Ông Trần Văn Cao – chủ nhân của căn phòng sưu tầm tranh, ảnh, tư liệu quý “có một không hai” về Bác Hồ gây bất ngờ với trí nhớ minh mẫn ở tuổi 84 cũng nhưng những câu chuyện thú vị về Người.
Đại gia đình giàu truyền thống yêu nước
Theo lời ông Trần Văn Cao (84) tuổi, chủ nhân của phòng sưu tầm tranh, ảnh và tư liệu quý về Bác Hồ tại thôn Thọ Đường, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) thì gia đình ông bao gồm 6 anh chị em, mỗi người đều có những đóng góp tích cực cho đất nước trong thời kì kháng chiến chống Mỹ.
Từ trái qua phải là Bà Trần Thị Bắc, Trần Thị Bộ (em gái ông Trần Văn Cao), ông Cao và vợ ông là bà Nguyễn Thị Định trong căn phòng lưu niệm về Bác Hồ. |
Trong đó, anh cả Trần Đức Nam (85 tuổi) từng là y tá phục vụ tronng đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước; Bản thân ông Cao đã công tác tại Bộ Thủy lợi trong những năm kháng chiến chồng Mỹ, sau đó ông nhận nhiệm vụ sang giúp nước bạn là Lào xây dựng kinh tế cho đến khi đất nước hòa bình, ông về lại Hà Nội tiếp tục nhận công tác mới;
Em gái liền kề ông Cao là bà Trần Thị Bắc (75 tuổi) cũng từng tham gia thanh niên xung phong với vai trò y tá phục vụ ở cầu Hàm Rồng; Người em kế tiếp là bà Trần Thị Bộ (72 tuổi), bà Bộ là một cựu dân quân kiêm pháo thủ trực chiến đồi Xuân Mai, từng bắn rơi máy bay Mỹ; Em gái thứ ba là bà Trần Thị Thẩm (69 tuổi), học cơ khí, trong kháng chiến chống Mỹ, bà tham gia phục vụ trên tuyến đường sắt đi cầu Hàm Rồng; Cuối cùng là bà Trần Thị Hồng (66 tuổi), từng xung phong đi bộ đội.
Bà Bắc không khỏi xúc động mỗi khi chia sẻ về công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với gia đình bà. |
Chia sẻ thêm về truyền thống yêu nước của gia đình, ông Cao cho biết, khi miền Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên từ năm 1965 -1975, cả 6 anh em nhà ông đều lần lượt đi ra hỏa tuyến. Chỉ còn bố mẹ ở hậu phương và căn nhà tranh 4 gian được chia thành 2 phần, một nửa gia đình sinh sống và còn lại cho chính quyền huyện làm nơi sơ tán và làm việc.
Lần gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ quên
Cũng theo ông Cao, xuất phát từ lòng biết ơn sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh nên ông luôn mong ước có ngày được gặp Người. May mắn là năm 1963, khi đang là sinh viên trường Trung cấp Thủy Lợi, ông Cao vinh dự được gặp Bác Hồ khi Người có chuyến về thăm thị xã Thái Nguyên (hiện là thành phố Thái Nguyên).
Ông Trần Văn Cao - chủ nhân phòng lưu niệm về Bác Hồ. |
“Đến bây giờ, tôi vẫn không quên được hình ảnh Bác mặc chiếc áo kaki màu trắng ngà, đi dép cao su, Bác kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về mô hình hợp tác xã, về người nông dân và về quê hương Thái Nguyên anh hùng. Bác còn giơ tay bắt nhịp cho chúng tôi hát bài “Kết đoàn”. Tôi thấy Người sao mà giản dị quá, sao mà đáng kính thế, và tôi tự nhủ tại sao mình không làm một việc gì đó để thế hệ sau biết rằng Người vĩ đại như thế nào.
Do đó, năm 1987, khi về hưu, tôi dành tiền lương hưu của mình để đi sưu tầm các hình ảnh, bản vẽ, tư liệu có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với mong muốn những câu chuyện về Người sẽ mãi được lưu giữ, lưu truyền đến các thế hệ về sau, để con cháu chúng ta dù sống trong phồn vinh cũng không được phép quên những hy sinh lớn lao mà cha ông đã đánh đổi bằng cả xương máu”.
Phòng lưu niệm về Bác Hồ
Sau hơn 3 thập kỉ miệt mài tìm hiểu và sưu tầm tranh, ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay, căn phòng trưng bày trên tầng 3 trong nhà của ông Trần Văn Cao lưu giữ hơn 370 hình ảnh quý giá. Trong đó, các bức hình được phân chia theo mốc thời gian một cách logic, hợp lý để người xem có thể dễ hình dung về tuổi thơ, con đường tìm đường cứu nước, những năm bôn ba ở xứ người, lúc Bác trở về lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng Mỹ cứu nước,…Cũng tại đây, ông Cao còn đặt một bức ảnh lớn của Bác Hồ kèm theo bát hương để mọi người đến thăm quan có thể bày tỏ lòng tôn kính đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Ông Cao trong căn phòng mà mình dành hơn 3 thập kỉ để sưu tầm tư liệu về Bác Hồ. |
Bên cạnh phòng trưng bày, tại phòng khách của gia đình, ông Cao cũng treo rất nhiều ảnh Bác cùng với việc bố trí các bức tranh về núi Các – Mác, suối Lê – nin, hang Pác Bó ở hai bên một bức gương lớn như lời nhắc nhở con cháu trong nhà rằng mỗi khi soi gương phải tưởng nhớ đến công ơn của Bác Hồ.
Cuối buổi trò chuyện, bày tỏ cảm xúc về dịp kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Cao đã đọc một đoạn trong cuốn “Sử ca về Bác” bao gồm 1456 câu thơ lục bát được ông sáng tác trong 1 thập kỉ thay cho lời kết; “Thanh cao lý tưởng Bác Hồ/ Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam. Lời nói cũng như việc làm/ Con người phúc hậu, chân thành, mến thương. Tài năng, đức độ phi thường/ Giúp dân cứu nước, chặng đường chông gai. Tuổi thơ có đủ đức, tài/ Giúp dân cứu nước trăm ngoài vững tin...".
Ghi nhận hành động và tinh thần ý nghĩa của ông Trần Văn Cao, mới đây Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao tặng bằng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” TP Hà Nội năm 2020 cho ông Cao. Đồng thời, ông Trần Văn Cao cũng được mời tham dự Chương trình giao lưu nghệ thuật “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2020” do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức ngày 12/5 nhằm biểu dương các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tại đây, ông Cao còn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng một chiếc bút mực làm quà lưu niệm. |
Theo Lộc liên - Duy Phạm/Tienphong.vn