớn trên các dòng sông cùng với việc khai thác đầu nguồn đã làm cho mực nước của sông Lô, sông Chảy, sông Đà xuống thấp, vì vậy, các trạm bơm ven sông đã phải hạ thấp bệ máy và nối dài ống hút để bơm nước tưới.
Hệ thống các trạm bơm lấy nước ven sông Thao cao trình đặt máy của các trạm bơm thấp hơn mực nước báo động 3 nên thường xuyên bị ngập vào mùa mưa lũ, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành.
Bên cạnh đó, các trạm bơm tiêu chủ yếu được xây dựng từ những năm 1970 - 1990, chưa đồng bộ từ đầu mối đến kênh mương, bờ vùng chưa khép kín nên thời gian bơm tiêu lâu, tổn thất lớn làm tăng chi phí vận hành. Hiện nay một số trạm bơm tiêu như Dữu Lâu, Hạ Giáp, Tân Xuôi, Minh Nông, Vĩnh Mộ (TP Việt Trì) nhà trạm bị hư hỏng, máy móc thiết bị đều cũ, năng lực phục vụ chỉ đạt 60 - 65% so với thiết kế. Trong khi đó, hầu hết hệ thống kênh dẫn là kênh đất, hàng năm sau mùa mưa lũ thường bị bồi lấp, không đáp ứng được yêu cầu tiêu thoát nước, gây ảnh hưởng lớn đến việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Theo ông Trần Quang Tuấn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phú Thọ: Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi đến năm 2020 sẽ tăng cường nâng cao trình độ, năng lực cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Có cơ chế về phân cấp đầu tư, phân cấp tài chính để cấp huyện, xã chủ động xây dựng đề án và thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp công trình thủy lợi trên địa bàn mình quản lý và phân cấp quản lý công trình sau đầu tư nhằm khai thác hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng mục tiêu đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương.
Nguyễn Thành Vân
Theo