Theo đánh giá của các ngành chức năng, lượng nước trong đập Đầm Thìn vẫn còn khoảng 300.000m3, ngành nông nghiệp sẽ lắp đặt trạm bơm dã chiến để cung cấp đủ nước tưới cho người dân khi cần thiết.
Vỡ đập Đầm Thìn, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN) |
Liên quan đến vụ vỡ đập thủy lợi Đầm Thìn, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), chiều 29/5, ông Trần Quốc Bình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ, cho biết, sau khi xảy ra sự cố, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh triển khai nhiều phương án tích cực; trong đó tập trung xác định nguyên nhân và biện pháp xử lý đập, đồng thời đảm bảo đủ nước tưới tiêu tại xã Cấp Dẫn và các xã quanh khu vực.
Trước mắt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về thực trạng hiện nay của đập Đầm Thìn, đồng thời mời đơn vị có năng lực của tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khảo sát, đánh giá nguyên nhân, sau đó đề xuất phương án xử lý sự cố vỡ đập.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ báo cáo lãnh đạo tỉnh các phương án khắc phục; trong trường hợp chưa khắc phục được ngay thì cũng sẽ có phương án cung cấp đầy đủ nước tưới cho những diện tích lúa, hoa màu của người dân các xã quanh khu vực…
“Hiện tại, theo đánh giá của các ngành chức năng, lượng nước trong đập Đầm Thìn vẫn còn khoảng 300.000m3, ngành nông nghiệp sẽ lắp đặt trạm bơm dã chiến để cung cấp đủ nước tưới cho người dân khi cần thiết…” ông Bình cho biết thêm.
Theo báo cáo tình hình ứng phó với sự cố vỡ đập Đầm Thìn (xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê) của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ ngày 29/5, đập Đầm Thìn được cải tạo nâng cấp trong các năm 2008 và 2009.
Đập này đang được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp xã Cấp Dẫn vận hành, khai thác phục vụ sản xuất nông nghiệp cho nhân dân xã Cấp Dẫn. Hồ Đầm Thìn có dung tích 992.000m3, phục vụ tưới cho hơn 211 ha (vụ Chiêm - 118 ha, vụ Mùa - 72 ha, vụ Đông - hơn 21 ha).
Đập có kết cấu bằng đất, chiều cao lớn nhất là 9,4m, dài 320m, mặt đập rộng 5m được gia cố mặt bằng bêtông, cao trình đỉnh đập + 35,7m... Tràn có kết cấu bêtông cốt thép, cao trình đỉnh tràn +34,1m, chiều rộng tràn 10m, chiều dài 75m. Cống lấy nước kết cấu bằng ống thép D400 dày 6mm được bọc trong bê tông cốt thép, cao trình đáy cống +30,6m.
Vào khoảng 7 giờ ngày 28/5, tại vị trí giữa đập Đầm Thìn một đoạn thân đập bị vỡ với kích thước trung bình 9,5m, cao trình đoạn vỡ cách đỉnh đập 6,5m làm khoảng 450.000m3 nước trong lòng hồ chảy xuống hạ lưu. Cao trình mực nước trước khi xảy ra sự cố là +33,7m. Đến 11 giờ cùng ngày, cao trình mực nước trong lòng hồ ở mực nước chết.
Ngay khi xảy ra sự cố, Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Khê đã chỉ đạo các xã có nguy cơ bị ảnh hưởng của vụ vỡ đập thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho khu vực hạ du; chỉ huy lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, dân quân các xã Cấp Dẫn, Xương Thịnh, Tùng Khê chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán 17 hộ dân và tài sản trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.
Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Khê chỉ đạo lực lượng công an, quân sự đảm bảo an ninh, trật tự, phân luồng giao thông, huy động cán bộ, chiến sĩ tăng cường rà soát hỗ trợ các hộ dân.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương tìm ra nguyên nhân gây ra vỡ đập, đồng thời tìm phương án xử lý khẩn cấp trong thời gian nhanh nhất ngay sau khi nước hồ rút.
Theo thống kê sơ bộ, đập vỡ khiến gần 3ha lúa bị thiệt hại; hơn 4ha ao nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng; 100 con gia cầm bị cuốn trôi./.
Theo Tạ Văn Toàn (TTXVN/Vietnam+)