Thứ năm 25/04/2024 16:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Phong Thổ (Lai Châu): Phấn đấu trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với khả năng thực hiện

16:32 | 05/12/2022

(Xây dựng) - Xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài theo hướng bền vững với sự tham gia của người dân là chủ yếu, UBND huyện Phong Thổ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, từng bước nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, văn hóa xã hội phát triển, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định.

Phong Thổ (Lai Châu): Phấn đấu trong xây dựng nông thôn mới phù hợp với khả năng thực hiện
Đồng chí Trần Tiến Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tổng kết mô hình nếp tan tại xã Bản Lang.

UBND huyện Phong Thổ đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, thôn, bản vào cuộc, đã giúp đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức từ huyện đến xã, bản; giúp cho cán bộ, công chức gần dân, sát dân, động viên phát huy tính chủ động, năng động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức và các đoàn thể chính trị của xã, bản.

Trong giai đoạn 2016-2020, các xã đã cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch, tuy nhiên đã hết hiệu lực, vì vậy trong giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở nguồn vốn sự nghiệp NTM đã được phân bổ, đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn triển khai xây dựng Quy hoạch NTM 4 xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời xây dựng Tờ trình đề nghị UBND tỉnh bổ sung kinh phí lập quy hoạch chung (không bao gồm quy hoạch sản xuất) 12 xã không thuộc đối tượng phân bổ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí dự kiến 3.037.237.000 đồng. Kết thúc năm 2022, có 4 xã đạt tiêu chí quy hoạch: Mường So, Khổng Lào, Ma Li Pho, Huổi Luông.

UBND huyện Phong Thổ ưu tiên nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt huy động các nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, phù hợp điều kiện cụ thể của từng xã.

Cụ thể, về tiêu chí Giao thông trong năm 2022 huyện đã triển khai đầu tư, sửa chữa, nâng cấp 53 công trình giao thông với tổng kinh phí 104.757 triệu đồng bằng các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn thực hiện các đề án, nghị quyết. Tiêu chí số 2 Giao thông là một trong các tiêu chí khó đạt, nguyên nhân do trên địa bàn huyện còn có nhiều tuyến đường cần đầu tư, nhu cầu nguồn lực rất lớn, mặt khác, do chưa có quy hoạch chung xây dựng NTM xã nên chưa có cơ sở cho việc áp dụng đánh giá tiêu chí.

Về lĩnh vực giáo dục, hệ thống trường học từng bước được xây dựng trong đó tập trung ưu tiên đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cho các trường trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn. Năm 2022 đã đầu tư kinh phí xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất các hạng mục phụ trợ 28 công trình trường, lớp học trên địa bàn huyện với tổng kinh phí là 33.608 triệu đồng. Duy trì 18 trường học đã đạt chuẩn quốc gia và tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia đối với các trường trong lộ trình, trong năm thực hiện xây dựng và công nhận thêm 04 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn trên địa bàn huyện đạt 22 trường, đạt tỷ lệ 43,14%, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Kết thúc năm 2022, đánh giá theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, có 8/16 xã đạt tiêu chí trường học: Mường So, Khổng Lào, Huổi Luông, Ma Li Pho, Hoang Thèn, Lản Nhì Thàng, Nậm Xe, Dào San (tăng 1 xã so với năm 2021 – Hoang Thèn).

Về Văn hóa, trong năm 2022 huyện triển khai hỗ trợ đầu tư xây mới 24 nhà văn hóa, nâng tổng số nhà văn hóa hiện có trên địa bàn huyện lên 147 nhà (15 nhà văn hóa xã, 132 nhà văn hóa thôn bản). Tuy nhiên, do điều kiện đất đai còn chất hẹp, hiện tại trên địa bàn các xã chưa có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi, một số xã chưa có nhà văn hóa xã theo quy định, gây khó khăn cho việc hoàn thành tiêu chí.

Về Y tế, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế được huyện đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, có 14/16 xã có trạm y tế xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã (đạt 82,35%). Thường xuyên tổ chức truyền thông phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh BHYT, các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước trong khám, chữa bệnh đến cộng đồng. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90% dân số, tỷ lệ dân số được quản lý bằng hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 40%. Tổ chức triển khai chiến dịch tuyên truyền vận động, lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.

Huyện Phong Thổ căn cứ điều kiện, tình hình thực tế của từng xã phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, nâng cao chất lượng sản xuất, tích cực đưa giống cây trồng mới chất lượng cao vào sản xuất tăng cường đầu tư xây dựng, sửa chữa kết hợp quản lý và khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi. Hết năm 2022, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 36.921,96 tấn, đạt 104,18% kế hoạch, tổng đàn gia súc đạt 43.300 con, tốc độ tăng trưởng đạt 5%...

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được duy trì và phát huy hiệu quả, triển khai các thôn, bản; hộ gia đình; cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký công nhận tiêu chuẩn văn hóa năm 2022. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư cụ thể đến từng thôn bản khang trang, thuận lợi cho đời sống sinh hoạt sản xuất của người dân, thiết chế văn hóa được củng cố, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương được bảo tồn duy trì phát triển. Nhiều xã đã hình thành các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao, bền vững. An ninh nông thôn, trật tự an toàn trên địa bàn được đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên.

Mục tiêu năm 2023, UBND huyện Phong Thổ tiếp tục xác định Chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài theo hướng bền vững với sự tham gia của người dân là chủ yếu từng bước nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân, văn hóa xã hội phát triển, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định. Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; hướng mạnh việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, từng bước tăng số lượng các tiêu chí nông thôn mới qua từng năm. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Nguyễn Dương

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load