Thứ năm 18/04/2024 11:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”

15:08 | 22/11/2022

(Xây dựng) - Không ít các vụ tranh chấp đất đai tại “Đảo ngọc” Phú Quốc đang là điểm nóng, biến tướng thành các hành vi bạo lực thì vụ việc tranh chấp mảnh đất rộng 15.600m2 tại khu phố 7, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc có liên quan đến bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh dù đã được Ban Dân nguyện Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo, đề nghị giải quyết. Tuy nhiên đến nay, vụ việc dường như bị “đóng băng”, “chìm xuồng” bởi các cấp chính quyền xử lý chậm trễ, gây bức xúc cho người dân. Đặc biệt khi hiện trạng thửa đất đang được cấp tập thi công, san gạt, xây dựng tường bao, hàng rào, tiềm ẩn nguy cơ phân lô, bán nền, chuyển nhượng cho các chủ sử dụng mới.

Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc, thì hiện trạng thửa đất tại khu phố 7, phường Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thay đổi từng ngay, hàng trăm mét tường bao được cấp tập xây dựng khiến tranh chấp càng trở nên phức tạp.

Sổ đỏ cấp bất thường, hiện trường thực địa bị san gạt, xây dựng ngổn ngang

Khởi đầu của sự việc bắt nguồn từ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số AB 389434, ngày 21/4/2005, có diện tích 15.600m2, tại hẻm công cộng thuộc đường Trần Hưng Đạo, Khu phố 1, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được ông Đinh Khoa Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc khi đó ký cấp cho hộ ông Tống Văn Sô (sinh năm 1935) và bà Lê Thị Gái (sinh năm 1945).

Cuốn sổ đỏ được chính quyền huyện Phú Quốc phát hành, cấp cho người dân sử dụng vào mục trồng cây lâu năm, có thời hạn sử dụng đến tháng 10/2043 “bỗng chốc” trở thành tâm điểm của cuộc tranh chấp giữa các bên vì hoàn toàn bỏ trống phần số thửa đất và số tờ bản đồ của thửa đất.

Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Sổ đỏ AB 389434 ngày 21/4/2005 do UBND huyện Phú Quốc cấp cho ông Sô, bà Gái có rất nhiều bất thường và bỏ trống nhiều thông tin quan trọng.

Ngày 19/6/2018, dù thửa trong sổ đỏ AB 389434 cấp cho ông Sô, bà Gái không có số thửa, số tờ bản đồ nhưng ông Võ Văn Lên - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc vẫn tiến hành trích lục bản đồ địa chính. Trong đó, trích lục thể hiện toàn bộ diện tích đất nằm trong ranh Rừng phòng hộ cũ. Đến thời điểm này, thửa đất có số thứ tự 203, tờ bản đồ số 126, nằm trong khu phố 7, phường Dương Đông, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Bên cạnh đó, trích lục cũng cập nhật các hộ xung quanh và tọa độ của thửa đất.

Tháng 12/2020, bà Lê Thị Gái tiến hành chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1962, trú tại Khu phố 7, thị trấn Dương Đông, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Mặc dù sổ đỏ số AB 389434 không có số thửa, số tờ bản đồ nhưng đến năm 2018, ông Võ Văn Lên - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc vẫn tiến hành trích lục bản đồ địa chính và khẳng định toàn bộ diện tích nằm trong ranh Rừng phòng hộ cũ.

Khi chủ sử dụng đất mới rầm rộ thi công, thực hiện san ủi, chặt phá các cây trồng lâu năm, xây dựng tường rào bao quanh trên khu đất thì vấp phải sự phản đối, ngăn chặn rất quyết liệt từ gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, trú tại khu phố 12, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, khu đất nên trên được ông Nguyễn Ngọc Sơn (cha ruột bà Hạnh) mua lại của bà Nguyễn Thị So vào năm 2007. Việc mua bán, chuyển nhượng đất đai giữa ông Nguyễn Ngọc Sơn (ông Sơn chết năm 2015) và bà Nguyễn Thị So có người làm chứng, được nhiều người dân địa phương biết và không hề có tranh chấp trong suốt nhiều năm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh còn cho rằng, GCNQSD đất số AB 389434 do UBND huyện Phú Quốc cấp ngày 21/4/2005 không có số tờ, số thửa. Đến năm 2011, thửa đất này vẫn không được đo đạc, thể hiện trên hệ thống bản đồ địa chính, không được cập nhật vào sổ mục kê do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang nghiệm thu tháng 9/2011. Ngay sau khi phát hiện ra sự việc, gia đình bà Hạnh đã gửi đơn thư khiếu kiện, tố cáo đến nhiều cấp ngành Trung ương và tỉnh Kiên Giang, thành phố Phú Quốc, thế nhưng đến nay vụ việc tranh chấp vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Giấy tờ mua bán đất ngày 23/6/2007 giữa bà Nguyễn Thị So và ông Nguyễn Ngọc Sơn (cha ruột bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh).

Không chỉ tranh chấp với hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, thửa đất nêu trên còn vướng tranh chấp, chồng lấn gần 2.600m2 với bà Hồ Ngọc Chiếu - người sử dụng đất liền kề. Thế nhưng, các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang vẫn tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đất đai cho bà Nguyễn Thị Hòa - người nhận chuyển nhượng đất đai từ bà Lê Thị Gái.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của người dân địa phương được ghi nhận cho biết, bà Lê Thị Gái không biết chữ, tuy nhiên, tại một số văn bản có liên quan đến việc xin cấp sổ đỏ cho thửa đất vào năm 2003, 2004 như: Đăng ký nhà ở, đất ở; Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất; Biên bản xác định ranh giới quyền sử dụng nhà đất ở phần ký tên đều được ký với tên Lê Thị Gái với nhiều hình dạng khác nhau.

Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Tại hiện trường, máy trộn bê tông, lều lán, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang.

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện trạng thửa đất đang thay đổi từng ngày, hoạt động xây dựng diễn ra khá cấp tập. Hàng trăm mét tường bao kiên cố đã được xây dựng xung quanh. Cát, sỏi, xi măng, máy trộn bê tông được tập kết ngổn ngang trên khu đất có mục đích sử dụng là trồng cây lâu năm, tiềm ẩn nguy cơ phân lô, bán nền cho các chủ dụng mới.

Cơ quan chức năng bất nhất, lúng túng khi giải quyết sự việc

Tại Văn bản số 154 UBND-NCPC ngày 10/3/2022 về việc trả lời khiếu kiện của ông Lý Văn Minh (người được bà Hồ Ngọc Chiếu ủy quyền), UBND thành phố Phú Quốc cho rằng, diện tích 15.600m2 tại khu vực rừng cửa lấp, xã Dương Tơ (nay khu phố 7, phường Dương Đông, thành phố Phú Quốc) có nguồn gốc là do vợ chồng ông Tống Văn Sô và bà Lê Thị Gái khai phá sử dụng trồng cây lâu năm từ năm 1975; đến năm 1993 thửa đất trên của ông Sô được đo đạc trên sơ đồ 14, tại thửa đất số 93, tờ bản đồ số 01, diện tích 15.540m2. Nhưng đến năm 1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UB về việc giao đất và cấp GCNQSD đất cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ và Đặc dụng Phú Quốc để bảo vệ và phát triển rừng tại huyện Phú Quốc tổng diện tích 333.078.224m2 (trong đó có phần diện tích 15.540m2 của ông Tống Văn Sô). Đến năm 2003, bà Lê Thị Gái làm đơn đăng ký nhà ở, đất ở tại thửa đất nêu trên gửi đến UBND huyện Phú Quốc; năm 2005, ông Sô, bà Gái được UBND huyện cấp GCNQSD đất số AB 389434 ngày 21/4/2005 nêu trên.

Đến năm 2013, UBND tỉnh Kiên Giang cấp GCNQSD đất số BL 609249 ngày 06/3/2013 cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ và Đặc dụng Phú Quốc (nay là Vườn Quốc gia Phú Quốc), thì thửa đất diện 15.600m2 của bà Gái nằm ngoài diện tích đất Vườn Quốc gia quản lý. Đến năm 2015, ông Sô chết, bà Lê Thị Gái lập thừa kế quyền sử dụng đất và được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Phú Quốc chỉnh lý trên Giấy chứng nhận ngày 06/6/2019; sau khi nhận thừa kế bà Lê Thị Gái lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Lê Thị Hòa được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đại huyện Phú Quốc chỉnh lý trên Giấy chứng nhận ngày 03/12/2022.

Sau khi Văn bản số 154 UBND-NCPC ngày 10/3/2022 của UBND thành phố Phú Quốc được ban hành, đến ngày 04/4/2022, bà Trần Mỹ Hiệp - Chủ tịch UBND phường Dương Đông có Báo cáo số 52/BC-UBND, trong đó có nội dung phản bác văn bản của thành phố Phú Quốc và cho rằng, UBND phường Dương Đông đã đối chiếu sơ đồ 14 đo đạc năm 1993 thì thửa đất trên diện tích 15.600m2 của ông Sô bà Gái là không được thể hiện trên sơ đồ 14 và trong diện tích 15.600m2 này bà Hồ Ngọc Chiếu mẹ ông Lý Văn Minh đang tranh chấp với bà Nguyễn Thị Hòa diện tích 2585,2m2.

Trước đó, ngày 03/3/2020, Báo cáo số 54/BC-STNMT của Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ, kết quả kiểm tra trích lục bản đồ địa chính số 343 (thửa đất số 203, tờ bản đồ số 126) có tọa độ kèm theo thì toàn bộ diện tích 15.595,0m2 theo GCNQSD đất số AB 389434 do UBND huyện Phú Quốc cấp ngày 24/4/2005 cho bà Lê Thị Gái và ông Tống Văn Sô nằm trong toàn bộ diện tích đất đã được UBND tỉnh giao đất theo Quyết định 2163/QĐ-UBND ngày 16/8/1998 và cấp GCNQSD đất số K 475659 ngày 18/6/1998 cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ Phú Quốc.

Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang.

Liên quan đến việc xử lý đối với các trường hợp cấp GCNQSD đất chồng lấn với diện tích rừng, ngày 01/10/2018, Sở Tài nguyên và Môi trường có Báo cáo số 240/BC-STNMT về việc báo cáo kết quả rà soát và kiến nghị. Trên cơ sở báo cáo kết quả rà soát và kiến nghị của Sở, ngày 25/10/2019 Văn phòng UBND tỉnh có Thông báo số 675/TP-VP về việc thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc giải quyết vướng mắc về cấp GCNQSD đất cho hộ gia đình, cá nhân trong khu vực đất rừng trên địa bàn huyện Phú Quốc, theo nội dụng ý kiến chỉ đạo: Yêu cầu UBND huyện Phú Quốc kiểm tra, xử lý thu hồi GCNQSD đất đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai cho người sử dụng đất nằm trong ranh giới đất rừng theo quy định của pháp luật.

Từ đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang nhận xét, kết luận việc UBND huyện Phú Quốc cấp GCNQSD đất số AB 389434 ngày 21/4/2005 cho bà Lê Thị Gái và ông Tống Văn Số sau ngày UBND tỉnh ra Quyết định 2163/QĐ-UBND ngày 16/8/1998 về việc giao đất và cấp GCNQSD đất cho Ban Quản lý Rừng phòng hộ và Đặc dụng Phú Quốc là không đúng theo quy định tại Điều 32 Luật Đất đai năm 2003.

Nhiều bất thường, nhưng vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”

Phú Quốc (Kiên Giang): Bất thường khi cấp sổ đỏ cho người dân, vụ việc đứng trước nguy cơ “chìm xuồng”
Văn bản chuyển đơn do ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội ký ban hành.

Liên quan đến vụ việc tranh chấp nêu trên, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội đã ký ban hành Văn bản chuyển đơn số 794/BDN ngày 31/8/2022; theo đó, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đơn và các tài liệu của bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đến Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và đề nghị lãnh đạo tỉnh Kiên Giang xem xét giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân và thông báo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau văn bản của Ban Dân nguyện Quốc hội, phải đến ngày 29/9/2022, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang mới có Phiếu chuyển đơn tố cáo gửi Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh chuyển đơn của Nguyễn Thị Ngọc Hạnh đến Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật và thông báo kết quả đến Ban Dân nguyện, Chủ tịch UBND tỉnh để biết, theo dõi.

Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết, sau khi 2 văn bản của cấp Trung ương và lãnh đạo tỉnh chỉ đạo đến nay bà Hạnh vẫn chưa nhận được văn bản hồi đáp hay được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang mời lên làm việc.

Phú Quốc là địa phương xuất hiện nhiều điểm nóng khiếu kiện về đất đai, trật tự xây dựng và thay vì thượng tôn luật pháp, nhiều vụ giải quyết tranh chấp bằng hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, không ít vụ việc tranh chấp đất đai được các cấp chính quyền sở tại không quan tâm đúng mức, không sâu sát, giải quyết không dứt điểm gây bức xúc dư luận và ngôn luận.

Câu hỏi đặt ra, các cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang khẳng định toàn bộ diện tích đất nằm trong ranh rừng phòng hộ cũ, vậy nếu nằm trong ranh rừng phòng hộ cũ tại sao năm 2005 UBND huyện Phú Quốc vẫn cấp sổ đỏ cho hộ ông Sô và bà Gái? Đến năm 2011, thửa đất này vẫn không được đo đạc, thể hiện trên hệ thống bản đồ địa chính, không được cập nhật vào sổ mục kê do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang nghiệm thu tháng 9/2011, vậy tại sao khi cuốn sổ đỏ không có số thửa, số tờ bản đồ nhưng ông Võ Văn Lên - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc vẫn tiến hành trích lục bản đồ địa chính vào ngày 19/6/2018. Việc xây dựng tường bao dài hàng trăm mét bao quanh thửa đất có phải là hành vi vi phạm trật tự xây dựng không? Hậu quả pháp lý của vụ việc sẽ ra sao nếu thửa đất bị phân lô, bán nền, chuyển nhượng cho các chủ sử dụng mới?

Trước những dấu hiệu bất thường trong quản lý đất đai, xây dựng và cấp GCNQSD đất cho hộ ông Tống Văn Sô và bà Lê Thị Gái của lãnh đạo huyện Phú Quốc trước đây (nay là thành phố Phú Quốc) và để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ việc, đồng thời giải quyết dứt điểm những khiếu nại, khiếu kiện của công dân, tránh để vụ việc “chìm xuống” hay “đá bóng” trách nhiệm giữa các cấp ngành, một lần nữa, đề nghị lãnh đạo Ban Dân nguyện Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang có chỉ đạo đến các cơ quan chức năng như Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, UBND thành phố Phú Quốc thanh tra toàn diện, toàn bộ quá trình cấp GCNQSD đất, nguồn gốc sử dụng đất cho hộ ông Tống Văn Sô và bà Lê Thị Gái cũng như quá trình chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Lê Thị Gái cho chủ sử dụng đất mới là bà Nguyễn Thị Hòa và các hoạt động xây dựng trên đất, nếu phát hiện sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đề nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Giang Hải

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load