Trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, không tránh khỏi có những thiệt hại nặng nề về kinh tế với một bộ phận người dân, doanh nghiệp.
Kinh doanh thời Covid-19
Huy, xe ôm công nghệ của Be than thở: "Từ sáng đến giờ (4h30 chiều) em mới được 81 nghìn. Không có khách anh ạ. Hôm qua, cả ngày em được 300 nghìn sau khi đã trừ đi phần trăm cho nhà cung cấp dịch vụ. 300 nghìn chỉ tạm đủ ăn". Huy liệt kê: “50 nghìn tiền xăng xe, 50 nghìn tiền ăn, rồi còn tiền nhà, hầu như không còn lại được đồng nào”.
Tình trạng này xảy ra khi dịch Covid-19 đang trở lại ở mức độ nghiêm trọng, trải dài trên nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại các bệnh viện ở Hà Nội.
“Mong dịch sớm qua để mọi thứ trở lại bình thường”, Huy nói và hiểu rằng cậu chỉ kiếm được tiền khi dịch bệnh được kiểm soát.
Trên chuyến bay từ Côn Đảo về Hà Nội chiều ngày 7/5 của hãng hàng không Bamboo Airways, cả chuyến bay chỉ có tầm 20 hành khách, hầu hết hàng ghế trống không. Một tiếp viên cho biết: "Do dịch bệnh, nhiều người hủy chuyến nên chuyến bay vắng hơn ngày thường nhiều".
Chuyến bay vắng bóng hành khách. Ảnh: Lương Bằng |
Xuống sân bay, khung cảnh vắng lặng khác thường. Hầu hết vẫn chỉ là hàng dài taxi nằm đợi khách. Cảnh tượng ấy xuất hiện ở hầu khắp các khu vực của Hà Nội lúc này. Người dân tự hiểu được rằng, hạn chế ra khỏi nhà, không đến các nơi đông người khi không cần thiết là việc nên làm.
Kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Những xe ôm công nghệ như Huy hay các hãng hàng không lại phải trải qua một đợt “thử lửa” mới, thiệt hại là khó tránh khỏi.
Các nhà máy được kích hoạt chế độ ứng phó chống dịch khẩn cấp, vì chỉ cần có một người bị mắc Covid-19 thì toàn bộ nhà máy có nguy cơ đóng cửa. Đến lúc này, khu vực sản xuất công nghiệp, các nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động.
“19h ngày 7/5, PTC2 đưa lực lượng vận hành trạm BA, B02 vào chế độ cô lập”, lãnh đạo Công ty truyền tải điện 2 thông báo. 'Cô lập' tức là nhân viên vận hành ăn ở và làm việc tập trung tại chỗ không tiếp xúc với người ngoài để tránh lây nhiễm, đảm bảo sức khỏe, bảo tồn lực lượng vận hành hệ thống điện”, lãnh đạo công ty chia sẻ.
Lúc này, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia kiểm soát dịch mạnh mẽ và thu được những kết quả tốt đẹp. Người dân vẫn cơ bản được bảo đảm an toàn, các nhà máy vẫn sản xuất, hầu hết hoạt động đều diễn ra trong trạng thái “bình thường mới”, ngoại trừ một số cơ sở kinh doanh trong diện nguy cơ cao phải tạm ngừng hoạt động.
Phải nhìn nhận một thực tế, đây là đại dịch mang tính chất toàn cầu, diễn biến khó lường khi liên tục xuất hiện nhiều biến chủng mới. Việt Nam chống dịch theo kiểu “biết mình biết ta”, có nghĩa cơ quan quản lý hiểu rằng Việt Nam yếu gì và thiếu gì, hậu quả ra sao nếu để dịch bùng phát.
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp
Cách thức Việt Nam chống dịch giờ đây cũng khác nhiều so với đợt dịch đầu tiên khi đã bình tĩnh phong tỏa theo khu vực, từng bước một, đồng thời tiếp tục tăng cường truy vết, thay vì áp dụng giãn cách xã hội trên diện rộng trên cả nước như đợt dịch đầu tiên năm 2020. Vậy, doanh nghiệp có ủng hộ những biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ không?
Một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tác động của Covid-19 đến doanh nghiệp đã cho ra những con số biết nói. Nghiên cứu này dành riêng một mục để nói về “mức độ ủng hộ giãn cách xã hội”.
Để kiểm định mức độ doanh nghiệp chấp nhận giãn cách xã hội lần nữa, VCCI đã tiến hành một điều tra thực nghiệm. Các doanh nghiệp trong mẫu điều tra được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm. Một nhóm (50% mẫu) nhận được phiếu hỏi có giả định khả năng xuất hiện làn sóng Covid lần 2 tương đối thấp (25%) và khả năng dịch tái bùng phát cao (75%) được đưa vào phiếu hỏi gửi cho 50% doanh nghiệp còn lại.
Kết quả nghiên cứu của VCCI. |
Phát hiện quan trọng nhất từ điều tra thực nghiệm này là, bất chấp khả năng dịch tái bùng phát cao hay thấp, tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ Chính phủ thực hiện biện pháp giãn cách xã hội và phong tỏa nền kinh tế vẫn cực kỳ cao, ngay cả sau những khó khăn đã phải trải qua trong năm 2020. Khoảng 85% doanh nghiệp nhận được khả năng 25% cho biết sẽ ủng hộ các biện pháp giãn cách xã hội. Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được khả năng 75% ủng hộ giãn cách xã hội và phong tỏa kinh tế chỉ cao hơn đôi chút so với nhóm kia.
“Các kết quả này thể hiện thành quả mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được qua các nỗ lực xử lý dịch hiệu quả trong đợt bùng phát dịch đầu năm 2020 bởi nó củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào những quyết sách ứng phó đúng đắn và khả năng của Chính phủ trong việc quản lý một cuộc khủng hoảng khác”, VCCI kết luận.
Xét cho cùng, đây là “thảm họa” có tính toàn cầu, là một cuộc chiến cam go với nhiều đợt phòng ngự phản công. Trong cuộc chiến ấy, không tránh khỏi có những thiệt hại nặng nề về kinh tế với một bộ phận người dân, doanh nghiệp. Đó là điều không ai mong muốn, nhưng khi vắc xin vẫn còn chưa được tiêm chủng rộng rãi để đạt “miễn dịch cộng đồng”, thì việc phòng chống bằng những biện pháp quyết liệt thận trọng như Chính phủ đang làm là điều cần thiết.
Bởi lẽ, nếu để dịch lan rộng ra cộng đồng như một số quốc gia đang mắc phải, thì hậu quả lúc này không phải đo đếm bằng tiền, mà bằng sinh mạng của người dân và cả rất nhiều tiền. Còn sức khỏe, còn người dân, còn khu vực sản xuất, thì chúng ta có cơ hội để trở lại mạnh mẽ hơn khi dịch bệnh được hạn chế.
Theo Lương Bằng/Vietnamnet.vn